VnReview
Hà Nội

Rệp giường hút máu người ngày càng khó diệt

Vốn đã khó diệt, rệp giường nay đã bắt đầu kháng được các loại thuốc trừ côn trùng phổ biến nhất, kênh Discovery đưa tin.

Rệp giường chuyên hút máu người bắt đầu có khả năng kháng thuốc diệt côn trùng

Theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Virginia Tech và Đại học New Mexico State đã phát hiện ra rằng thuốc trừ sâu neonicotinoid, một trong những nhóm thuốc trừ sâu phổ biến nhất thế giới, đã không còn khả năng diệt trừ rệp giường hiệu quả.

Để đưa ra kết quả này, các nhà khoa học đã so sánh các nhóm rệp thu thập được trong môi trường tại Cincinnati, Ohio và Michigan với các mẫu rệp nuôi trong phòng thí nghiệm cách biệt, chưa bao giờ tiếp xúc với neonicotinoid.

Kết quả cho thấy nhóm rệp phòng thí nghiệm đã bị diệt trừ một cách dễ dàng bằng một lượng rất nhỏ neonicotinoid, trong khi các con rệp ngoài môi trường có sức kháng thuốc cao hơn rất nhiều. Chỉ 0,3 gram neonicotinoid đã diệt được một nửa số rệp nuôi ở phòng thí nghiệm, trong khi phải 10.000 gram mới diệt được tỉ lệ tương tự trên nhóm rệp ngoài môi trường.

"Không may là, những loại thuốc diệt côn trùng mà chúng ta vẫn hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề của mình giờ không còn hiệu quả như trước nữa, do đó chúng ta phải cân nhắc lại chiến lược chống lại các loại rệp này", giáo sư Troy Anderson, Trưởng bộ môn côn trùng học tại Virginia Tech và cũng là một trong số các tác giả của nghiên cứu nói trên khẳng định.

Vốn đã khó diệt, rệp giường nay đã bắt đầu đề kháng được các loại thuốc trừ côn trùng phổ biến nhất, kênh Discovery đưa tin.

Giáo sư Anderson cho biết thêm: "Những thứ hóa chất chúng ta dùng để can thiệp đã không còn hiệu quả, và kết quả là, mọi người đang bỏ ra rất nhiều tiền để mua các sản phẩm thuốc trừ côn trùng… vô dụng".

Trong thời gian qua, số lượng rệp giường đã liên tục gia tăng tại nước Mỹ, đặc biệt là tại những nơi như khách sạn, nhà ở và các khu từ thiện. Quá trình diệt rệp giường thường rất tốn kém.

"Các công ty hóa dược cần thấy rằng hiệu quả của các sản phẩm chứa neonicotinoid đang giảm sút. Rệp vẫn còn sống trong các môi trường đã có thuốc là dấu hiệu cho thấy chúng kháng thuốc", giáo sư Alva Romero, bộ môn côn trùng học tại ĐH New Mexico State khẳng định. "Nếu phát hiện chúng có thể kháng thuốc, bạn cần chuyển tới các sản phẩm hóa học khác hoặc sử dụng các biện pháp không dùng tới hóa chất", giáo sư Alva Romero cho biết thêm.

Lê Hoàng

Chủ đề khác