VnReview
Hà Nội

Robot có thể huỷ diệt cả nền văn minh của loài người

Theo Vardi, một giáo sư kỹ thuật máy tính tại Đại học Rice thì robot có thể huỷ diệt sự nghiệp, nền kinh tế và kể cả nền văn minh con người.

Robot có thể huỷ diệt sự nghiệp, nền kinh tế và kể cả văn minh con người

Theo Arstechnica, chúng ta đã chứng kiến được những tiến bộ ngoạn mục trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vài thập kỷ qua. Nhưng cái cách mà công nghệ mới này tác động đến thế giới đang là chủ đề thảo luận của một nhóm các nhà khoa học máy tính và các nhà đạo đức học tại cuộc họp năm nay của Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học.

Chúng ta không thể phủ nhận tác động của cuộc cách mạng công nghệ thông tin vào nền kinh tế. Từ thời điểm máy tính cá nhân bắt đầu xâm nhập vào nơi làm việc thì năng suất lao động đã tăng lên một cách ấn tượng. Tuy nhiên, Vardi, một giáo sư kỹ thuật máy tính tại Đại học Rice lại có một cái nhìn trái chiều về vấn đề này. Ông cho rằng máy móc đã dần chiếm hết việc làm của con người. Nếu trong quá khứ, những cỗ máy được chế tạo với một chức năng nhất định như dệt vải thì ngày nay chúng hầu như làm được mọi thứ và còn hoàn thành công việc tốt hơn cả con người.

Vardi cho rằng, nếu quá phụ thuộc vào AI (trí tuệ nhân tạo) thì nền kinh tế của chúng ta không khác gì việc La Mã phụ thuộc vào nô lệ: "Chúng ta có thể thỏa thuận với việc nền kinh tế có tỷ lệ robot tham gia lao động dưới 25 phần trăm? Dưới 50 phần trăm?", Vardi đặt ra câu hỏi.

Trong khi đó, nhà đạo đức học Wendell Wallach lại kêu gọi các lĩnh vực sử dụng robot phải dành một phần kinh phí cho các nghiên cứu những tác động về đạo đức pháp luật và xã hội (ELSI) của công nghệ, tương tự như cách làm với công nghệ gen hiện nay. (Kể từ khi bắt đầu của dự án Human Genome, Viện nghiên cứu gen người của Mỹ phải dành 5% kinh phí cho việc nghiên cứu ELSI).

"Chúng tôi phải can thiệp vào cách phối hợp để định hình công nghệ đang nổi lên này (AI), ngăn chặn nó biến thành một nguồn lực nguy hiểm", Wallach lập luận. Xe tự lái là một ví dụ, người ta đặt ra tình huống xe phải đối mặt với vấn đề là nó phải đâm vào một nhóm trẻ để bảo vệ an toàn cho hành khách trên xe hay tông vào gốc cây để bảo vệ lũ trẻ?

Wallach nghĩ rằng đây là một vấn đề cực khó và không có câu trả lời rõ ràng về mặt đạo đức. Chưa ai đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. Hầu hết đều thống nhất rằng công nghệ cảm biến cần phải phát triển qua một thời gian dài nữa trước khi nó có thể đưa ra quyết định trong tình huống này.

Robot có thể huỷ diệt sự nghiệp, nền kinh tế và kể cả văn minh con người

Wallach nói rằng nhà đạo đức học và lý thuyết xã hội nên được đưa vào trong các nhóm thiết kế. Và các nghiên cứu cũng như các kỹ sư phải xem xét ai hay cái gì chịu trách nhiệm nếu có bất cứ điều gì sai sót từ các hệ thống mà họ thiết kế.

Và điều quan trọng là phải cấm tuyệt đối việc phát triển các hệ thống vũ khí với khả năng tự hoạt động. "Máy móc không thể đưa ra quyết định giết chết con người", Wallach cho biết khi đề cập đến ý tưởng đưa AI vào robot và các khí tài quân sự trên chiến trường. Ông cho rằng, robot hay các loại vũ khí không thể tự chịu trách nhiệm về các hành vi giết người, cho dù đó là trên chiến trường và nếu được cho phép, robot với AI có thể đưa con người tới bờ diệt vong.

Minh Trung

Chủ đề khác