VnReview
Hà Nội

Học trò làm mạch điện tự động

Từ thời còn là học sinh cấp 2, nhiều người đã biết đến cái tên Ung Tấn Đức (hiện là học sinh lớp 10/5, Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ) vì những thành tích trong sáng chế khoa học kỹ thuật. Năm ngoái, trong một cuộc thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh, Đức đã giành giải nhất với sản phẩm máy chống trộm. Năm nay, Đức tiếp tục ghi danh vào top giải cao nhất với mô hình mạch điện tự động có thể ứng dụng trong việc bật ngắt dòng điện tự động nhờ vào quang trở.

Học sinh Ung Tấn Đức, tác giả của mạch điện tự động

Ý tưởng thiết kế và tạo nên bộ mạch này đến với Đức rất tình cờ. Đó là một ngày đi học về lúc trời nhá nhem tối, Đức thấy một người trong tổ dân phố 2B (khối phố Hương Trà Tây, P.Hòa Hương, Tam Kỳ) nơi em cư trú rọi đèn pin để mở công tắc điện chiếu sáng cho cả khu dân cư. Đức nghĩ việc đóng ngắt mạch điện nội bộ vẫn có thể tùy thuộc vào ánh sáng như hệ thống đèn đường.

"Thế thì tại sao mình không nghiên cứu để giúp các chú là nhân viên trực bật tắt nguồn điện không phải mất thời gian, đặc biệt là vào những ngày mưa nguồn điện có thể rò rỉ bất cứ lúc nào. Từ đó, em bắt tay tìm hiểu để thiết kế mạch điện tự động", Đức nói.

Vì có vốn kiến thức về mạch điện khá chắc nên việc vẽ mạch với Đức không tốn nhiều công sức. Và em chỉ mất 2 ngày, tốn vài trăm nghìn đồng để hoàn thiện bộ mạch này. Nguyên tắc hoạt động mạch điện tự động dựa vào sự hoạt động của cảm biến ánh sáng.

Có thể hiểu đơn giản là khi có ánh sáng thì dòng điện không được nối nên đèn không sáng và ngược lại khi trời tối thì đèn sẽ được bật lên. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế thì mạch điện này cũng không khác mạch điện đèn đường là bao và khi có sự cố về điện thì mạch sẽ không tự hoạt động trở lại mà đòi hỏi phải có người đóng mạch trở lại.

Sơ đồ Mạch điện tự động

Để khắc phục hạn chế này, Đức đã lắp thêm một mạch kích xung. Thiết bị này có công dụng tự động bật đèn sáng trở lại trong các trường hợp mất điện đột ngột, không cần sự can thiệp của con người.

Theo Đức, với mạch điện do em thiết kế có thể vận dụng để làm máy chống trộm bằng tia laser với giá thành khá rẻ.

"Mạch điện tự động của em có thể lắp đặt để làm "công tắc" bật đèn cho công sở lớn, hệ thống đèn đường nội bộ hoặc làm máy báo chống trộm đều phù hợp. Hiện em đang cùng một người anh nghiên cứu để chế tạo mô hình xe phun thuốc sâu điều khiển từ xa, nhằm hạn chế sự tiếp xúc của con người trong công việc độc hại này", Đức cho biết thêm.

Sản phẩm của Ung Tấn Đức là 2 trong số 4 giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần 8 của tỉnh Quảng Nam.

Theo Thanh Niên

Chủ đề khác