VnReview
Hà Nội

Chưa tới nửa thế kỷ, con người đã tiêu diệt phân nửa các loài sinh vật biển

Theo báo cáo của WWF, quần thể sinh vật biển có vú, cá, chim và bò sát sinh sống tại các vùng biển trên thế giới đã suy giảm tới 49% kể từ năm 1970.

Việc săn bắt quá mức của con người là nguyên nhân chính gây giảm sút các quần thể sinh vật biển

Nghiên cứu này chỉ ra rằng, con người là nguyên nhân chính cho vấn đề biến mất của nhiều loài sinh vật biển do nhu cầu tiêu thụ hải sản không ngừng gia tăng. Đáng chú ý hai loài cá ngừ và cá thu đã suy giảm tới 74% về số lượng do con người khai thác quá mức.

Marco Lambertini, người đứng đầu Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) toàn cầu cho biết:;"Chỉ trong vòng một thế hệ nhân loại, hoạt động của con người đã hủy hoại nghiêm trọng các đại dương do tốc độ đánh bắt cá nhanh hơn tốc độ tái sinh sản của loài cá, đồng thời chính con người cũng phá hủy đi môi trường sinh sống của chúng".

Báo cáo khẳng định thêm, loài hải sâm (một loại thực phẩm cao cấp phổ biến ở Châu Á) đã suy giảm đáng kể về số lượng. Theo ghi nhận, mức giảm thậm chí đạt tới 98% tại quần đảo Galapagos và 94% tại Biển Đỏ. Như vậy, gần như những cá thể ít ỏi còn lại sẽ phải mất một khoảng thời gian rất dài để phục hồi lại số lượng. Song, nếu như tình trạng khai thác hải sâm bừa bãi không ngừng lại, nguy cơ loài động vật này tuyệt chủng trong tương lai gần là điều không phải bàn cãi.

Loài hải sâm. Ảnh Internet

Như đã được đề cập ở trên, môi trường sống xuống cấp cũng kéo theo sự suy giảm số lượng sinh vật biển. Chẳng hạn khu thảm thực vật và rừng ngập mặn đều là những nơi nuôi dưỡng và ươm mầm nguồn sống cho nhiều loại đang bị suy giảm nhanh chóng, nhường chỗ cho các công trình lấn biển của con người.

Ngoài tác động từ bàn tay con người, báo cáo cũng cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân thứ hai của vấn đề này.

Lượng CO2 được hấp thụ vào các đại dương tăng nhanh qua từng năm đã biến đổi đặc tính của nước, khiến chúng mang tính axit nhiều hơn. Khi nước biển mang tính axit, nhiều loài sinh vật biển không kịp thích nghi có thể chết với số lượng lớn, thậm chí là tuyệt chủng trên quy mô lớn.

"Việc đánh bắt quá mức, phá hủy môi trường biển và biến đổi khí hậu sẽ mang lại những hậu quả tàn khốc cho toàn bộ dân số loài người, vì các cộng đồng nghèo đói nhất phụ thuộc vào nguồn sống từ biển. Họ sẽ bị tác động nhanh nhất và mạnh mẽ nhất. Những thay đổi sâu rộng là cần thiết để đảm bảo duy trì một đại dương đa đạng và phong phú cho các thế hệ tương lai"Lambertini cảnh báo mạnh mẽ về những tác động to lớn từ việc huỷ hoại môi trường sinh vật biển đối với nhân loại.

Được biết, báo cáo trên của tổ chức WWF lấy số liệu phân tích từ 5.829 quần thể của 1.234 loài động vật biển, gần như gấp đôi so với các nghiên cứu trước đó. Điều này giúp mang lại một bức tranh toàn cảnh và rõ ràng hơn về sức khỏe của đại dương.

Sự suy giảm của các loài sinh vật biển như cá hoặc động vật có vú khác khiến các loài động vật săn mồi như cá mập cũng khó có thể sinh sống vì thiếu thức ăn

WWF đang kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu đảm bảo cho sự phục hồi đại dương và thúc đẩy gia tăng con số về sức khỏe cho môi trường sống ven biển. WWF mong muốn chương trình hành động trên sẽ được đưa vào danh sách ưu tiên trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc trong vòng 15 năm tới. Dự kiến, chương trình này sẽ sớm được phê duyệt vào cuối tháng Chín này.

Trần Tiến

Theo BBC và Telegraph

Chủ đề khác