VnReview
Hà Nội

10 vấn đề môi trường nổi lên tại COP 21

Hội nghị nhóm các nước thuộc Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) đã chính thức khai màn. Tại đây những câu chuyện, những khúc mắc của nhân loại hứa hẹn sẽ có câu trả lời.

Mục tiêu chính của Hội nghị COP 21 năm nay là sớm đạt được một thoả thuận hợp tác để hình thành nên công ước khung mới thay thế cho nghị định thư Kyoto, ràng buộc 195 quốc gia phải cam kết cắt giảm khí thải để ngăn việc Trái Đất nóng lên không quá 2 độ C trong thế kỷ này. Hiện tượng Trái Đất nóng lên là căn nguyên của nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng nước biển dâng và tăng nguy cơ xoá sổ nhiều vùng đất trên thế giới. An ninh lương thực bị đe doạ và nguồn nước sạch khan hiếm có thể đẩy nhân loại đến những cuộc chiến để tranh giành đất sống.

Một trong những hướng đi của các hội nghị COP trước đây là nâng mức viện trợ đầu tư hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển có nguy cơ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề chống biến đổi khí hậu còn phụ thuộc phần lớn vào trách nhiệm của các quốc gia phát thải khí nhà kính lớn trên thế giới như Mỹ và Trung Quốc, nguyên nhân dẫn tới nồng độ CO2 cao như hiện nay.

Một phiên họp của COP 21 đang diễn ra tại Paris (Pháp)

Mục tiêu là các quốc gia phát triển sẽ phải cố gắng cắt giảm tối đa sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch và chuyển hướng sang các nguồn năng lượng tái tạo khác mang tính bền vững hơn. Để đạt được cắt giảm như vậy, nhất thiết cần phải gỡ bỏ sự trợ giá cho nhiên liệu hoá thạch.

Nhưng những cam kết sẽ chỉ có hiệu lực khi các bên cùng đồng thuận. Rõ ràng, điều này đã không thể đạt được trong các hội nghị COP trước đây khi;giới quan sát chỉ thấy những hy vọng bỗng chỗng vụt tắt vào cuối phiên họp cùng một thoả thuận mang tính "hời hợt", một số quốc gia cắt giảm, một số thì không hoặc né tránh "trách nhiệm". Nhưng năm nay, mọi thứ có thể sẽ thay đổi.

Theo NDTV, COP 21 đem theo hy vọng của nhân loại về một Trái Đất bền vững hơn. Nhưng để có được điều đó COP 21 sẽ phải giải quyết được những vấn đề môi trường dưới đây.

1. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 khi lượng khí thải công nghiệp vô cùng lớn được xả vào bầu khí quyển. Những nước chịu trách nhiệm cho lượng khí thải này đa số là các nước phát triển nằm phần lớn ở Châu Âu và Châu Mỹ. Vậy cần phải phân chia trách nhiệm ra sao?

2. Các nhà khoa học cho biết, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2 độ C, băng và các sông băng tan chảy nhanh hơn, tương ứng với sự gia tăng của mực nước biển, nhiều diện tích đất bị biến mất, hạn hán cũng sẽ xảy ra nhiều hơn và tình trạng thiếu nước chắc chắn là một mối lo mới.

3. Trong tháng Bảy, một nhóm các nhà khoa học và phân tích, các chuyên gia đánh giá rủi to tài chính và quân sự cảnh báo rằng, tình trạng thiếu lương thực và nước sẽ khơi mào cho nhiều cuộc xung đột để tranh giành nguồn tài nguyên, thúc đẩy hiện tượng di cư hàng loạt và khiến nhiều thể chế mất kiểm soát dân của họ.

4. Ngay cả những chính phủ có tài ứng biến nhất cũng khó có thể đối phó được với bụi phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân, theo báo cáo có tiêu đề "Biến đổi khí hậu, một bản đánh giá rủi ro".

5. Năm ngoái, lượng khí thải carbon toàn cầu trở nên cao nhất hơn bao giờ hết. Trong đó, Trung Quốc đang được coi là nước gây ô nhiễm lớn nhất, tiếp theo là Mỹ, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Nước nào sẽ cam kết nhiều hơn và mục tiêu dài hạn như thế nào?

6. Năm 1997, nghị định thư Kyoto được ký kết tại Nhật Bản đã xác định một giải pháp chống lại biến đổi khí hậu thông qua những ràng buộc pháp lý. Trong 2009 tại hội nghị COP 15 ở Copenhagen (Thụy Điển), các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thống nhất tăng mức viện trợ giúp các nước đang phát triển sớm đạt được mục tiêu phát thải khí nhà kính trước 2020 lên tới 100 tỷ USD. Thoả thuận đã đạt được đến đâu và nguồn viện trợ trong tương lai sẽ do ai cung cấp?

7. Mỹ không bao giờ chấp nhận nghị định thư Kyoto. Một số quốc gia khác đã ký vào bản thoả thuận cũng dần rút ra. Kể từ đó cho đến nay, các quốc gia phát triển có rất ít trách nhiệm đối với tiến trình cắt giảm khí thải nhà kính. Vậy sức ép nào đủ lớn để khiến các nước phát triển phải nhận ra trách nhiệm của chính mình?

8. Ấn Độ cho biết rằng, các nước phát triển phải chịu một gánh nặng cao hơn so với các nước đang phát triển trong công cuộc chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Bởi lẽ rằng, họ phải chịu trách nhiệm cho những gì đã gây ra với môi trường trong vòng 200 năm qua. Các nước phát triển cần có giải pháp ra sao để hài hoà giữa hai mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và hạn chế gây ô nhiễm môi trường?

9. Mỹ đang hối thúc các nước như Trung Quốc và Ấn Độ cần có những biện pháp mạnh tay để chống biến đổi khí hậu. Sự đùn đẩy trách nhiệm và ganh tị cần được "xoá bỏ" sớm.

10. Ấn Độ, nước phát thải khí nhà kính xấp xỉ một nửa Trung Quốc mong muốn một mức cam kết hợp lý hơn từ phía Trung Quốc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác