VnReview
Hà Nội

Khám phá các loại vũ khí chống tăng trên thế giới (phần 1)

Ra đời cách đây một thế kỷ, xe tăng đã thay đổi gần như mọi học thuyết về chiến tranh và gần như mọi quân đội hiện đại đều có binh chủng tăng thiết giáp của riêng mình.

Xe tăng T-80 của Nga

Nhưng cũng vì lẽ đó, việc phát triển ra các vũ khí chống tăng (anti-tank hay AT) là yêu cầu tiên quyết vì không phải lúc nào các đơn vị hay lực lượng vũ trang cũng có xe tăng để đối kháng với quân địch, hoặc số lượng tăng quá ít ỏi hoặc bất cân xứng với đối phương. Nếu không có trong tay một lực lượng để bẻ gãy gọng kìm thép của địch, kết cục cuộc chiến có thể đã được định sẵn từ trước khi nó bắt đầu.

Tương tự với các dạng khí tài khác, sự phát triển của vũ khí chống tăng cùng với xe tăng luôn đi song hành với nhau, vốn là câu chuyện "cây mâu và cái thuẫn". Giáp của tăng càng dày hơn thì vũ khí chống tăng càng được phát triển hơn. Cho đến nay, đã có rất nhiều loại vũ khí chống tăng ra đời và chúng ta sẽ lần lượt điểm danh từng loại ở phần sau của bài viết.

Súng trường chống tăng (AT rifle)

Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng súng trường chính là loại vũ khí đầu tiên được sử dụng để chống tăng. Bạn tự hỏi làm sao những viên đạn nhỏ bé có thể đâm lủng được lớp giáp dày của xe tăng? Đáp án ở chỗ lúc xe tăng mới ra đời, giáp của chúng cũng không dày lắm. Ngoài ra, chưa thể có khái niệm vũ khí chống tăng "chuẩn" nếu các quân đội chưa có ý niệm gì về xe tăng.

Súng trường Mauser 1918 chống tăng và đạn K (7,92 x 57 mm) của Đức

Xuất hiện lần đầu trong lịch sử trong Chiến tranh Thế giới Lần 1 (WW1), xe tăng của liên quân Anh-Pháp là sự bất ngờ lớn với lính Đức. Tuy vậy những chiếc tăng đầu tiên của Đồng Minh tỏ ra khá chậm chạp và số lượng cũng không nhiều, người Đức đã kịp có thời gian để ứng phó với loại hình vũ khí mới mẻ này.

Cách thức chống tăng đầu tiên được đề ra là... đạn ngược (reversed bullet). Theo đó viên đạn được đặt ngược hướng lại so với thông thường, đầu tày của viên đạn sẽ đâm vào giáp của xe tăng thay cho đầu nhọn. Bằng cách này, lực đục sẽ mạnh hơn và bào mòn dần lớp giáp ngoài. Trong vài trường hợp, viên đạn thậm chí đục thủng cả lớp giáp này và gây sát thương cho tổ lái bên trong.

Song nhìn chung đạn ngược không phải cách tốt để đối phó tăng. Chúng còn làm hư hỏng cây súng và đôi khi, làm bị thương cả chính người bắn. Quân đội Đức nhanh chóng chế tạo ra một loại đạn khác có tên K bullet (7,92 x 57 mm) với lõi thép bên trong cho khả năng đâm xuyên mạnh hơn. Đạn K có 30% khả năng xuyên thủng lớp giáp dày 12 - 13 mm ở cự ly 100 mét. Về bản chất thì đạn K là một dạng đạn xuyên giáp (armor piercing hay AP) và nó còn có thể dùng để phá hoại các cấu trúc khác.

Súng trường Barrett M82 (12,7 x 99 mm) và lựu đạn 25 mm chống tăng của Mỹ

Súng trường AT và đạn AP vẫn được tiếp tục sử dụng sau đó trong các cuộc chiến như WW2 hay chiến tranh Triều Tiên, với cỡ đạn ngày một lớn hơn từ 12,7 mm (0.50 cal) trở lên. Tuy vậy khi giáp tăng ngày một dày hơn và chúng bắt đầu được trang bị thêm các loại giáp phản ứng nổ (ERA), vai trò của súng trường AT ngày càng bị thu hẹp. Ngày nay súng trường AT chủ yếu được dùng để phá hoại các cấu trúc kiên cố như lô cốt hoặc các phương tiện bọc thép hạng nhẹ như xe chở lính (APC), xe chiến đấu bộ binh (IFV)... hoặc các trang thiết bị của tăng như kính ngắm, máy dò laser, bánh xích... hơn là chính chiếc tăng.

