VnReview
Hà Nội

Điểm danh những vũ khí 'sao y bản chính' của Trung Quốc

Trong lịch sử, Trung Quốc đã từng là nước tiên phong phát minh ra nhiều thứ. Thế nhưng ngày nay, quốc gia này nổi tiếng nhất với khả năng "copy" gần như mọi thứ mà con người có thể tạo ra.

Ngay cả mảng dân sự, đặc biệt là sản phẩm tiêu dùng, không khó để kể ra có bao nhiêu thương hiệu đã bị các công ty Trung Quốc "nhái" theo. Những cửa hàng Apple giả mạo, quán ăn phong cách KFC hay những món nội thất tương tự IKEA. Quốc gia này thậm chí còn xây ra cả những thị trấn mang đậm nét châu Âu.

Tại Trung Quốc, có cả một từ riêng để nói về những sản phẩm này là "Shanzhai". Ý nghĩa của từ này là "thành trì của sơn tặc" (mountain stronghold) nhằm ám chỉ những nơi trú ẩn vốn nằm heo hút trên núi hoặc những vùng sâu xa, chốn rừng rậm, nơi mà quan quân triều đình (thường ở đồng bằng) khó có thể tiếp cận và bắt giữ. Ngày nay, những "thành trì" này có mặt khắp nơi ở Trung Quốc và cách xa các quốc gia phương Tây và Mỹ. Do đó những cơ sở này hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật quốc tế.

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng "truyền thống" sao chép này của người Trung Quốc dựa trên tinh thần của đạo Khổng. Theo đó những học trò sẽ cần tìm cách làm cho được những gì mà sư phụ của họ đã làm, rồi để khi "xuống núi" thì các học trò mới tìm cách cải tiến những thứ trên hoặc nghĩ ra cái mới.

Do vậy, ngành kinh doanh béo bở này không những không bị chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới cấm đoán, mà thậm chí còn được khuyến khích. Có 2 con đường để "học tập": hoặc là "chính đạo" thông qua việc mua lại bản quyền sử dụng (nếu được bên thứ 3 cho phép), hoặc là "tà đạo" bằng cách gửi gián điệp sang ăn cắp (nếu không được phép). Bằng cách đó, Trung Quốc có thể tiết kiệm đáng kể thời gian cũng tiền bạc và nhân lực mà các nước đi trước đã phải bỏ ra rất nhiều mới có được.

Thoạt trông, bạn dễ "tưởng" đây là thủ đô Paris của Pháp

Sau cùng, quốc gia này có thể rút ngắn khoảng cách với các cường quốc khác trong một thời gian rất ngắn và đến lúc nào đó, có thể vượt qua các đối thủ.

Vì thế mà khả năng sao chép của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở hàng hoá dân sự. Rất nhiều các vũ khí nhất các vũ khí tối tân của các nước như Nga, Mỹ... đều không thoát khỏi tầm mắt quân đội nước này. Từ những cái tên nổi tiếng như Lockheed Martin F-35, Northrop Grumman X-47B hay Sukhoi Su-27, BMP-1, BM-30 Smerch... đều có các bản nhái "hệt như giọt nước" mang cái tên Trung Quốc.

Dưới đây là một số vũ khí "sao y bản chính" của quân đội Trung Quốc do VnReview tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn:

Máy bay có người lái

Su-33 (trên) và J-15 (dưới) dùng cho tàu sân bay

"Cọp bay" Shenyang J-15 được dựa trên tiêm kích 2 động cơ dành cho tàu sân bay Sukhoi Su-33. Su-33 vốn dùng lại thiết kế của Su-27 nhưng có cánh rộng hơn và chắc chắn hơn, cho phép chở được nhiều vũ khí hơn và lực nâng mạnh hơn để tiện cất cánh từ tàu sân bay.

Cánh của Su-33 có thể gập lại được giúp người ta dễ dàng "xếp" chúng hơn trên các tàu sân bay vốn có không gian chứa hạn chế. Su-33 cũng có khả năng tiếp dầu từ trên không giúp tăng cường thời gian hoặc phạm vi chiến đấu.

