VnReview
Hà Nội

Tàu săn ngầm robot của hải quân Mỹ sắp hoàn tất

Nếu dự án này thành công, quân đội Mỹ sẽ đạt được bước tiến mới trong việc giám sát các đại dương.

Ảnh concept về ACTUV

Dự án tàu săn ngầm robot này có tên đầy đủ là Tàu chiến Chống ngầm Hải trình Liên tục Không người lái (ACTUV). Con tàu này được xây dựng nhằm cho phép hải quân Mỹ có thể triển khai các kế hoạch giám sát lòng biển dài ngày mà không phải cắt cử quá nhiều người trực chiến trên từng phương tiện chiến đấu. Bù lại họ chỉ cần chốt giữ ở các vị trí chỉ huy an toàn hơn nhưng có thể điều động các khí tài khác can thiệp nhanh chóng đến những khu vực "có vấn đề" do những chiếc ACTUV báo cáo về.

Theo tạp chí IHS Defense Weekly cho biết, các mẫu ACTUV thử nghiệm (prototype) sắp được trang bị thêm Hệ thống Sonar Module Mở rộng (MS3) của hãng Raytheon. Hệ thống sonar này sẽ đóng vai trò chính trong việc tìm-và-phát-hiện dưới lòng biển cho ACTUV, thông qua việc tạo ra các "ảnh sóng âm" giúp người điều khiển nhận dạng các đối tượng trong cự ly gần với con tàu.

Nhiệm vụ chính của ACTUV dùng để theo dõi các tàu ngầm

"Được thiết kế thực hiện các cuộc dò tìm chủ động và thụ động, nhận diện ngư lôi, lọc các mối nguy hiểm thụ động, xác định vị trí và theo dấu các tàu ngầm cũng như tránh né các vật thể khác, MS3 là hệ thống sonar đầu tiên gắn trên thân tàu sử dụng dải tần tầm trung thế hệ 5 do Raytheon phát triển", tạp chí IHS cho hay.

Những thông tin trước đây cho biết ACTUV là một con tàu không có vũ trang và có thể hoạt động độc lập liên tục từ 2 - 3 tháng. Khi được triển khai, ACTUV sẽ rà soát những vùng lãnh hải rộng lớn, với mục đích chính nhằm phát hiện những tàu ngầm của đối phương đang xâm nhập lãnh thổ - một điều rất khó ngăn chặn với các nước có đường bờ biển dài và rộng như Mỹ. Từ đó hải quân nước này có thể tiến hành tập trung các khí tài khác để tiêu diệt mục tiêu nếu cần thiết.

Trên trang chủ của DAPRA (cơ quan chuyên nghiên cứu các dự án phòng vệ tiên tiến của Mỹ) mô tả dự án ACTUV "để tạo ra một thế hệ tàu biển có hiệu năng vượt qua những nền tảng đỉnh cao khác nhằm mang lại tốc độ vượt trội so với những tàu ngầm dùng động cơ điện diesel, nhưng với chi phí và kích thước chỉ bằng một phần nhỏ của chúng".

Clip minh hoạ khả năng do thám và phá hoại của tàu ngầm điện diesel hiện đại

Các tàu ngầm dùng động cơ điện diesel có độ ồn dưới biển khá thấp và thường được dùng cho các nhiệm vụ do thám, tình báo, chỉ điểm mục tiêu trong lãnh hải đối phương. Nên không khó ngạc nhiên khi hải quân Mỹ rất muốn có những con tàu có khả năng phát hiện những cỗ máy "thầm lặng" như vậy. Được biết ACTUV có khả năng liên lạc liên tục với các tàu chiến hay máy bay chiến đấu khác thông qua vệ tinh.

Cũng theo tạp chí IHS, hiện việc đóng mẫu thử nghiệm ACTUV khối lượng 140 tấn Mỹ (khoảng 127 tấn mét khối) đã hoàn tất tới 90%. Dự kiến mẫu này sẽ bắt đầu được hạ thuỷ để kiểm định vào tháng Một hay tháng Hai năm sau.

Huyền Thế

Chủ đề khác