Lựu đạn chống tăng (AT grenade)

Trong khi đạn thường có hiệu quả tiêu diệt sinh lực địch tính trên từng người một, thì lựu đạn hoặc các loại thuốc nổ nói chung có thể gây thương vong cho số lượng lớn hơn. Và điều quan trọng hơn là sức công phá có thể dễ dàng thay đổi chứ không cố định như kích thước các viên đạn. Người Đức nhanh chóng nhận ra có thể kết hợp nhiều trái lựu đạn dạng que của họ lại thành một trái lớn hơn, và quăng chúng lên những chiếc tăng Mark chậm chạp của Anh.

Phương pháp "nhồi" này tiếp tục được sử dụng trong WW2 bằng cách bỏ nhiều thuốc nổ vào trong các túi cát rồi châm ngòi cháy chậm trước khi người lính ném chúng về phía những chiếc tăng. Đáng chú ý hơn là các trường hợp "cảm tử quân" mang trên mình hàng chục trái lựu đạn rồi lao thẳng về tăng đối phương để kích nổ, thường được thấy trong cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật cũng trong WW2.

Bom dính của Anh

Trước đó vài năm, quân đội Anh đã yêu cầu cần có một vũ khí chống tăng cự ly gần nhưng phải đơn giản, dễ sử dụng và dễ chế tạo. Sau đó, những trái lựu đạn No. 74 ra đời nhưng thường được gọi là bom dính (sticky bomb). Những trái bom dính có cấu tạo gồm một trái lựu thông thường được đặt trong một quả cầu bằng kính chứa đầy keo dính. Sau khi được ném về mục tiêu, lớp kính ngoài vỡ ra và trái lựu sẽ bám dính vào đấy. Tuy vậy, khi quân đội Anh lần đầu nhìn thấy cách bom dính hoạt động, họ đã "chê" sản phẩm này và "nhường" chúng cho lực Vệ binh Quốc gia (Home Guard) sử dụng. Song về sau, khi phải đối đầu với những chiếc tăng hạng nhẹ của Ý tại Bắc Phi, những chiến binh xa quê xứ sương mù đã nhận thấy tính hiệu quả của nó.

Một người lính Anh đang biểu diễn cách bắn lựu đạn No. 68 từ súng trường

Bên cạnh bom dính, người Anh còn sử dụng một loại lựu đạn AT khác có tên No. 68. Nhưng thay vì dùng tay để quăng thì No. 68 được phóng bằng cách gắn nó vào đầu một cây súng trường rồi bắn ra, tương tự các loại lựu đạn súng trường (rifle grenade) khác. No. 68 có cả cánh đuôi giúp ổn định hướng bay và cho phép nó rơi xuống ở góc 90 độ. Đầu nổ của No. 68 cho phép nó xuyên qua lớp giáp dày 52 mm.

Người lính Đức mô tả cách ném lựu đạn PMW

Nhưng những loại lựu đạn AT nguy hiểm thực sự lại bắt nguồn từ người Đức. Khi bắt đầu đánh vào Nga hồi 1941, binh lính Đức đã mang theo bên mình những trái Panzerwurfmine (PMW) với đầu nổ dạng lõm (shaped charge) nhằm tạo ra hiệu ứng Munroe, không chỉ tiết kiệm khối lượng thuốc nổ mà còn cho sức công phá mạnh hơn. Do hiệu quả phá huỷ cao, PMW có một "người anh em" khác là Panzerfaust cũng có cấu tạo tương tự, nhưng không phải lựu đạn. PMW có 2 phiên bản "ngắn" và "dài". Phiên bản dài được sản xuất trước với chiều dài tới 533 mm. Về sau nó được thay thế bởi phiên bản ngắn giúp dễ mang vác hơn nhưng vẫn có cánh đuôi giúp ổn định phương bay như phiên bản dài. PMW có đầu nổ 0,5 kg và có khả năng xuyên qua lớp giáp dày 150 mm ở hướng trực diện. Do vậy nó có thể phá huỷ cả những chiếc tăng có giáp dày nhất lúc bấy giờ.

Cấu tạo lựu đạn RPG-43 và RPG-6 với đầu nổ lõm của Nga

Nhưng không quá lâu để người Nga có thể copy lại PMW từ các tù binh Đức. RPG-40 (1940) có khối lượng nổ tới 0,76 kg, nhưng chỉ đục được lớp giáp dày 20 mm. Mãi tới 1943, quả RPG-43 mới có các đặc tính giống PMW khi có đầu nổ lõm nặng 0,61 kg nhưng đục được giáp dày 75 mm. Đến cuối năm đó, người Nga tung ra tiếp bản nâng cấp RPG-6 từ RPG-43 nhưng đầu nổ chỉ nặng 0,57 kg và đục được giáp 100 mm. Tuy vẫn kém PMW về hiệu quả nhưng RPG-43 và RPG-6 đều không khó dùng bằng PMW và không cần được đào tạo riêng biệt.

