VnReview
Hà Nội

Y tế Cuba phát triển đến mức Mỹ cũng phải ghen tỵ

Là một nước bị phương Tây xếp vào thế giới thứ ba, nhưng Cuba lại có hệ thống y tế phát triển vượt bậc. Có được thành tựu như vậy là nhờ... bị Mỹ cấm vận. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Cuba có thể tiếp tục duy trì được điều này sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ?

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama đến Cuba vừa qua lại một lần nữa khiến ánh mắt của thế giới tập trung vào đảo quốc này. Sau khi tái lập quan hệ ban đầu vào năm 2014, một số cơ sở, tổ chức lớn của Mỹ đã để mắt đến hệ thống y tế của Cuba, mà theo một bài báo trên New England Journal of Medicine, Cuba "đã giải quyết được một số khó khăn mà chính người Mỹ vẫn chưa xử lý được".

Nghe có vẻ kỳ lạ?

Thành tựu vượt bậc của y tế; Cuba

Cuba, một quốc gia có 11 triệu dân, đã đạt đến những thành quả y tế thực sự đáng ghen tị. Cuba có tỷ lệ trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi tử vong thấp nhất, đồng thời có tuổi thọ cao nhất ở châu Mỹ, vượt cả Mỹ trên 3 chỉ số (mặc dù tỉ lệ tử vong ở người mẹ vẫn cao hơn đáng kể so với các nước giàu).

Năm nay, Cuba cũng là nước đầu tiên trên thế giới, theo WHO, là đã loại bỏ được sự lây truyền bệnh HIV và giang mai từ mẹ sang con. Làm thế nào một quốc gia ở thế giới thứ ba, phải chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế trong nhiều năm liền, lại có thể đạt được điều này?

Một phần câu trả lời nằm ở việc chính phủ Cuba đã thiết lập một hệ thống chăm sóc y tế toàn diện, phổ cập với mạng lưới các bác sỹ, y tá và nhân viên y tế tại nhà sống ngay trong cùng cộng đồng với bệnh nhân.

Nhằm đảm bảo đầy đủ nhân sự cho sáng kiến này, chính phủ Cuba đã đầu tư rất mạnh cho giáo dục y tế, vì thế nên số bác sỹ trên mỗi đầu người của Cuba nhiều gần gấp 3 lần so với ở Mỹ. Điều này cũng cho phép Cuba cử được tổng số 130.000 chuyên gia y tế đi thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp hoặc miễn phí đến các quốc gia khác thuộc thế giới thứ Ba. Tính đến năm 2008, có gần 37.000 chuyên gia y tế Cuba làm việc tại 70 quốc gia. Cuba là quốc gia đầu tiên phản ứng với đại dịch Ebola hồi năm ngoái, cử số lượng bác sỹ đến vùng Sierra Leone nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, chỉ trừ Anh.

Các chương trình tiêm chủng phổ cập của Cuba đã loại trừ được nhiều căn bệnh từng rất phổ biến ở trẻ em, và nhiều loại bệnh nhiệt đới khác, như bại liệt, sởi và bạch hầu. Nhiều loại vaccine, cũng như các phác đồ điều trị khác, được ngành công nghiệp dược phẩm nội địa sản xuất, phát triển, một phần cũng là nhằm đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ. Ngành công nghệ sinh học ở Cuba có khoảng 10.000 nhân lực và chủ yếu sản xuất thuốc dùng trong nước, bao gồm 33 loại vaccine, 33 loại thuốc chữa ung thư, 18 loại thuốc chữa các bệnh về tim mạch và 7 loại thuốc chữa các bệnh khác. Cuba là nhà cung cấp dược phẩm hàng đầu cho khu vực Mỹ Latin, và cũng cung ứng thuốc cho nhiều quốc gia châu Á. Cơ sở hạ tầng y tế của Cuba cũng rất phát triển, với 22 cơ sở y tế và các tạp chí khoa học chuyên ngành.

