VnReview
Hà Nội

NASA xác nhận có nước trên sao Hoả

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa chính thức xác nhận sự tồn tại của nước ở dạng lỏng trên sao Hoả, đặt ra hy vọng về khả năng nuôi dưỡng mầm sống phù hợp với con người trên hành tinh đỏ này.

Qua nhiều năm theo dõi bề mặt sao Hoả, tàu thăm dò Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) sau cùng đã thu thập được đầy đủ dữ liệu cho thấy bề mặt hành tinh này có nước và chúng xuất hiện theo chu kỳ gián đoạn cho đến tận ngày hôm nay.

Sử dụng một máy đo quang phổ hình ảnh có trên MRO, các nhà khoa học của NASA đã nhận ra dấu hiệu của các loại muối ngậm nước nằm dọc trên các sườn dốc, nơi mà những đường kẻ sọc chứa nhiều bí ẩn được nhìn thấy từ các tàu thăm dò. Những đường kẻ sọc sẫm màu này dường như có hiện tượng dâng và hạ thuỷ triều theo thời gian.

Vào những mùa "nóng", chúng trở nên tối hơn và tỏ ra chảy dốc hơn xuống dưới. Đến mùa "lạnh", các sắc tối lại nhạt nhoà đi. Nhiều nơi như vậy trên sao Hoả có hiện tượng tương tự. Tại đây, mùa "nóng" tương ứng với thời gian nhiệt độ trên bề mặt hành tinh đỏ cao hơn -10 độ C. Và mùa "lạnh" thì ở dưới con số đó.

John Grunsfeld, phi hành gia kiêm quản trị viên liên kết thuộc Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học của NASA tại Washington, cho biết: "Cuộc tìm kiếm của chúng tôi trên sao Hoả đã từng là 'đi theo dòng nước', vốn là một phần trong cuộc tìm kiếm sự sống ngoài vũ trụ. Và giờ đây chúng tôi đã có được những bằng chứng khoa học xác thực những gì mà chúng ta đã hoài nghi từ lâu. Đây là một phát triển vượt bậc, khi nó gần như khẳng định rằng nước - dù ở dạng nước mặn - vẫn đang chảy trên bề mặt sao Hoả tới tận hôm nay".

Tất cả chúng ta hầu như đã biết có nước trên sao Hoả, nhưng ở dạng rắn đóng băng ở cực của hành tinh đỏ. Nước dạng rắn không có ý nghĩa cho việc hỗ trợ sự sống vì chỉ ở thể lỏng sinh vật mới có thể dùng để trao đổi chất. Do vậy phát hiện này mở ra hy vọng sự sống có khả năng tồn tại được trên sao Hoả, khi có sự tồn tại nước dạng lỏng.

Clip đồ hoạ thể hiện dòng chảy theo mùa tại hố Hale trên sao Hoả

Những khu vực sườn dốc trên các hành tinh ngoài Trái Đất mà có sự thay đổi màu sắc theo chu kỳ, hay còn gọi với tên riêng là đường dốc biến thiên theo mùa (RSL), thường được xem có mối liên hệ với sự tồn tại của nước. Vì khi các loại muối khoáng ngậm nước, màu sắc của chúng thay đổi so với trạng thái khô. Bên cạnh đó, nước chứa các loại muối thường có điểm đông đặc/hoá lỏng thấp hơn nước tinh khiết. Đây là lý do tại sao các loại băng hình thành từ nước biển dễ tan hơn băng hình thành từ nước tinh khiết. Nên tại sao ở Nam Cực hay Bắc Cực dù nhiệt độ dưới 0 độ C, chúng ta vẫn thấy nước ở dạng lỏng.

Và tất nhiên, theo các nhà khoa học, sự thay đổi màu sắc của các loại muối khoáng trên chỉ có thể giải thích thông qua sự xuất hiện của một dòng chảy.

Lujendra Ojha, thuộc Học viện Công nghệ Georgia tại Atlanta, nhận xét thêm: "Chúng ta chỉ tìm thấy muối ngậm nước ở những nơi có sự ảnh hưởng mạnh nhất của thời tiết. Điều này dẫn tới giả thuyết rằng có thể những vạch tối đó đã có sẵn ở đó từ lâu hoặc có một tiến trình giúp hình thành nên chúng, chính là nguồn của sự hydrate hoá (tạo muối ngậm nước). Nhưng dù là trường hợp nào, việc phát hiện ra muối ngậm nước trên những triền dốc đều cho thấy nước đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những vạch tối này".

Theo NASA, tàu MRO đã tiến hành thăm dò sao Hoả từ 2006, thu nhập được rất nhiều thông tin qua 6 thiết bị khoa học của mình. Máy quang phổ của MRO phát hiện dấu hiệu của muối ngậm nước ở các khu vực có nhiều RSL. Tuy vậy dấu hiệu này chỉ xuất hiện khi các vạch tối có bề rộng tương đối lớn. Khi các nhà nghiên cứu quan sát lại các khu vực trên vào những thời điểm khác hoặc những chỗ không có nhiều RSL, họ không thấy dấu hiệu muối ngậm nước.

Michael Meyer, trưởng nhóm khoa học gia Chương trình Khám phá sao Hoả của NASA tại Washington, phấn khởi với thành tựu mới nhất: "Cần rất nhiều tàu vũ trụ và phải quan sát qua nhiều năm để giải mã được bí ẩn này. Và giờ đây thì chúng ta biết có nước lỏng trên bề mặt hành tinh lạnh giá và hoang vu này. Dường như chúng ta càng nghiên cứu nhiều hơn về sao Hoả, chúng ta càng học được thêm cách sự sống tồn tại và ở nơi đâu có đủ tự nhiên để hỗ trợ cho sự sống trong tương lai".

Sau đây là một số ảnh do các tàu thăm dò sao Hoả gửi về. Bạn đọc có thể click vào để tải về ảnh gốc độ phân giải cao:

Đây là ảnh quang phổ màu giả về một đường dốc biến thiên theo mùa (RSL) trên sao Hoả. Đường dốc này có chiều dài khoảng 100 mét được cho là đã hình thành do nước chảy làm xói mòn bề mặt. Gần đây, các nhà khoa học hành tinh đã phát hiện ra muối ngậm nước trên các triền dốc của miệng hố Hale, củng cố thêm giả thuyết ban đầu rằng các rãnh trên vốn do nước lỏng tạo ra. Phần màu lam trên đỉnh được cho không có liên quan tới sự hình thành con dốc, mà là sự hiện diện của pyroxene - một loại khoáng có gốc silicate. Ảnh này được tạo ra từ các phổ hồng ngoại, đỏ và xanh nên đây không phải màu thật mà chúng ta nhìn thấy bằng mắt thường.

Một con dốc tối và hẹp khác nằm gần hố Horowitz, cũng được cho do nước chảy theo mùa tạo ra. Con dốc này có chiều dài tương đương một sân bóng. Những vùng có màu tối trên con dốc gọi là RSL. Tại đây các nhà khoa học phát hiện ra muối ngậm nước dựa trên máy quang phổ hình ảnh của tàu thăm dò Compact.

Một RSL khác nằm trên miệng của hố Garni. Hình ảnh này được tàu MRO ghi nhận lại. Phần dải màu tối có chiều dài khoảng vài trăm mét, cũng được cho đã hình thành dưới sự hiện diện của nước mặn nằm tại đây.

Huyền Thế

Theo NASA

Chủ đề khác