VnReview
Hà Nội

Tìm thấy dấu vết người vượn đứng thẳng ở An Khê 80 vạn năm trước

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của Người vượn đứng thẳng (Homo erectus) ở An Khê cách đây khoảng 80 vạn năm. Không chỉ có vậy, những kết quả khai quật còn gây nhiều ngạc nhiên.

Những rìu tay được phát hiện ở An Khê.

Cuộc khai quật đã phát hiện 11 di tích Đá cũ sơ kỳ chung quanh khu vực Rộc Tưng, hợp thành một quần thể di tích tập trung trong thung lũng bồn địa xã Xuân An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai).

Đây là các di tích cư trú và nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy. Các hố khai quật có cấu trúc địa tầng giống nhau. Lớp văn hóa chứa vết tích hoạt động của con người nằm dưới lớp đất canh tác và trên lớp sinh thổ, dày trung bình 25cm - 35cm. Những công cụ đá đều được làm từ những viên cuội sông, suối, chất liệu đá quartz, quartzite, hoặc silic có độ cứng cao, kích thước lớn, đa số dài trên 15cm, nặng hơn 1,5kg, có vết ghè đẽo tạo rìa tác dụng thô sơ, kỹ thuật ghè đẽo trực tiếp, vết ghè to, thô đan xen, liên tiếp nhau, hầu như không có dấu tu chỉnh.

Loại hình công cụ nổi bật mà cư dân ở đây tạo ra là những mũi nhọn lớn bằng đá quartz hình khối tam diện, những công cụ chặt thô dạng chopper, chopping; những công cụ nạo làm từ mảnh tước; một số hạch đá được gia công thành công cụ. Trong các di tích này còn phát hiện được một số công cụ ghè hai mặt (biface), đặc biệt là những chiếc rìu tay được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao, mang đặc trưng của công cụ giai đoạn tối cổ của nhân loại - giai đoạn sơ kỳ thời đại Đá cũ.

Bằng phân tích so sánh, dễ dàng nhận ra tổ hợp công cụ sơ kỳ Đá cũ vùng An Khê khác và cổ hơn các sưu tập sơ kỳ Đá cũ đã được biết ở Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Chúng có nét gần với rìu tay sơ kỳ Đá cũ lục địa Á - Âu. Dựa vào niên đại địa chất các thềm cổ chứa các di tích Đá cũ vùng An Khê và so sánh với các kỹ nghệ đá tương ứng ở nơi khác trên thế giới, có thể dự đoán tuổi các di tích Đá cũ An Khê khoảng 80 vạn năm trước. Đây cũng tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện được biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Các di tích có niên đại và kỹ nghệ công cụ đá như An Khê ở các nơi khác trên thế giới đã được xem là thuộc văn hóa của Người vượn đứng thẳng (Homo erectus), tổ tiên trực tiếp của loài người.

Trong một thời gian dài trước đây đã tồn tại quan điểm đối lập về văn hóa giữa phương Đông và phương Tây: Phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người, còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Những phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ với rìu tay ở An Khê không chỉ bác bỏ quan điểm này, mà còn là bằng chứng xác đáng, bổ sung An Khê (Việt Nam) vào bản đồ xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.

Đợt khai quật khảo cổ học năm 2016 được tiến hành trong Chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam (2015 - 2019) giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga. Các tư liệu sau khai quật đang được xử lý, phân tích, xét nghiệm, nghiên cứu, bảo quản và xây dựng hồ sơ khoa học, phục vụ nghiên cứu cơ bản, biên soạn lịch sử quốc gia, đồng thời mở ra triển vọng cho các chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu lịch sử giai đoạn tối cổ của loài người.

Các nhà khoa học Nga và Việt Nam cùng tiến hành khai quật ở An Khê.

Viện Khảo cổ học đề nghị Hội đồng di sản quốc gia, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xem xét đặc cách công nhận cụm di tích Sơ kỳ thời đại đá cũ ở An Khê là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Việc xây dựng qui hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khảo cổ tiền sử ở đây còn góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội Tây Nguyên nói chung và vùng đất An Khê nói riêng.

Theo Nhân Dân

Chủ đề khác