F-35B (trên) và J-31 (dưới) đều cùng có thể cất cánh thẳng đứng

Shenyang J-31 lần đầu tiên được hé lộ vào cuối năm ngoái. Thoạt trông, mọi người sẽ giật mình vì nó không khác gì "thảm hoạ" Lockheed Martin F-35B vốn đang gây tranh cãi ngay trong chính phủ Mỹ do có quá nhiều vấn đề và chi phí phát triển quá lớn.

Nhưng khác với Lockheed Martin F-22 chỉ dùng trong quân đội Mỹ, F-35 là dự án tiêm kích cho phép xuất khẩu và một số đồng minh của Mỹ rất có thể đã có tài liệu thiết kế chiếc phi cơ này. Song điều đáng ngạc nhiên hơn là F-35B có khả năng cất cánh thẳng đứng (VTOL) từ tàu sân bay, và như trong hình chúng ta thấy J-31 cũng có khả năng tương tự cho thấy khả năng copy của Trung Quốc đã tới mức "thượng thừa"!

Máy bay huấn luyện Yak-130 (trên) và L-15 (dưới)

Yakovlev Yak-130 là mẫu máy bay phục vụ cho công tác huấn luyện phi công chiến đấu. "Con chim sắt" bé nhỏ, giá rẻ này (15 triệu USD) cũng có thể dùng như tiêm kích chiến đấu với tải trọng thấp và tốc độ không đáng kể (tối đa 1050 km/h). Bản nhái của Trung Quốc có cái tên khá "kêu" là "Chim ưng" Hongdu L-15 với tốc độ tối đa lên đến Mach 1.4 (1487 km/h).

Tiêm kích đánh chặn Su-27 (trên) và J-11 (dưới)

Nếu đã có thể nhái Su-33 vốn có thiết kế giống Su-27, thì việc nhái được Su-27 gần như là chuyện... hiển nhiên với Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ trước, Nga vừa suy sụp kinh tế nên rất cần tiền. Họ đã bán hàng chục chiếc Sukhoi Su-27 cho Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc đã đề nghị mua lại bản quyền thiết kế Su-27 với phần lớn linh kiện sản xuất ở trong nước, chỉ có những thành phần quan trọng như động cơ được nhập khẩu từ Nga. Vài năm sau, Trung Quốc cho biết Su-27 không còn "hợp với nhu cầu" nữa nên họ đã huỷ bỏ hợp đồng. Shenyang J-11 đã ra đời vào 1998 trong cơn giận dữ của người Nga.

Vận tải cơ An-12 (trên) và Y-9 (dưới)

Một không quân mạnh không chỉ cần những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất. Họ vẫn cần có những máy bay hỗ trợ khác như máy bay vận tải. Shaanxi Y-9 ra đời trên cơ sở của Antonov An-12.

Dự án Y-9 được cho là đã bắt đầu từ 2001 và đã hoàn thành vào cuối 2010, nhằm mục đích làm ra những máy bay vận tải "ngang cơ" với Lockheed Martin C-130J. Y-9 có 4 động cơ 6 cánh quạt, có khả năng vận tải tới 25 tấn hàng hoá, có thể chở được 106 lính bộ binh hoặc 132 lính dù có vũ trang.

Máy bay không người lái

Tiêm kích không người lái X-47B (trên) và AVIC 601-S (dưới)

Bạn đã quá quen với chiếc UCAV (máy bay chiến đấu không người lái) Northrop Grumman X-47B? Hãy cẩn thận, có thể bạn đang nhìn vào chiếc "Kiếm sắc" Lijian AVIC 601-S. AVIC 601-S thực tế là một chuỗi những máy bay đang được thử nghiệm của Trung Quốc. AVIC là tên viết tắt của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc còn 601 là Học viện 601 và S là ĐH Không gian Shenyang. Trong đó "Kiếm sắc" chỉ là một trong các mẫu AVIC 601-S, có chiều dài sải cánh 14 mét và dùng động cơ phản lực.

