VnReview
Hà Nội

Vì sao Hamburg cấm sử dụng ly nhựa đựng cà phê dùng một lần?

Vấn đề rác thải nhựa (plastic) gây phá huỷ hệ sinh thái tự nhiên trở nên cấp bách đến nỗi chính quyền thành phố Hamburg (Đức) đã ra lệnh cấm mọi văn phòng chính phủ sử dụng loại ly nhựa (pod) đựng cà phê chỉ dùng được một lần.

Trang Science Alert cho biết, các dụng cụ nhựa sử dụng một lần vốn rất phổ biến trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên do đặc tính của mình, chúng rất chóng trở thành rác thải chỉ sau lượng thời gian ít ỏi được dùng để chứa một loại nước uống hay thực phẩm nào đó. Theo thống kê, nếu bạn xếp chồng những ly nhựa dùng chỉ một lần do hãng Keurig sản xuất chỉ trong vòng một năm, thì tổng chiều dài của chúng có thể bao quanh hành tinh này những 12 lần!

Nhưng điều tệ hại hơn là những cái ly ấy lại thường bị vứt lung tung không đúng chỗ. Và với một số loại ly nhựa, đặc biệt là loại dùng đựng cà phê tại Đức, còn có cả nắp đậy làm bằng nhôm. Đặc điểm này khiến cho kể cả việc thu gom đúng chỗ và tái chế chúng cũng không hoàn toàn được hoàn thiện như ý muốn.

Do đó, khi xét thấy các vấn đề môi trường về mặt lâu dài của loại ly cà phê dùng một lần này, chính quyền thành phố Hamburg đã ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm trên tại mọi văn phòng thuộc khối nhà nước (quy định này chưa áp dụng cho công ty tư nhân). Jan Dube, thuộc Phòng Năng lượng và Môi trường Hamburg, nói với báo giới: "Những hộp đựng này gây ra tình trạng tiêu thụ tài nguyên cũng như tạo ra lượng rác thải không cần thiết, trong khi đó lại còn kèm thêm cả lớp vỏ nhôm gây ô nhiễm. Rất khó để tái chế lại vì chúng thường được làm từ hỗn hợp nhôm và nhựa. Chỉ có 6 gram cà phê mà cần tới 3 gram vật liệu để chứa đựng. Tại Hamburg, chúng tôi nghĩ những thứ này không nên được trả bằng tiền thuế của người dân".

Một bộ hộp đựng trà, cà phê điển hình của Keurig

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở ly cà phê

Động thái trên của Hamburg là một phần trong nỗ lực của chính quyền thành phố nhằm hướng đến phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường. Không chỉ tại Đức, doanh số cà phê dùng một lần đã tăng trưởng gấp 3 lần tại Tây Âu và Mỹ tính từ 2011. Trong 2014, nhà sản xuất ly nhựa Keurig bán được khoảng 9,8 tỷ bộ hộp đựng (portion pack) và chỉ 5% trong số chúng là có khả năng tái chế. Tuy vậy ngay cả khi chiếc hộp có thể tái chế thì cũng không có gì đảm bảo người sử dụng sẽ đem đến đúng nơi tái chế được sản phẩm. Mặc dù Keurig có hứa hẹn sẽ tung ra phiên bản hộp đựng tái chế được toàn bộ vào 2020, song với 4 năm để bán ra những sản phẩm không tái chế được vẫn gây ra nhiều quan ngại. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia hoài nghi liệu mục tiêu 2020 có thể đạt được.

Hiện nay, có khoảng 13% người Đức uống cà phê từ những chiếc ly dùng một lần hàng ngày. Tại Mỹ, số lượng hộ gia đình sở hữu những máy pha cà phê dùng ly một lần đã tăng từ mức 15% trong 2014 lên 25% trong 2015. Điều đáng nói là chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng loại sản phẩm gây hại môi trường trên khi chúng ta đã biết rõ tác hại của chúng như thế nào. Theo một khảo sát gần đây của BBC, 10% dân Anh cho rằng "ly đựng cà phê rất xấu cho môi trường", nhưng điều oái ăm là, 22% trong số họ hiện đang có một chiếc máy pha cà phê loại này.

John Rice và Nigel Martin, các nhà nghiên cứu người Úc viết cho trang The Conversation: "Ly nhựa dùng một lần là ví dụ điển hình cho một vấn đề rộng hơn của xã hội chúng ta, nơi mà chúng ta nói một đằng nhưng lại làm một nẻo. Trong trường hợp này, nhiều người trong chúng ta thường bảo hãy sống 'xanh' hoặc bền vững với môi trường, trong khi vừa húp một ngụm cà phê được sản xuất ra từ một nền công nghiệp có độ bền vững tương đương một nhà máy hạt nhân lỗi thời của Nga".

Tuy tiện nghi nhưng các ly nhựa có vỏ nhôm này đang gây quan ngại về môi trường

Trong khi một số chính quyền đưa ra các điều luật bảo vệ môi trường bị người dân phản đối, bước đi này của chính quyền Hamburg có thể xem là "khôn ngoan" khi chỉ nhắm vào đối tượng văn phòng nhà nước. Những dân thường của Hamburg vẫn được tự do sử dụng loại ly nhựa này. Nhưng "mưa lâu thấm đất", hành động làm gương của các nhân viên chính phủ có thể khuyến khích người dân noi theo. Ngoài ra nếu chính quyền ở các thành phố hoặc quốc gia khác cùng "bắt chước" thì hiệu quả trên toàn cầu có thể sẽ rất lớn.

Huyền Thế

Chủ đề khác