VnReview
Hà Nội

Tại sao Mỹ nghi Triều Tiên không thử H-bomb?

Sau cơn địa chấn được nhiều quốc gia ghi nhận vào hôm qua, Triều Tiên vừa tuyên bố họ đã thử nghiệm "thành công" bom nhiệt hạch do nước này tự nghiên cứu và chế tạo. Song Mỹ lại không tin đó là bom nhiệt hạch.

Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên luôn là mối lo ngại của nhiều quốc gia;

Như chúng tôi đã đưa tin, hôm qua Triều Tiên vừa thực hiện một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất và tuyên bố đó là vụ nổ nhiệt hạch, vốn có sức công phá gấp nhiều lần so với các vụ nổ phân hạch (thường gọi là bom nguyên tử). Tuy vậy do đây là vụ nổ dưới lòng đất, rất khó để quốc tế có thể xác thực đấy có đúng là vụ nổ nhiệt hạch hay không.

Ngay sau đó, nhiều chuyên gia về vũ khí hạt nhân của thế giới đã đi vào phân tích khối dữ liệu mà các máy đo địa chấn trên toàn cầu gửi về (công cụ duy nhất để thế giới phân tích về các vụ nổ hạt nhân trong lòng đất). Theo trang Wired, các chuyên gia của Mỹ cho rằng Triều Tiên chỉ "thổi phồng" sự việc, vì các dữ liệu đo đạc được không cho thấy nó không có nhiều khác biệt so với các vụ nổ phân hạch khác.

Tuy vậy, trước khi nhận định đây có phải là vụ nổ nhiệt hạch hay không, các bạn cần biết rằng những cơn địa chấn nhân tạo hoàn toàn có thể được thực hiện bởi các loại vũ khí nổ bằng chất nổ hoá học thông thường, chứ không bắt buộc phải là vũ khí hạt nhân. Nếu bạn có đủ lượng TNT hoặc C4 hoặc các loại thuốc nổ hoá học khác và chôn chúng dưới lòng đất, sau đó cho kích nổ đồng loạt cùng 1 thời điểm, hiệu ứng sóng chấn động vẫn có thể tạo ra được. Do đặc điểm này, một số quốc gia vẫn có thể "giả lập" các vụ nổ hạt nhân trong lòng đất mà người ngoài khó có thể kiểm chứng.

Ảnh vệ tinh khu vực thử nghiệm hạt nhân ở phía bắc Triều Tiên, gần biên giới với Trung Quốc

Thứ khác biệt duy nhất giữa thuốc nổ hoá học truyền thống và vụ nổ hạt nhân là các vật liệu hạt nhân có tính phóng xạ được lan toả trong môi trường sau khi cơn địa chấn thành hình. Với các vụ nổ trong lòng đất, các vật liệu hạt nhân có thể rò rỉ lên mặt đất sau một thời gian len lỏi qua các khe hở địa tầng, thường là Uranium hay Plutonium. Song nhìn chung việc này sẽ tốn một khoảng thời gian cần thiết.

Phản ứng nhiệt hạch về lý thuyết không phát sinh ra vật liệu phóng xạ. Nhưng với các kỹ thuật hạt nhân hiện nay, hướng khả dĩ nhất để làm ra vụ nổ nhiệt hạch là dựa trên vụ nổ phân hạch để làm "mồi kích hoạt". Do đó thông thường vụ nổ nhiệt hạch cũng sẽ phát sinh vật liệu phóng xạ tương tự, nhưng ở nồng độ thấp hơn. Số loại đồng vị phóng xạ phát sinh cũng thấp hơn một vụ nổ phân hạch thuần tuý. Nên việc phát hiện ra chúng cũng sẽ khó khăn hơn.

Có một hướng khác để phân biệt vụ nổ hoá học với hạt nhân là sự xuất hiện của các loại khí trơ (noble gas) sau vụ nổ. Các khí trơ về bản chất hoá học không tương tác với các nguyên tố khác vì chúng "bền" ở cấu hình electron nguyên tử. Do đó có thể sớm xuất hiện trên mặt đất hơn các vật liệu hạt nhân khác. Song điều này nhìn chung cũng tốn thời gian. Ví dụ trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên trong 2013, phải mất 55 ngày sau các cảm biến của Nhật Bản mới ghi nhận được sự tồn tại của khí Xenon trong môi trường.

Do vậy tính tới thời điểm hiện tại, các nhà phân tích chỉ có một hướng duy nhất là dựa trên dữ liệu địa chấn để phán đoán về bản chất vụ nổ ở Triều Tiên.

Dữ liệu địa chấn từ Trung Quốc cho thấy đã có 2 chấn động lớn cách nhau 8 giây phát ra từ khu vực thử nghiệm

Trang Bloomberg cho biết căn cứ theo thông tin địa chấn ghi nhận được ở thành phố Mudanjiang (Trung Quốc) gần nơi Triều Tiên thực hiện vụ nổ, cơn địa chấn được tạo ra có thời gian kéo dài khoảng 1 phút, gồm 2 vụ xung động lớn kéo dài cách nhau 8 giây. Sức mạnh vụ nổ tạo ra cơn địa chấn đạt 5,1 độ Richter, tương đương với các vụ thử nghiệm hạt nhân trước đây của nước này. Theo ước tính sơ bộ, ở mức thấp nhất, vụ nổ trên tương đương với 3,5 ngàn tấn TNT, nhỏ hơn rất nhiều so với trái bom phân hạch mà Mỹ từng thả xuống Hiroshima và Nagasaki trong 1945.

Trong khi đó, trái bom nhiệt hạch đầu tiên (Ivy Mike) mà Mỹ thử nghiệm vào 1952 ở Thái Bình Dương, có sức công phá gấp 500 lần vụ nổ ở Nagasaki. Còn những trái bom nhiệt hạch hiện đại của ngày nay đều có sức mạnh ít nhất gấp đôi trái Ivy. Do đó nếu so sánh về sức huỷ diệt, khó có thể nói vụ nổ hôm 6/1 là một vụ nhiệt hạch thực sự. Hoặc kể cả có đúng phản ứng nhiệt hạch đã xảy ra, thì trái bom của Triều Tiên cũng không đáng sợ hơn những trái bom phân hạch khác là bao.

Vụ thử nghiệm Ivy Mike, trái bom nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới

Ngoài ra cũng không loại trừ giả thuyết rằng Triều Tiên đã thực hiện 2 vụ nổ cách nhau 8 giây, với 2 vụ có thể cùng là phân hạch hoặc 1 trong 2 là phân hạch và 1 còn lại là thuốc nổ truyền thống. Nước này có thể thêm vào một ít deuterium hoặc tritium để sau khi vụ phân hạch xảy ra, các chất này có thể "vương vãi" ra xung quanh cho "giống" một vụ nhiệt hạch.

Nhìn chung, nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm bí mật các thí nghiệm và không cho cộng đồng quốc tế được theo dõi hoặc quan sát thì tính sát thực của vụ việc vẫn là một hoài nghi lớn về năng lực hạt nhân thật sự của quốc gia có nhiều điều tiếng này.

Huyền Thế

Chủ đề khác