Hiện tại tất cả các mẫu AVIC 601-S đều đang trong giai đoạn thử nghiệm nên chúng ta chưa kết luận được rõ ràng về tương lai của chúng. Được biết hồi cuối 2013, "Kiếm sắc" đã thực hiện chuyến bay đầu tiên kéo dài 20 phút.

Trực thăng do thám MQ-8 (trên) và SVU-200 (dưới)

Khác với "Kiếm sắc", chiếc trực thăng không người lái "Cọp bay" Feihu SVU-200 là sản phẩm của công ty Sunward (Trung Quốc) được thành lập từ 2008. Nhưng người thiết kế ra SVU-200 là Dennis Fetters, sáng lập viên của Tập đoàn Trực thăng Revolution (Mỹ). Được biết SVU-200 là bản nâng cấp của chiếc Star-Lite với một số thay đổi như bổ sung thêm bộ ổn định phương ngang nằm ở phía đuôi.

Tuy vậy, nhìn từ bên ngoài, cả Star-Lite lẫn SVU-200 đều nhìn rất giống chiếc MQ-8 Fire Scout do Northrop Grumman ra mắt hồi 2009. Có tin Dennis đã thôi làm việc cho Sunward sau 2 năm cộng tác nhưng ông và Fetters Aerospace LLC (một công ty khác cũng do Dennis thành lập) vẫn tiếp tục hỗ trợ cho chương trình phát triển SVU-200.

"Kẻ săn mồi" của Mỹ (trên) và "Cánh rồng" của Trung Quốc (dưới)

Nếu từng xem nhiều phim của Hollywood, hẳn bạn sẽ nhận ra chiếc UAV này. Nhưng hãy khoan, nếu có biểu tượng con chim ưng với dòng chữ Wing Loong (Cánh rồng) (?), đây chắc chắn là chiếc Pterodactyl do Học viện Thiết kế Hàng không Chengdu, một bộ phận thuộc AVIC, sản xuất. Song cũng đừng ngạc nhiên nếu bạn nhầm nó với chiếc "Kẻ săn mồi" MQ-1 của General Atomics ra mắt hồi 1995.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa 2 chiếc UAV là vị trí đặt cánh đuôi: "Cánh rồng" hướng lên trên còn "Kẻ săn mồi" chĩa xuống dưới. Ngoài ra 2 sản phẩm cũng có những nét riêng khác. "Kẻ săn mồi" có tốc độ bay tối đa 217 km/h, mang được tối đa 1,02 tấn vũ khí, bán kính hoạt động 1.100 km và trần bay tới 7,6 km. Các con số tương ứng bên "Cánh rồng" là 280 km/h, 1,1 tấn vũ khí, bán kính 4.000 km và trần bay 5 km.

Phương tiện chiến đấu mặt đất

Pháo tự hành 2S19 Msta (trên) và PLZ-05 (dưới)

Trung Quốc vẫn nổi tiếng vì có lực lượng pháo binh rất mạnh. Song để có thể nhanh chóng hiện đại hoá quân đội của mình, copy sẵn của người khác vẫn là cách tốt nhất. Và không khó để chúng ta nhận ra chiếc pháo tự hành PLZ-05 được công bố hồi 2007 của nước này là bản nhái từ chiếc 2S19 Msta đã phục vụ trong quân đội Nga từ 1989.

PLZ-05 có cỡ nòng 155 mm, xoay ngang được 360 độ với tầm bắn tối đa trên 50 km. Riêng với loại rocket có dẫn đường WS-35 sử dụng hệ thống định vị GPS/GLONASS, tầm bắn có thể lên tới 100 km. PLZ-05 có bán kính hoạt động 550 km và tốc độ chạy trên đường 56 km/h.

Xe bọp thép hạng nhẹ Humvee (trên) và EQ2050 (dưới)

Tuy không giống hoàn toàn, nhưng bạn có thể nhận ra chiếc "Chiến binh quả cảm" Dongfeng EQ2050 từa tựa với "huyền thoại" Humvee của hãng AM General. Song điều đáng nói là không chỉ có 1 mà tới 3 công ty Trung Quốc cùng nhái lại mẫu Humvee gồm Dongfeng, Shenyang và Xiaolong.

