VnReview
Hà Nội

Giải mã bí mật đôi mắt to của người Neanderthal

Người Neanderthal có đôi mắt rất to và các nhà khoa học đang tranh cãi với nhau liệu điều này có phải nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong của họ hay không?

Chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội để đối mặt với người Neanderthal vì họ đã tuyệt chủng từ hàng ngàn năm về trước. Tất cả những gì chúng ta có thể làm hiện nay là tái tạo lại hình dáng của họ thông qua các mẫu xương mà các nhà khảo cổ tìm được. Về cơ bản, loài người hiện đại có nhiều đặc điểm giống với người Neanderthal ngoại trừ một chi tiết là họ có đôi mắt và bộ não lớn hơn chúng ta rất nhiều.

Có lẽ đôi mắt lớn của người Neanderthal giúp họ nhìn rõ hơn chúng ta. Tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng chính đôi mắt ấy là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal.

Người Neanderthal xuất hiện cách đây khoảng 250.000 năm tại nhiều vùng thuộc Châu Âu và Châu Á. Trong khi đó, các quan điểm khoa học hiện nay cho rằng tổ tiên của loài người hiện đại là người Homo sapiens xuất hiện ở Châu Phi cách đây 200.000 năm. Họ đã đến Châu Âu cách đây 45.000 năm và gặp gỡ với người Neanderthal.

Hộp sọ của người Homo erectus và Neanderthal

Theo ước tính mới nhất của các nhà khoa học thì hai chủng người này cùng chung sống với nhau trong một giai đoạn kéo dài khoảng 5000 năm. Nhưng cuối cùng người Neanderthal biến mất vào khoảng 40.000 năm trước đây.

Năm 2013, một nhóm nghiên cứu do Eiluned Pearce, thuộc ĐH Oxford (Anh), đứng đầu đưa ra một giả thuyết để giải thích về sự tuyệt chủng của người Neanderthal - chính do đôi mắt quá to của họ. Từ các phân tích chi tiết giữa người hiện đại và người Neanderthal, nhóm của Pearce thấy rằng hai mắt và hệ thống thị giác trên bộ não người Neanderthal lớn hơn so với chúng ta.

Đôi mắt to đồng nghĩa với phần não bộ dành cho chức năng nhìn thấy sẽ chiếm thể tích lớn. Pearce cho rằng điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn của người Neanderthal;khi các thành phần khác của bộ não sẽ phải nhỏ đi.

Đôi mắt và não của người Neanderthal (phải) to hơn chúng ta

Pearce cho biết: "Do người Neanderthal tiến hoá ở các vĩ độ cao hơn và cơ thể của họ cũng lớn hơn so với người hiện đại, phần lớn bộ não của họ được dành riêng cho việc nhìn và điều khiển các bộ phận của cơ thể. Kết quả là có ít bộ phận của não được phát triển cho các chức năng khác như giao tiếp xã hội". Lý thuyết này cho rằng không giống như người hiện đại, người Neanderthal không dành nhiều não bộ cho việc xây dựng các quan hệ xã hội phức tạp. Vì vậy, khi phải đối mặt với những mối đe dọa lớn, chẳng hạn như khí hậu thay đổi hay cạnh tranh với tổ tiên của người hiện đại, họ sẽ rơi vào vị trí bất lợi.

Làm việc theo nhóm là một yếu tố rất quan trọng để giải quyết những tình huống như vậy nhưng người Neanderthal thiếu khả năng hình thành những nhóm hay cộng đồng lớn và do đó họ mất đi sự hỗ trợ khi cần thiết. Trong khi đó, tổ tiên người hiện đại ngày càng phát triển xã hội theo các mô hình tổ chức phức tạp hơn. Vì vậy họ có được sự hỗ trợ cần thiết từ cộng đồng khi đối mặt với những khó khăn, thử thách để sinh tồn.

Robin Dunbar, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Vấn đề thực chất không nằm ở đôi mắt mở to của họ mà là từ diện tích vùng võng mạc ở phía sau".

Mặt khác, loài người hiện đại đã tiến hoá ở Châu Phi, nơi có nhiều ánh sáng. Do vậy tổ tiên chúng ta không cần có hệ thống thị giác phức tạp như người Neanderthal. Bù lại, chúng ta có thể phát triển phần thuỳ trước lớn hơn, cho phép chúng ta phát triển nhiều loại quan hệ xã hội phức tạp hơn.

Nhưng người Neanderthal sống ở khu vực phía Bắc, nơi có ít ánh sáng hơn nên đôi mắt to (có vùng võng mạc lớn) có thể giúp họ nhìn rõ hơn.

Mắt to giúp nhìn tốt hơn trong bóng tối

"Để thấy rõ hơn, bạn cần thu thập thêm ánh sáng vào mắt, đồng nghĩa phải có võng mạc lớn hơn. Kích thước của võng mạc được xác định bởi kích thước của nhãn cầu", Dunbar nói.

Dựa trên điều này, Dunbar và Pearce cùng lập luận. Với lượng thông tin hình ảnh đến từ nhãn cầu nhiều hơn, người Neanderthal cần một "máy tính" lớn hơn để xử lý chúng. "So sánh tương quan, không có lý do gì để gắn một chiếc kính viễn vọng cực lớn vào một chiếc máy tính bé xíu vốn sẽ bị quá tải bởi lượng thông tin ghi nhận được", Dunbar phân tích. Những thông tin không được xử lý sẽ bị "lãng phí" nếu phần xử lý tín hiệu hình ảnh của bộ não không "quản" nổi lượng dữ liệu mà nó nhận được.

Nghiên cứu này của Dunbar và Pearce được công bố trên tạp chí American Journal of Physical Anthropology.

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu khác không cho rằng đôi mắt to của người Neanderthal lại có liên quan đến sự tuyệt chủng của họ.

Người Neanderthal được tái hiện lại bằng phần mềm vi tính

Nhà nghiên cứu John Hawks từ ĐH Wisconsin-Madison và nhóm của mình đã nghiên cứu 18 loài linh trưởng khác nhau để tìm hiểu xem liệu kích thước hốc mắt có liên quan đến việc phát triển các nhóm xã hội của chúng hay không.

Ngược lại với kết luận của Pearce, nghiên cứu của Hawks tiết lộ một chi tiết thú vị: "Đôi mắt to hơn thường giúp xây dựng được các nhóm xã hội có quy mô lớn hơn ở các loài linh trưởng khác". Dựa trên phát hiện trên, Hawks đưa ra kết luận ngược lại: "Nếu chúng ta tin theo logic này, chúng ta sẽ thấy người Neanderthal sẽ có những mối quan hệ xã hội tốt hơn cả chúng ta ngày nay. Nhưng chúng tôi không tin theo bất kỳ lập luận nào cả - chúng tôi cho rằng đôi mắt to không có liên hệ tới vấn đề quan hệ xã hội".

Người Neanderthal xuất hiện sớm hơn một chút so với người hiện đại. Đôi mắt của họ có thể chỉ đơn giản là có tỷ lệ lớn hơn chúng ta như cách mà các bộ phận khác trên khuôn mặt của họ thể hiện.

Năm 2012, các nghiên cứu của Pearce và Dunbar cũng chỉ ra rằng những người hiện đại sống ở vĩ độ cao cũng có đôi mắt lớn hơn mức trung bình. Tuy nhiên, các bộ phận khác trên bộ não của họ không phải có kích thước nhỏ như trường hợp của người Neanderthal. "Về cơ bản, đôi mắt không nói lên bất cứ điều gì liên quan đến nhận thức của những người còn sống", Hawks nói.

Loài Tarsius có đôi mắt rất to để nhìn đêm

Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng tầm nhìn và nhận thức không phải là riêng biệt. Vấn đề này rất phức tạp bởi thực tế các bộ phận của bộ não có liên kết với nhau. Vùng vỏ não về thị giác phụ trách việc xử lý thông tin thị giác nhưng nó không vẽ lên tất cả hình ảnh về thế giới xung quanh chúng ta mà cần có sự kết hợp với các vùng khác thì bộ não mới nhận thức mọi thứ một cách đầy đủ nhất.

Việc giải thích những gì chúng ta nhìn thấy còn phụ thuộc một phần vào những kiến thức có trước đó của chúng ta về thế giới. Ví dụ, những kỷ niệm của chúng ta luôn liên kết chặt chẽ với cảm xúc của chúng ta. Tất cả quá trình nhận thức xảy ra tại nhiều vùng trên vỏ não và thị lực đóng vai trò trong tất cả quá trình này. Nói cách khác, tầm nhìn và nhận thức không thể tách rời nhau được.

Năm 1998, Robert Barton từ Đại học Durham, Anh đã phát hiện ra rằng việc khu vực thị giác lớn trên vỏ não không ảnh hưởng đến việc mở rộng các khu vực khác. Barton cho rằng: "Rất khó phân biệt cụ thể khu vực nào của vỏ não không tham gia vào quá trình nhìn của thị giác".

Một công cụ của người Neanderthal

Và vấn đề cuối cùng là một đôi mắt lớn cũng giúp cho người sở hữu thị giác nhạy cảm hơn trong những vùng có ánh sáng yếu. Nhiều loài vật sống về đêm có đôi mắt lớn hơn cho mục đích nêu trên. Đôi mắt lớn của người Neanderthal có thể hữu ích trong việc giúp họ quan sát tốt hơn nhưng để đánh giá nó có liên quan đến các vùng khác của vỏ não hay không cần có thêm thời gian để chứng minh.

Barton cho rằng nghiên cứu của Pearce không phân biệt được hai khái niệm thị lực và độ nhạy sáng đơn thuần. Ông cho biết, "độ nhạy sáng" là một vấn đề vật lý cơ bản của bắt sáng, độ nhạy sáng cao không liên quan đến trí tuệ cao và ngược lại. Các loài linh trưởng sống về đêm như bushbabies có đôi mắt rất lơn nhưng không có vùng thị giác trên vỏ não lớn tương xứng.

Nếu lập luận của Barton là chính xác thì kết quả nghiên cứu của Pearce và Dunbar sẽ đúng nhưng... theo chiều ngược lại. Nghĩa là, đôi mắt to của người Neanderthal có thể rất quan trọng với những thành tựu mà họ đạt được, cho phép họ phát triển tại những vùng có ánh sáng mờ. Và điều quan trọng là đôi mắt to không phải là nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của người Neanderthal.

Minh Trung

Theo BBC

Chủ đề khác