VnReview
Hà Nội

Chứng minh lò tiến sỹ từ thông tin Viện KH Xã hội

Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 là 350, Học viện Khoa học Xã hội đang bị cho là một lò sản xuất?

Nhiều người dân đã phân tích từ chính các thông tin từ website của Học viện Khoa học Xã hội, trụ sở ở Nguyễn Trãi, Hà Nội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam để cho ra kết quả bất ngờ.

Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công (năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ).

Để xác thực hơn, con số thống kê năm 2015,; từ 1/1- 31/12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ.

Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.

Học viện Khoa học xã hội đang là một "lò sản xuất tiến sỹ"?

Trong khi đó, Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350.

"Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", một người có uy tín trong ngành giáo dục nhận xét.

Một số đề tài được dư luận mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"...

Trả lời báo chí, GS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đây là đợt bảo vệ của 44 mã ngành, sau 3 năm làm luận án các nghiên cứu sinh đến hạn bảo vệ. Trong đợt này mỗi mã ngành chỉ có 1-2 luận án được bảo vệ, có ngành còn không có người nào.

"Thông tin suy luận của người viết lên Facebook là "thiếu hiểu biết". Suy luận kiểu này thật là "botay.com" (không thể hiểu được – PV) cho sự hiểu biết của anh ta", GS. Thắng trả lời.

Với một số đề tài được cho là chưa xứng tầm, ông Thắng giải thích, đó là do quan niệm của mọi người. Lâu nay xã hội vẫn cho rằng luận án tiến sĩ làm về những thứ cao siêu, còn hiện nay, luận án đã đi vào với những đề tài thiết thực với cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) khẳng định, hàng năm, Học viện KHXH xác định chỉ tiêu và báo cáo Bộ GD - ĐT theo quy định. Trong 3 năm gần đây, học viện xác định và tuyển sinh vào khoảng 350 NCS/năm.

Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu đào tạo trình độ TS lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào số giảng viên cơ hữu có trình độ TS, chức danh GS, PGS…

Hiện nay, theo báo cáo của học viện, đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ TS của cả  Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) là 380, trong đó có 175 người có chức danh GS, PGS. Như vậy, chỉ tiêu do học viện xác định vẫn trong phạm vi quy định, không vi phạm lỗi vượt quá chỉ tiêu.

Trong 4 năm gần đây, để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD - ĐT tổ chức thẩm định chất lượng của khoảng gần 10% luận án của các cơ sở đào tạo. Qua thống kê, chưa có luận án nào của Học viện KHXH không đạt yêu cầu chất lượng.

Luận án tiến sĩ phải làm trong nhiều năm. Số lượng nghiên cứu sinh bảo vệ trong một khoảng thời gian không phải là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo.

Theo Báo Đất Việt

Chủ đề khác