VnReview
Hà Nội

Tìm hiểu hệ thống phòng vệ bằng laser Rheinmetall HEL của Đức (phần cuối)

Hầu hết các quốc gia tiên tiến hiện nay đang bắt đầu nghiên cứu và triển khai các loại vũ khí năng lượng cao, nhằm để thay thế các loại vũ khí dựa trên thuốc nổ truyền thống vốn có nhiều rủi ro về mặt hậu cần.

phần trước chúng ta đã nói về các ưu nhược điểm của vũ khí laser nói chung. Trong phần này chúng ta sẽ đi sâu hơn vào một mẫu súng laser nói riêng đã bắt đầu được người Đức thương mại hoá.

Rheinmetall HEL

Hệ thống phòng vệ bằng laser do Rheinmetall nghiên cứu và phát triển từ lâu. Đến năm 2011, họ đã phát triển thành công hệ thống này và gọi nó là HEL (high-energy laser).

Một hệ thống HEL gồm 3 thành phần

Về cơ bản HEL gồm có 3 thành phần độc lập: 1 module radar cảnh báo sớm, 1 module điều khiển việc bắn và 1 module chứa các nòng laser. Việc thiết kế gồm nhiều module cho phép HEL có tính chuyên môn hoá cao và có thể dễ dàng triển khai cũng như thay thế. Lấy ví dụ cần 1 module điều khiển kết nối với 3 module cảnh báo sớm và 10 module nòng laser. Trong trường hợp 1 trong các module bị đối phương tiêu diệt, các module còn lại vẫn có thể tiếp tục chiến đấu nếu module điều khiển còn hoạt động. Lẽ tất nhiên, người dùng vẫn có thể đặt cả 3 loại module trên cùng 1 vị trí nhưng điều đó sẽ không có lợi cho chiến đấu.

Qua nhiều năm phát triển, Rheinmetall đã dần dần nâng được công suất bắn cho HEL, đáp ứng cho nhiều loại mục tiêu và nhiệm vụ. Trong lần triển lãm quốc phòng mới đây nhất tại Anh, hãng này mang đến một mẫu HEL gồm 4 nòng laser, mỗi nòng có công suất 20 kW, mang lại sức chiếu tổng cộng tới 80 kW. Rheinmetall cho biết trong các thử nghiệm sơ bộ, hệ thống HEL 4 nòng này có thể loại khỏi vòng chiến các đầu đạn súng cối trong bán kính 3 km, cũng như hạ gục những chiếc drone (UAV) trong bán kính 500 mét.

Các mẫu HEL mới nhất của Rheinmetall

Về tổng quan, công suất chiếu càng mạnh thì thời gian tiêu diệt mục tiêu sẽ càng ngắn, cho phép hệ thống nhanh chóng chuyển sang mục tiêu mới nếu bị tấn công đồng loạt. Song không có nghĩa rằng vũ khí laser chỉ chú trọng vào việc tăng cường công suất. Thực tế, cũng tương tự các loại đạn pháo, kích thước quả đạn càng lớn (sức nổ mạnh hơn) thì số lượng đạn mang vác được (trên cùng một phương tiện) lại càng giảm, vũ khí laser cũng bị hạn chế "cơ số đạn" do giới hạn của nguồn phát. Chưa kể công suất càng lớn thì cấu trúc của giá đỡ chúng cũng phải tăng trưởng theo để có thể cài đặt được các hệ thống phát. Hệ thống truyền tải điện cũng phải đủ mạnh và chịu được tải cao để khi các nòng laser ngắm bắn thì các thiết bị điện khác trên cùng phương tiện (ví dụ cỗ xe tăng) không bị sụt nguồn mà giảm đi năng lực chiến đấu. Tương tự, hệ thống làm mát cũng phải lớn hơn nếu công suất nguồn phát lớn hơn.

Nắm bắt các điều này, Rheinmetall vẫn phát triển tiếp các hệ thống HEL có công suất nhỏ hơn khác giúp chúng phù hợp hơn cho nhiều phương tiện và nhiệm vụ chiến đấu. Hiện hãng này có nhiều phiên bản HEL với các mức công suất khác nhau như 1 kW, 5 kW, 10 kW, 20 kW... Rheinmetall cũng đang tiếp tục phát triển một phiên bản có công suất tới 100 kW và dự kiến sẽ có mặt vào năm sau. Các mẫu HEL có công suất 20 kW trở xuống thường có thể cài đặt trên những phương tiện chiến đấu di động (mobile) như GTK Boxer, M113 APC hay xe tải 8x8 Tatra ở dạng container. Các bản công suất lớn hơn thường đặt trên các hệ thống cố định có tên Skyshield.

Từ trên xuống, HEL trên M113, GTK Boxer và 8x8 Tatra

Một điểm đặc biệt là ngoài chức năng bảo vệ bầu trời, Rheinmetall còn dùng HEL cho các mục đích rà phá bom mìn và loại bỏ vật cản trên đường đi do đối phương tạo ra. Phiên bản HEL 5 kW dùng trên M113 APC được hãng này cho biết có thể dùng với chức năng công binh, giúp kích nổ các trái mìn hay đầu đạn chưa nổ, hoặc khối nổ IED hoặc rào cản, mà tổ lái không cần thiết phải rời khỏi xe. Được biết cỗ máy có thể cắt đứt hàng rào thép gai từ khoảng cách 70 mét.

Kịch bản chiến đấu

Cho đến thời điểm này, HEL nói riêng và các vũ khí laser nói chung mới chỉ ở giai đoạn phát triển. Chúng vẫn chưa được đưa vào tham chiến tại bất kỳ cuộc xung đột nào nên chúng ta khó có thể khẳng định chất lượng chiến đấu thực tế như thế nào. Trong tầm nhìn của Rheinmetall, HEL phù hợp với mục đích phòng vệ hơn là tấn công (phần nào bị ảnh hưởng bởi chính sách chung về quân sự của Đức nhiều thập kỷ trở lại đây).

