VnReview
Hà Nội

Lập bản đồ tác động của biến đổi khí hậu trên khắp hành tinh

Một điều đáng lo ngại hiện nay là nền nhiệt độ trung bình tại Bắc Cực đang gia tăng nhanh chóng do lượng khí thải CO2 liên tục dồn về và chiếm đóng tại nơi đây.

Mô hình nhiệt độ thay đổi bởi lượng khí thải CO2 trên cả đất liền (biểu đồ bên trái) và đại dương (biểu đồ bên phải). Ảnh Nature Climate Change.

Theo ScienceDaily, tác động từ các hoạt động sống của của con người lên môi trường chắc chắn không còn là điều phải bàn cãi. Nền nhiệt độ Trái Đất đã tăng 1 độ C trong vòng một thế kỷ qua. Đó là mức nhiệt trung bình trên toàn địa cầu nhưng tại các khu vực khác nhau trên thế giới, sự tăng trưởng của nền nhiệt độ lại có sự khác biệt rõ rệt.

Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Climate Change đã cung cấp một góc nhìn chính xác hơn về mức nhiệt độ đang gia tăng ở từng khu vực trên Trái Đất dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Sử dụng kết quả mô phòng từ 12 mô hình khí hậu trên toàn cầu, Damon Matthews, một giáo sư tại Khoa địa lý, kế hoạch và môi trường thuộc trường ĐH.Concordia, Mỹ đã hợp tác cùng nhà nghiên cứu Martin Leduc vẽ ra bản đồ biểu thị sự thay đổi của nhiệt độ dựa trên mức độ phát thải khí CO2 tại các khu vực trên thế giới.

Biểu đồ cho thấy sự biến thiên của nhiệt độ dựa theo lượng khí CO2 tích lũy tại 21 vùng địa lý trên Trái Đất.

Hai nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nhiệt độ tăng lên ở mọi nơi trên địa cầu mà chủ yếu do sự tích lũy lượng khí thải CO2 ngày càng nhiều. Matthews cho biết: "Bản đồ này cung cấp một mối liên hệ đơn giản nhưng đầy sức thuyết phục giữa tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu và sự ấm lên của thời tiết tại các khu vực. Cách tiếp cận này có thể biểu thị lượng khí thải mà con người phát thải ra tại các khu vực đó".

Ngoài Leduc và Matthews, đồng tác giả Ramon de Elia đến từ;Ouranos, một tổ chức nghiên cứu khí hậu có trụ sở tại Montreal, Canada đã phân tích kết quả từ bản đồ mô phỏng. Trong đó, lượng khí thải CO2 gây ra bởi nồng độ CO2 trong không khí đã tăng 1% mỗi năm cho đến khi đạt gấp 4 lần so với mức kỷ lục từng được ghi nhận trước đó trong cuộc cách mạng công nghiệp hồi cuối thế kỷ 20.

Trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã thấy mức nhiệt độ trung bình gia tăng 1,7 ±0,4°C tính trên một nghìn tỷ tấn khí thải CO2. Con số này có vẻ như khá sát với báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó như đã nói, các nhà nghiên cứu cũng tiếp tục phân tích và đưa ra mức nhiệt độ trung bình cho nhiều khu vực trên thế giới dựa theo lượng phát thải khí nhà kính CO2:

Tây Bắc Mỹ:  2,4 ± 0,6°C

Trung Bắc Mỹ: 2,3 ± 0,4°C

Đông Bắc Mỹ:  2,4 ± 0,5°C

Tiểu bang Alaska: 3,6 ± 1,4°C

Đảo Greenland và Bắc Canada:  3,1 ± 0,9°C

Bắc Á: 3,1 ± 0,9°C

Đông Nam Á: 1,5 ± 0,3°C

Trung Mỹ: 1,8 ± 0,4°C

Đông Phi: 1,9 ± 0,4°C

Theo như số liệu, khu vực xích đạo cho thấy sự gia tăng nhiệt độ chậm nhất trong khi khu vực gần Bắc Cực đang ấm lên nhanh chóng. Tất nhiên đây là điều chúng ta đang nhìn thấy thông qua hiện tượng mực nước biển dâng. Hai vùng cực của Trái Đất luôn là nơi rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ. Chưa kể khí CO2 thường tích tụ rất nhiều về hai vùng cực và hậu quả có lẽ rất dễ dàng đoán trước.

Nhiệt độ gia tăng mạnh mẽ ở Bắc Cực kéo theo hệ lụy băng tan và mực nước biển dâng lên, nhấn chìm mọi vùng đất thấp trên thế giới.

Bên cạnh đó, biểu đồ còn cho thấy sự chênh lệch khá lớn giữa đất liền và biển với mức nhiệt độ gia tăng tại các đại dương trung bình là 1,4 ± 0,3°C, khá thấp so với mức thay đổi trên đất liền là 2,2 ± 0,5°C.

Matthews nhận định: "Cho tới thời điểm hiện tại, con người đã phát thải gần 600 tỷ tấn CO2. Điều này có nghĩa rằng, các vùng đất trung bình đã ấm hơn 1,3°C do tác động của hiệu ứng nhà kính từ khí thải. So với mức phát thải hiện nay, chúng ta có thể sẽ phát thải ra lượng CO2 đủ để làm Trái Đất ấm lên tới 2°C hoặc 3°C trong vài thập kỷ tới".

Đây thực sự là một dự báo đáng lo ngại và đã được nhiều nhà khoa học và các nhà nghiên cứu môi trường nhắc đến từ lâu trong rất nhiều các hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP). Tuy nhiên, một giải pháp giảm phát thải khí nhà kính toàn diện có thể đạt được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn và sự quyết đoán của các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Phi Thiên

Chủ đề khác