Phần nhiều sự tiến bộ này là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Cuba, nhưng đồng thời cũng giúp Cuba có các chính sách độc lập trong mảng chăm sóc sức khỏe, bao gồm giáo dục phổ cập, đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo nguồn nước sạch và vệ sinh hiện đại. Có lẽ điều quan trọng hơn là các chính sách kinh tế bình đẳng của chính phủ Cuba đã giúp giảm mạnh mẽ sự bất cân đối giàu nghèo. Một nghiên cứu lớn từng cho thấy sự mất cân đối trong mức thu nhập có liên quan chặt chẽ, thậm chí là yếu tố quan trọng, đối với sức khỏe người dân.

Tác động của lệnh cấm vận

Điều giúp Cuba đạt được những tiến bộ y tế đáng kể như thế chính là hơn 5 thập kỷ chịu lệnh cấm vận kinh tế khắc nghiệt của Mỹ. Năm 1962, 3 năm sau cuộc cách mạng Cuba, Mỹ đã thiết lập lệnh cấm vận nhằm làm tê liệt nền kinh tế Cuba, hy vọng vết đau này sẽ khiến nhân dân Cuba lật đổ chính phủ. Huffington Post cho biết, cấm vận chỉ là một trong số những biện pháp mà Mỹ đặt ra với chính phủ Cuba.

Trong một báo cáo toàn diện năm 1997 nói về tác động của lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba, Hiệp hội Y tế thế giới Mỹ (AAWH) cho biết "lệnh cấm vận bao gồm cả thực phẩm và thuốc men, hầu như cấm hoàn toàn mối giao thương thương mại song phương". Báo cáo phát hiện ra việc thắt chặt cấm vận trong suốt những năm 1990 đã gây ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu các nguồn nước xử lý và thiếu thực phẩm, dẫn đến suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến nguồn nước, cùng nhiều vấn đề khác. AAWH kết luận rằng "Một thảm họa nhân đạo do lệnh cấm vận gây ra đã được ngăn chặn, vì chính phủ Cuba luôn duy trì ngân sách cao hỗ trợ cho hệ thống chăm sóc y tế, mang lại quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân".

Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng có phân tích riêng hồi năm 2009 về tác động của lệnh cấm vận đối với "quyền kinh tế và xã hội" của người dân Cuba. Báo cáo ghi nhận nhiều trường hợp Cuba không thể nhập khẩu các loại vật tư y tế, trong đó có các thuốc trị HIV và thuốc tâm thần, vaccine, các thiết bị y tế, thiết bị chẩn đoán, bao cao su, và các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em.

Từ lâu, Mỹ đã cô lập với thế giới về chính sách với Cuba. Kể từ năm 1992, mỗi năm Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đều bỏ phiếu áp đảo (188-2 là kết quả năm ngoái), kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận. Tuy nhiên, tờ New York Times từng tuyên bố hồi năm ngoái rằng, không phải vì Mỹ, mà chính là Cuba đang phải chịu tình thế bị "quốc tế bao vây".

Nền y tế Cuba sẽ tốt hơn hay tồi hơn?

Liệu Cuba có thể tiếp tục duy trì những thành tựu này sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Việc mở cửa ngoại giao và đặc biệt là kinh tế có thể không xảy ra, vì Mỹ tạo áp lực để Cuba phải cổ phần hóa các ngành công nghiệp nhà nước, trong đó có ngành y tế. Huffington Post cho rằng để đánh giá được tác động của sự kiện này, người Cuba phải nhìn xa hơn, để nhận ra rằng một hệ thống chăm sóc y tế phân mảnh, vì lợi nhuận có thể sẽ mang lại kết quả trái ngược hoàn toàn so với những thành tựu y tế mà họ đã đạt được từ mô hình phổ cập từ trước đến nay đã triển khai.

Hoàng Lan

Chủ đề khác