VnReview
Hà Nội

Trái Đất mất phân nửa số cây xanh từ khi loài người xuất hiện

Đó là kết luận đáng thất vọng của một nghiên cứu sinh thái quy mô lớn mới đây được công bố trên tạp chí khoa học Nature về sức hủy diệt các loài thực vật của con người.

Theo nghiên cứu này, Trái Đất hiện có xấp xỉ khoảng 3,04 ngàn tỷ cây, đạt mật độ 422 cây/người.;Tin tốt là con số này nhiều gấp 7 lần so với những ước tính toàn cầu trước đây nhưng tin xấu là, toàn bộ số cây đã giảm đi tới 46% kể từ cuối kỷ băng hà hay thời điểm đầu tiên của nền văn minh nhân loại.

Trước đây các ước tính cho rằng, Trái Đất có khoảng 400 tỷ cây và đạt mật độ 61 cây/người. Tuy nhiên đó là kết quả có được dựa trên các phép đo từ vệ tinh và xuất bản trong một cuốn sách vào 2009, chứ không phải là một tạp chí khoa học đầu ngành.

Để đi đến được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đối chiếu khoảng 429.775 mảnh đất được đo tại 50 quốc gia và mọi lục địa, ngoại trừ Nam Cực, nơi gần như không có sự sống của bất kỳ loài thực vật nào.

Bản đồ mật độ cây toàn cầu, màu xanh là nơi có cây tồn tại

Họ đếm số rừng trong các loại hình khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình khác nhau. Thậm chí ngay cả những nơi thường ít có thực vật tồn tại cũng được liệt kê như sa mạc, thảo nguyên, đầm lầy, các lãnh nguyên và núi cao.

Kết hợp với các phép đo hiện trường và các dữ liệu vệ tinh về khí hậu, địa hình, quá trình sử dụng đất của con người, các nhà khoa học đã xây dựng được một mô hình dự báo mật độ cây trên toàn thế giới với độ phân giải 1 km2.

Bằng cách kết hợp các dự báo về mật độ cây trong bản đồ không gian mô tả lượng che phủ rừng bị mất, nhóm nghiên cứu ước tính rằng, con người đang xóa xổ 15,3 tỷ cây xanh mỗi năm. Tỷ lệ mất rừng ở các vùng nhiệt đới là cao nhất và cũng là trầm trọng nhất. Sở dĩ có cảnh báo này bởi hầu hết cây xanh trên Trái Đất đều tập trung tại khu vực này. Ước tính khu vực này đang có khoảng 1,39 ngàn tỷ cây. Trong khi đó, vùng hàn đới là 740 tỷ cây và vùng ôn đới là 610 tỷ cây.

Tuy vậy nhờ quá trình tái tạo rừng ở các vùng ôn đới đã khiến lượng rừng mất đi thực tế chỉ khoảng 10 tỷ cây xanh mỗi năm.

Các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều và ít cây trên thế giới. Nguồn Nature

Tác giải nghiên cứu, Thomas Crowther, cho biết: "Cây xanh là một trong những sinh vật quan trọng và nổi bật nhất trên Trái Đất. Và chúng ta chỉ mới bắt đầu nhận thức quy mô cùng sự phân bố trên toàn cầu của chúng. Cây xanh lưu trữ một lượng lớn carbon, là nguồn cơ bản để tuần hoàn các loại dưỡng chất, lọc sạch không khí và nước, cũng như mang lại vô số lợi ích cho con người".

Tác động của việc mất cây xanh đã quá rõ ràng. Cây xanh cung cấp một hệ sinh thái ổn định và lý tưởng cho các loài sinh vật sinh trưởng và phát triển. Nhờ có rừng, chúng ta sẽ có không khí để thở, có quả để ăn, có gỗ để xây dựng hay nói cách khách là tạo một chuỗi thức ăn và chuỗi liên kết sản phẩm cho con người. Chưa kể, cây xanh cũng là những "dũng sỹ" đi đầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Liệu không có những chiến binh can đảm như vậy, tạo ra khí O2 và hấp thụ CO2 cho loài người, chúng ta sẽ sống như thế nào?

Lẽ dĩ nhiên, cây xanh mất đi sẽ khiến Trái Đất lâm vào trạng thái bất ổn với sự gia tăng của nồng độ CO2 trong không khí. Các đại dương sẽ không còn người bạn "xanh" trợ giúp mà thay vào đó phải tự gánh vác mọi tai vạ. Điều này dẫn tới hậu quả nước biển bị biến tính và rất nhiều các loài thủy sinh cũng biến mất. Đơn cử là con số tiết lộ về gần phân nửa các loài sinh vật biển đã biến mất được công bố gần đây.

Thomas Crowther kêu gọi: "Chúng ta đã làm biến mất gần một nửa số cây trên hành tinh này và cũng đã nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu lên sức khoẻ con người. Nghiên cứu này cho thấy chúng ta cần nỗ lực nhiều như thế nào nếu muốn phục hồi lại sức khoẻ cho toàn bộ số rừng trên toàn cầu".

Theo Helen McKay, người đứng đầu Trung tâm lâm nghiệp bền vững và biến đổi khí hậu tại Cơ quan nghiên cứu rừng của Ủy ban Lâm nghiệp Anh, nhận xét: "Cây và rừng rất cần thiết cho một tương lai bền vững của Trái Đất... Chúng tôi hy vọng những nghiên cứu như thế này sẽ giúp chúng ta hiểu được sự phân bổ của các loài cây trong bản đồ sinh thái toàn cầu".

Được biết, nghiên cứu này nằm một phần trong chiến dịch Tỷ cây xanh của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc phát động hồi năm 2006.

Nói một cách văn vẻ, thời điểm con người bắt tay vào xây dựng và phát triển nền văn minh cũng chính là lúc họ "khởi động" chiếc đồng hồ đếm ngược cho ngày "tàn lụi" của chính mình. Mặc dù, những nỗ lực để cứu vớt hệ sinh thái, các quần thể động thực vật trên thế giới vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp thế giới nhưng điều đó có hiệu quả hay không vẫn nằm phần lớn ở thái độ chung của toàn bộ nhân loại. Vì nỗ lực xây dựng của chỉ vài trăm ngàn người là quá nhỏ bé so với sự phá hoại của hàng tỷ người khác.

Clip kêu gọi bảo vệ môi trường của Michael Jackson

Vậy còn các bạn, những độc giả của VnReview và cũng là một người con của Mẹ Trái Đất, các bạn suy nghĩ, trăn trở sao về thông tin đáng quan ngại này. Hãy cùng chia sẻ trong phần bình luận dưới đây.

Trần Tiến

Tổng hợp

Chủ đề khác