Hình ảnh lính Nhật cầm bom 3 càng tấn công xe tăng

Đó là mặt trận châu Âu. Còn ở Thái Bình Dương, Nhật và Mỹ không phát triển mạnh xe tăng nên "nhu cầu" chạy đua lựu đạn AT không lớn. Người Nhật với phong cách "tự sát" đã làm ra loại mìn cây mà tại Việt Nam gọi là bom 3 càng. Cây mìn này có chiều dài khoảng 1,5 mét, có một đầu nổ HEAT (high explosive AT) rất lớn và được người dùng đâm trực tiếp vào chiếc tăng cần diệt. Hệ quả là cả người tấn công và mục tiêu cùng bị tiêu diệt. Song với sức đục tới 150 mm, bom 3 càng được xem là một trong các loại lựu đạn AT nguy hiểm nhất WW2.

Khi WW2 kết thúc, việc phát triển các loại lựu đạn AT không còn nữa. Một số quốc gia Đông Âu đã thiết kế lại RPG-6 của Nga và đặt lại cái tên khác, ví dụ AZ-58-K-100 của Hungary. Người Mỹ vốn không có nhiều kinh nghiệm làm ra lựu đạn AT đã từng nghĩ đến việc nghiên cứu ngược (reverse-engineer) lựu AZ-58-K-100 để sử dụng. Song các sỹ quan cấp cao nước này cho rằng lựu đạn AT gây nguy hiểm cho người sử dụng hơn là mục tiêu bị tấn công nên họ đã dừng chương trình này lại.

Lựu đạn RKG-3 có dù bung ra sau khi ném của Nga

Có thể xem RKG-3 của Nga ra mắt vào 1950 là thế hệ lựu đạn AT cuối cùng được nghiên cứu và sản xuất. Sau khi được ném, một chiếc dù sẽ bung ra ở đuôi chiếc lựu nhằm giúp nó rơi ổn định lên mục tiêu ở góc 90 độ. Đầu nổ dạng lõm 0,57 kg của RKG-3 có thể đục thủng lớp thép dày 170 mm hoặc đồng dày 220 mm. Dường như trong cuộc chiến Iraq gần đây nhất (2003 - 2011), RKG-3 đã được quân nổi bật Iraq sử dụng để chống lại các phương tiện chiến đấu mặt đất nhưng không có giáp dày như xe tăng, buộc quân đội Mỹ phải bổ sung thêm lớp giáp "chuồng" (slat armor) để cách ly đầu nổ ra khỏi thân xe.

Mẫu xe chiến đấu Stryker với giáp "chuồng" bọc quanh thân của Mỹ

Súng chống tăng (AT gun)

Quay lại WW1, không khó để quân Đồng Minh nhận ra cần trang bị giáp dày hơn cho tăng để chống lại đạn K hay lựu đạn cải tiến của Đức. Ngoài ra các loại đạn AP nói chung không gây nổ mà chỉ đâm xuyên giáp là chính để làm hỏng động cơ hoặc gây sát thương cho tổ lái bên trong. Nếu chiếc tăng có cấu trúc phức tạp với nhiều vách ngăn thì đạn AP cũng không hiệu quả cho lắm. Do đó người Đức cần tới một vũ khí hiệu quả hơn. Những súng AT đúng nghĩa đã ra đời sau đó.

Bộ binh Đức đang di chuyển súng chống tăng Pak 36

Điển hình là súng 3,7 cm TAK sử dụng đạn pháo 37 mm ra mắt vào 1918. Nhưng do WW1 kết thúc ngay sau đó nên vai trò của TAK không mấy nổi bật, cộng với số lượng tăng của Đồng Minh ở WW1 không nhiều nên TAK không được chú ý. Chỉ đến WW2 khi tăng trở thành nòng cốt của các cuộc tấn công, những loại súng trên mới thể hiện được vai trò của mình, ví dụ như Pak 36 (Đức), Gun M3 (Mỹ), QF 2-pounder (Anh) hay M1937 (Nga).

Súng phòng không kiêm chống tăng huyền thoại Flak 88 của Đức

Những loại súng AT có cỡ nòng dưới 50 mm được dùng chính trong giai đoạn đầu WW2 trên tỏ ra khá hiệu quả với các thế hệ tăng đầu tiên. Nhưng WW2 là cuộc chiến mà cả xe tăng lẫn vũ khí AT cùng "lột xác" nên khi các phe cùng triển khai những loại tăng hạng trung (medium tank), các pháo cỡ nòng dưới 50 mm bắt đầu thua kém và chỉ đủ "gãi ngứa".

Súng chống tăng M1944 của Nga

Yêu cầu về những súng AT có sức công phá mạnh hơn lại tiếp tục. Phía Đức lần lượt tung ra Pak 40 (75 mm) rồi Flak 18-36 (88 mm). Phía Nga có M1943 (57 mm) rồi M1944 (100 mm). Người Anh mang theo QF 17-pounder (76,2 mm) trong cuộc đổ bộ lên bờ biển Normandy trong 1944. Người Mỹ có một pháo có cỡ nòng tương tự là Gun M5 (76,2 mm).

(còn tiếp)

Huyền Thế

Chủ đề khác