Riêng với EQ2050, chiếc xe này dựa trên mẫu Hummer H1 do AM General xuất khẩu. Vì thế mà nó có thể sử dụng cả động cơ diesel V8 của Mỹ lẫn Cummins EQB150-20 do Dongfeng sản xuất. EQ2050 có một biến thể dành cho quân đội có tên EQ2058 có bọc thép và một biến thể dân sự khác sử dụng động cơ xăng thay vì diesel.

Pháo rocket phản lực BM-30 (trên) và PHL03 (dưới)

Pháo rocket phản lực là nỗi kinh hoàng cho bất kỳ bộ binh quốc gia nào, đặc biệt rất hiệu quả để chống lại chiến thuật "biển người". Người Nga đã làm ra mẫu BM-30 Smerch và đưa vào hoạt động từ 1989. BM-30 có 12 nòng phản lực với đường kính 300 mm, tầm bắn tối đa tới 90 km, bán kính hoạt động 850 km và tốc độ tối đa 60 km/h.

Trong khi đó, phiên bản nhái của Trung Quốc có tên PHL96. Dự án thiết kế PHL96 bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, có lẽ sau khi quân đội Trung Quốc thấy được sự hiện diện của BM-30 ở mặt trận Đông Âu (sớm hơn vài năm trước khi chính thức hoạt động trong quân đội Nga).

Tuy vậy dường như tình báo Trung Quốc không có được đủ tài liệu về BM-30 nên dù có hình dạng bên ngoài tương tự, nhưng "nội thất" của PHL96 và BM-30 khác nhau khá nhiều. Ngoài ra, do sự khó khăn trong việc phát triển PHL96, sản phẩm này nhanh chóng bị chính quân đội Trung Quốc bỏ qua sau khi họ có dự án PHL03 kế thừa từ PHL96.

PHL03 được xem là bản "số hoá" của PHL96 và chính thức đi vào hoạt động chỉ 2 - 3 năm sau khi PHL96 hoàn tất. Thứ quân đội Trung Quốc muốn là một cỗ pháo phản lực trang bị tên lửa có khả năng dẫn đường (SPMRL) giống như BM-30. Tuy nhiên, loại tên lửa mà PHL03 sử dụng không có tính năng này mà chỉ là loại đạn chùm gắn trên các tên lửa. Nên về cơ bản, PHL03 vẫn kém hơn BM-30 dù ra mắt sau gần 2 thập kỷ.

Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (trên) và WZ-501 (dưới)

"Người anh em" của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 do Nga sản xuất ở đất Trung Quốc có tên WZ-501 hay Type 86 (ra mắt vào 1986). Nhưng điều đáng nói là BMP-1 có tuổi đời đã rất lâu, nó đi vào hoạt động trong quân đội Nga từ 1966. Trải qua một số cuộc chiến, người Nga đã nâng cấp và thiết kế lại BMP-1 thành BMP-2 (1980) và BMP-3 (1987). Do đó tại thời điểm xuất hiện, WZ-501 hoàn toàn thua kém các đối thủ của Nga.

Riêng với WZ-501, ngay tại Trung Quốc cũng có rất nhiều phiên bản. Một số phiên bản dùng để trinh sát, số khác lại tăng cường kích thước thân xe để chở lính, một số dùng loại vũ khí khác hoặc động cơ khác. Đáng chú ý nhất là phiên bản NFV-1 do công ty Norinco (Trung Quốc) hợp tác với các công ty FMC (Mỹ) để sử dụng các vũ khí chuẩn NATO. Bản thử nghiệm của NFV-1 lần đầu tiên được "khoe" vào cuối 1986. Song do lệnh cấm hợp tác của chính phủ Mỹ với Trung Quốc, NFV-1 đã không bao giờ trở thành sản phẩm thực sự.

