VnReview
Hà Nội

Trung Quốc đuổi kịp Mỹ trong cuộc đua ngân sách cho khoa học kỹ thuật

Theo một báo cáo mới đây thì Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về chi tiêu cho khoa học kỹ thuật.

Trung Quốc đuổi kịp Mỹ trong cuộc đua ngân sách cho khoa học kỹ thuật

Theo TheVerge, nhiều quốc gia Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đã tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học với tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với Hoa Kỳ. Đó là theo báo cáo mới nhất của National Science Board (Hội đồng khoa học quốc gia Mỹ) về các chỉ số phát triển khoa học và kỹ thuật năm 2016. Báo cáo chỉ ra rằng, các nước thuộc Đông Nam, Nam và Đông Á hiện chiếm 40% chi tiêu của thế giới cho nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghệ. Tiến bộ của Châu Á đang đe dọa sự thống trị của Mỹ, cũng như sẽ làm dao động các cam kết của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.

"Các hoạt động quốc tế trong nghiên cứu và phát triển là một điều tốt. Nhưng vấn đề là làm thế nào để Mỹ có được lợi thế trong cuộc cạnh tranh đó", Kelvin Droegemeier, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quốc gia cho biết.

Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu trong khoa học và chi tiêu công, chiếm 27% tổng chi phí R&D của thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang bám sát phía sau với 20%. "Trung Quốc chắc chắn là quốc gia chi tiêu cho R&D đứng thứ hai", Droegemeier nói. Từ năm 2003 đến 2013, đầu tư của Trung Quốc trong khu vực này đã tăng trưởng đáng kể. Mỗi năm, chi tiêu của nước này cho nghiên cứu và phát triển tăng trung bình 19,5%.

Trung Quốc đuổi kịp Mỹ trong cuộc đua ngân sách cho khoa học kỹ thuật

Trong khu vực tư nhân, Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều thành tựu. Các ngành công nghiệp của Trung Quốc dành cho sản xuất công nghệ cao - chẳng hạn như các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ hoặc các ngành công nghiệp kỹ thuật y tế chiếm 27% sản lượng toàn cầu. Trong lĩnh vực khoa học giáo dục và kỹ thuật, Trung Quốc cũng đang vượt qua Mỹ. Khoảng 49% cử nhân trong lĩnh vực này đến từ Trung Quốc, trong khi con số của Mỹ là 33%. Từ năm 2000 đến 2012, hàm lượng khoa học và kỹ thuật của Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực tăng 300%.

Báo cáo cũng cho thấy, đầu tư của Mỹ vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực học tập, kinh doanh đã giảm trong thời gian gần đây. Kể từ năm 2008, mức tăng trưởng R&D của Mỹ vẫn chưa đạt được mức như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó.

NSB đã chỉ ra rằng, sự suy giảm vốn đầu tư vào R&D là có hại vì đây là điều kiện cần thiết để giúp các nhà khoa học phát minh ra các kiến thức mới và sáng tạo công nghệ được tốt hơn. Và thật khó cho người dân để đầu tư vào các dự án dài hạn khi họ chưa rõ mình sẽ nhận được gì từ những dự án này. "Việc thiếu khả năng dự báo trong tài trợ quan trọng hơn số tiền thực tế", Droegemeier nói.

NSB phát hành báo cáo mỗi hai năm để đánh giá thực trạng của chi tiêu cho khoa học và giáo dục của Hoa Kỳ. Báo cáo không bao gồm các đề nghị thay đổi chính sách nhưng Droegemeier cho biết điều quan trọng là Hoa Kỳ phải tiếp phải tiếp tục mở rộng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vì nhiều nước đang theo rất sát họ, trong đó Trung Quốc gần như đã vươn lên bắt kịp Mỹ và vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong lĩnh vực này.

Minh Trung

Chủ đề khác