VnReview
Hà Nội

Dùng tế bào da nuôi thành quả tim hoàn toàn mới

Với hàng triệu người mắc bệnh tim và không thể chữa trị thì đột phá y học này có thể cứu sống được rất nhiều người.

Cấy tim

Chỉ tính riêng ở Mỹ, có hơn nửa triệu người chết vì bệnh tim mỗi năm, trong đó có hàng ngàn người còn đang chờ đợi được ghép tim. Nhưng theo công bố khoa học mới, sẽ có một giải pháp tiềm năng cho sự thiếu hụt này: nuôi cấy những quả tim mới.

Theo Daily Beast đưa tin, đó chính xác là điều mà một nhóm các nhà khoa học ở Trung tâm Y học tái sinh thuộc bệnh viện Massachusetts General Hospital sắp tiến hành thực hiện. Nghiên cứu của họ công bố trên tạp chí Circulation Research trong tuần này có khả năng sẽ là một người thay đổi cuộc chơi. Tái lập trình các tế bào da thành tế bào gốc, các nhà nghiên cứu đã có thể tạo được mô tim chức năng.

Quá trình này sẽ không chỉ loại bỏ nhu cầu tìm người hiến tim phù hợp mà còn giảm đáng kể khả năng ức chế miễn dịch. Thử tưởng tượng ở Mỹ trung bình mỗi ngày có khoảng 22 người tử vong vì chờ hiến tim thì thấy tác động của nghiên cứu nuôi cấy tim mới sẽ lớn thế nào.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu là bác sĩ Harald C. Ott, phó giáo sư khoa Giải phẫu Trường Y Harvard. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trên chuột. Để tạo ra một quả tim mới, các nhà nghiên cứu cần cái gọi là khung để tạo hình. Nuôi cấy phần này của trái tim – được tạo thành từ protein – là rất khó và mất thời gian.

Để vượt qua thách thức này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng 75 trái tim từ Ngân hàng tạng New England. Tất cả số này được cho là không phù hợp cho mục đích cấy ghép (người chết hoặc đã chết não hoặc đã bị ngừng tim). Từ những quả tim này, nhóm nghiên cứu sử dụng một loại "chất tẩy rửa" để gột hết những tế bào còn sống. Một khi các thành phần này được loại bỏ, phần còn lại là một cái khung hoàn hảo để "gieo" các tế bào mới.

Nói một cách dễ hiểu là quá trình này chỉ để lại phần khung các protein collagen để giúp định hình các mạch máu, xương, hay là các phần cơ.

Bước cuối cùng, gọi là thao tác gene, có liên quan đến việc tái lập trình tế bào da (sử dụng RNA) thành tế bào gốc và bơm chúng vào trong quả tim để mô phỏng môi trường thực tế.

"Tạo ra mô tim chức năng gặp một vài thách thức", bác sĩ Jacques Guyette nói. "Trong số này gồm có tạo ra khung cấu trúc tim có thể hỗ trợ chức năng tim, cung cấp tế bào tim đặc biệt và một môi trường hỗ trợ, trong đó các tế bào có thể "lấp đầy" các khung tim để hình thành mô trưởng thành có khả năng xử lý các chức năng tim phức tạp".

Báo cáo của nhóm nghiên cứu là đáng chú ý không chỉ vì thành công của nó trong việc tạo ra tế bào có nguồn gốc từ mô tim gốc, mà đây còn là nghiên cứu đầu tiên phân tích khung cấu trúc còn lại của tim sau khi loại bỏ tế bào (decellularization).

Trước công bố này, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ott đã tuyên bố thành công trong việc tạo ra cẳng chân sinh học từ các tế bào sống.

Và điều đáng nói ở đây nữa là không chỉ nhóm nghiên cứu của bác sĩ Ott mà các nhà nghiên cứu Canada cũng đã đạt được thành tựu trong việc nuôi cấy tim. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Toronto gần đây công bố họ đã nuôi cấy thành công tế bào tim quanh một vết khâu trên da, tạo ra một mô hình tim 3D có chức năng như thật. Phát hiện này có thể đem lại lợi ích khổng lồ cho việc thử nghiệm thuốc mới và cuối cùng có thể thay thế cho việc cấy ghép nội tạng thật.

Thanh Xuân

Chủ đề khác