Vũ khí bộ binh

Súng trường tấn công M4A1 (trên) và CQ 5.56 (dưới)

Hình ảnh của cây súng AR-15/M-16/M-4A1 có đầy trên những thước phim Hollywood. Vậy sao không copy lại chúng? Nhưng để dùng chính thức trong quân đội Trung Quốc? Có lẽ không!

Những cây súng CQ 5.56 do Norinco sản xuất dùng cỡ đạn 5,56 x 45 mm chuẩn NATO. Trong khi đó quân đội Trung Quốc dùng loại đạn 7,62 x 39 mm của Nga. Nên việc dùng CQ 5.56 thay thế hàng triệu cây AK và các biến thể của nó là điều không tưởng. Chưa kể M-16 không phải là cây súng đáng tin cậy do hay bị kẹt đạn.

Vậy Norinco làm ra CQ 5.56 để làm gì? Đáp - Để bán cho các nước dùng đạn 5,56 chuẩn NATO với giá cực rẻ. Với bề ngoài rất giống một cây M-16/M-4A1 "thật", những cây CQ 5.56 rất có giá trị "hù doạ" vì đa số người dân chỉ nhìn qua ảnh sẽ không phân biệt được đồ thật và đồ nhái. Quân đội hoặc tướng lĩnh các quốc gia trên hoàn toàn có thể tiết kiệm chi phí mua sắm hoặc "kiếm thêm" từ ngân sách quốc phòng hàng năm nhờ không mua hàng chính hãng có giá cao hơn.

Đáng chú ý, lực lượng nổi dậy hoặc phiến quân ở các nước Nam Á hoặc Trung Đông cũng mua loại vũ khí này vì giá thành rẻ, dễ trang bị cho các tổ chức có kinh phí hạn hẹp.

Tên lửa chống tăng vác vai Javelin (trên) và HJ-12 (dưới)

Các fan dòng game Call of Duty hẳn sẽ nhận ra loại tên lửa chống tank "đắt sắt ra miếng" này. Loại tên lửa chống tăng vác vai FGM-148 Javelin có khối lượng lên đến 22,3 kg. Hồi 2002, giá thành của một đơn vị phóng lên đến 126.000 USD và một quả tên lửa tới 78.000 USD.

Nhưng con số đắt đỏ này của Javelin khá xứng đáng vì nó cho hiệu năng chống tăng và các phương tiện chiến đấu bộ binh khác tương đương với các vũ khí chống tăng có kích thước lớn khác, vốn khó di chuyển và tốn kém thời gian để triển khai, lắp đặt cũng như khó bỏ chạy nếu bị hệ thống dò tìm của xe tăng phát hiện (Javelin dùng cơ chế bắn-và-quên chứ không cần dây dẫn như các tên lửa khác).

Ngoài ra Javelin sử dụng cơ chế nổ 2 lần giúp phá những cỗ máy bọp thép được tăng cường thêm giáp bảo vệ ERA khác. Và Javelin đánh thẳng từ trên xuống nóc xe tăng - điểm yếu nhất của cỗ xe - nhằm đảm bảo tính huỷ diệt cao nhất chỉ với 1 lần bắn. Bên cạnh đó, đuôi lửa (backblast) của Javelin khá nhỏ so với các vũ khí chống tăng vác vai khác, giúp xạ thủ có thể nấp trong các cấu trúc có không gian chật hẹp hơn mà ít bị rủi ro bị bỏng hơn.

Thấy được các hiệu quả của Javelin, chắc chắn quân đội Trung Quốc không thể bỏ qua việc sở hữu - sản xuất - nhái lại vũ khí này. "Mũi tên hồng" hay Hongjian-12 (HJ-12) là bản copy lại từ Javelin do Norinco sản xuất. HJ-12 có tầm bắn hiệu quả từ 2 - 4 km, cũng dùng cơ chế nổ 2 lần và có khối lượng 22 kg. HJ-12 lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm vũ khí ở châu Âu 2014. Tuy vậy, chưa rõ liệu HJ-12 hiệu quả đến đâu và giá thành của nó có rẻ hơn Javelin hay không.

Huyền Thế

Theo USNI News và Wikipedia

Chủ đề khác