VnReview
Hà Nội

Thủ tướng: có đầu tư vào KHCN mới thoát nghèo

Sáng nay, ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có những chia sẻ thẳng thắn với các nhà khoa học trẻ tiêu biểu tại Hà Nội, trong đó ông nhấn mạnh phải đổi mới và chú trọng phát triển KHCN.

Chỉ có đầu tư vào khoa học công nghệ mới có thể thoát nghèo

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: VTV)

Mở đầu buổi gặp gỡ các nhà khoa học trẻ tiêu biểu, Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực thẳng thắn và tâm huyết của các nhà khoa học trẻ. Suốt chiều dài lịch sử, vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) luôn đóng vai trò quan trọng trong đổi mới và phát triển đất nước;Ngày nay, tiếp nối truyền thống đã có rất nhiều nhà khoa học tiếp tục làm rạng danh đất nước như giáo sư Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn, Lưu Lệ Hằng…

Khoa học công nghệ có đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước và nâng cao vị thế của đất nước. Thủ tướng lấy ví dụ về chàng trai trẻ Phạm Văn Vinh, người đã chế tạo thành công máy bay không người lái bay thành công vào vùng cận vũ trụ ở độ cao 23 km. Kỹ sư Lưu Mạnh Hà đã có hơn 25 sáng kiến làm lợi cho tập đoàn Viettel hàng trăm tỷ đồng… chưa kể những đóng góp từ lực lượng khoa học trẻ trong số 4 triệu kiều bào trên khắp thế giới.

Khác với trước, hiện nay các ý tưởng thực sự hữu ích sẽ sớm được nhìn nhận và hiện thực hóa, nhất là khi có sự giao lưu mở cửa với bên ngoài. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn nhưng chính phủ vẫn quyết tâm dành cho quỹ khoa học một khoản 1000 tỷ đồng như công bố hồi đầu năm, đây là khoản tiền lấy từ thuế của người dân nên Thủ tướng kỳ vọng nó sẽ được sử dụng hữu ích và đúng đắn nhất.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các nhà khoa học cần được đảm bảo quyền tự do, dân chủ và thoải mái bày tỏ ý kiến của mình để đóng góp vào phát triển khoa học công nghệ, chỉ có vậy mới có động lực, bởi ngoài tự do kinh tế còn cần được tự do về tinh thần (tự do sáng tạo).

Chính phủ đã chọn ra và thông qua 6 sản phẩm trọng điểm quốc gia, 3 sản phẩm dự bị nữa là 9 sản phẩm. Trọng điểm là để đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, để tăng nhanh số lượng, chất lượng và hạ giá thành nhằm nâng cao tính cạnh tranh. Hiện giờ đang triển khai nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

Thủ tướng chia sẻ, "có một nghịch lý đáng buồn, lúa gạo Việt Nam chất lượng cao dù đang đứng đầu trong nhóm 6 sản phẩm trọng điểm quốc gia, nhưng từ đầu năm tới nay vẫn còn ứ đọng hơn nửa sản lượng chưa bán được, trong khi lại phải bỏ ra tới 4-5 tỷ USD nhập ngô và đậu tương để làm thức ăn cho gia súc, trong khi số tiền xuất khẩu gạo cũng chỉ cỡ tiền nhập ngô – đậu thôi.

Yêu nước đến mấy thì yêu, nhưng giá nhập rẻ hơn giá thu mua trong nước thì không thể cạnh tranh nổi, dù nhập từ Argentina hay từ Mỹ và chịu nhiều khoản phí nhưng vẫn rẻ hơn. Điều đó đòi hỏi phải quy hoạch lại phân bổ nông nghiệp cũng như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghiệp để giảm giá thành và tăng năng suất".

Đặc biệt là lĩnh vực an ninh quốc phòng, muốn cảnh giới bầu trời hay bảo vệ đất nước thì phải đi mua từng thiết bị như radar, tên lửa, tàu ngầm... tất cả đều rất đắt đỏ, chưa kể mang tính bị động vì phụ thuộc vào đối tác. Do vậy Thủ tướng khuyến khích các bên liên quan hỗ trợ tối đa các dự án chế tạo những thiết bị công nghệ cao, làm chủ quy trình sản xuất và chế tạo cũng như đào tạo nguồn lực con người cho mảng này, kể cả những dự án tưởng như "vui vui" như dự án robot Tosy... để giữ những sản phẩm đó ở lại với Việt Nam. 

Tựu chung lại, để thoát khỏi những bế tắc và các vấn đề hiện nay của kinh tế lẫn an ninh quốc phòng, chỉ có con đường đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ mới có thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bên liên quan hỗ trợ hiện thực hóa dự án phát triển kính "đặc biệt" dành cho 300.000 người khiếm thị ngay trong năm 2016.

H.T

Chủ đề khác