Xét trên hoàn cảnh hiện tại cũng như sự hiện diện của các loại vũ khí phòng vệ khác, Rheinmetall đánh giá HEL như là sự bổ sung cho những khiếm khuyết đang tồn tại trong mạng lưới phòng không. Có những loại vũ khí tấn công của đối phương như đạn cối, bom cỡ nhỏ, tên lửa hành trình và gần đây nhất là drone. Chúng hoạt động trong phạm vi tầm gần mà các vũ khí phòng không hiện có thường khá chậm chạp trong việc phản ứng lại, hoặc quá nhỏ bé để có thể bị phát hiện ra và loại trừ. HEL được Rheinmetall "trám" vào lỗ hổng ấy.

Có 3 kịch bản Rheinmetall đưa ra: (1) bảo vệ một căn cứ tiền phương (forward base) khỏi đạn cối của đối phương, (2) bảo vệ một sân vận động tránh drone của bọn khủng bố, (3) bảo vệ các tổ hợp nhà máy quan trọng trong cuộc tập kích của tên lửa hành trình. Mỗi kịch bản tương ứng với từng loại mối nguy hiểm và trình độ riêng của đối thủ.

Ở kịch bản (1), đối phương là lực lượng nổi dậy không có khả năng tác chiến trực tiếp mà sử dụng súng cối có giá thành rẻ, cách vận hành đơn giản và chủ yếu "bắn lấy hên" vào một căn cứ chính quy. Độ chính xác của cách tấn công này tuy không cao nhưng nó gây hoang mang cho các binh sỹ có mặt trong doanh trại. Từ đó làm giảm tinh thần chiến đấu xuống nếu cuộc xung đột kéo dài. Trong bản demo hồi 2013, Rheinmetall cho biết hệ thống HEL của mình đã loại bỏ được 9/10 quả đạn 82 mm trong bán kính khoảng 1,1 km.

Ở kịch bản (2), những kẻ khủng bố muốn lợi dụng một sự kiện quy tụ được đám đông quần chúng để từ đó gây hoang mang trên diện rộng. Đặc biệt với smartphone và mạng xã hội, những vụ khủng bố diễn ra tại nơi đây sẽ tạo hiệu ứng lan truyền (viral) cực lớn và các nhà chức trách sẽ rất "mệt" để ứng phó. Đặc biệt ngày nay, việc mua drone về để dùng cho các mục đích xấu không quá khó khăn. Rheinmetall cho biết khi phát hiện ra có drone xâm nhập khu vực bảo vệ, người điều khiển HEL có thể cảnh báo trước cho "kẻ lạ mặt" rời khỏi hiện trường bằng cách rọi laser gây choá vào camera của chiếc drone. Nhưng nếu kẻ tấn công vẫn "cứng đầu", việc loại bỏ mục tiêu chỉ mất vài giây sau khi tăng công suất chiếu lên.

Ở kịch bản (3), đối phương là một quốc gia hoặc lực lượng vũ trang có "đẳng cấp", được trang bị tên lửa hành trình để đánh phá các mục tiêu trọng yếu (cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cảng vụ...). Những vị trí này sẽ được trang bị HEL công suất lớn và chúng có thể chiếu kết hợp cùng nhau (superimpose) nhằm tạo ra hiệu quả phòng vệ tốt hơn. Các hệ thống HEL sẽ tiêu diệt trước những quả tên lửa khi chúng còn nằm ngoài tầm bắn của pháo phòng không chuyên dụng. Từ đó giúp giảm thiểu số lượng mục tiêu và cho phép hệ thống phòng không tầm gần (ví dụ hệ thống Mantis cũng của Rheinmetall sản xuất) "nhẹ việc" hơn khi bảo vệ vị trí trọng yếu.

Sơ kết

Lẽ tất nhiên, những gì chúng ta vừa xem ở trên chỉ là những thông tin do Rheinmetall cung cấp. HEL và các loại vũ khí laser khác vẫn chưa được dùng trong thực chiến. Do vậy nên khả năng chiến đấu của chúng đến mức nào sẽ cần thời gian trả lời. Tuy nhiên Rheinmetall là một hãng sản xuất vũ khí nổi tiếng. Ngay từ thời Thế chiến Thứ 2, Rheinmetall đã sản xuất nòng súng cho các loại tăng Tiger và Panther cũng như súng chống tăng cho Đức. Ngày nay, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng sản phẩm của công ty này trong quân đội của mình. Từ đó có thể thấy Rheinmetall sẽ không "thiên vị" hệ thống HEL hơn các hệ thống phòng thủ khác do chính họ làm ra. Vì làm như thế sẽ khiến doanh số các hệ thống khác bị giảm sút khi các khách hàng cảm thấy chúng không bằng HEL và chính công ty này cũng "không thích" điều đó.

Một trụ Skyshield gắn nòng HEL

Nhưng nói thế không có nghĩa mọi thứ Rheinmetall quảng cáo về HEL đều đúng 100%. Bù lại, chúng ta có thể thấy HEL nói riêng và vũ khí laser nói chung sẽ không hoàn toàn thay thế các loại vũ khí nổ hiện nay. Một quân đội mạnh là một quân đội làm chủ mọi loại khí tài chứ không chỉ chuyên một loại nào cả.

Còn bạn đọc VnReview, các bạn cảm nhận thế nào về vũ khí laser nói chung và hệ thống HEL nói riêng của Rheinmetall?

Huyền Thế

Tổng hợp

Chủ đề khác