VnReview
Hà Nội

Dự báo biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016

Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ ≥ 35oC) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước. Bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng. Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 17,84% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập.

Trả lời phỏng vấn báo Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết có hai kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng phiên bản năm 2016.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 có thể được tóm tắt như sau: Nhiệt độ ở tất cả các vùng của Việt Nam đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở (1986-2005), với mức tăng lớn nhất là khu vực phía Bắc.

Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, ở phía Bắc nhiệt độ tăng chủ yếu từ 1,9 ÷2,4oC và ở phía Nam từ 1,7 ÷1,9oC.

Theo kịch bản RCP8.5, nhiệt độ tương ứng tăng 3,3÷4,0oC ở phía Bắc và 3,0÷3,5oC ở phía Nam. Nhiệt độ thấp nhất trung bình và cao nhất trung bình có xu thế tăng rõ rệt.

Lượng mưa năm có xu thế tăng trên phạm vi toàn quốc so với thời kỳ cơ sở ở tất cả các kịch bản. Theo kịch bản RCP4.5, đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm có mức tăng phổ biến từ 5 ÷15%.

Theo kịch bản RCP8.5, mức tăng nhiều nhất có thể trên 20% ở hầu hết diện tích Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, một phần diện tích Nam Bộ và Tây Nguyên. Lượng mưa mùa khô ở một số vùng có xu thế giảm. Lượng mưa 1 ngày lớn nhất trung bình có xu thế tăng trên toàn lãnh thổ Việt Nam với mức tăng phổ biến từ 10 ÷70% so với trung bình thời kỳ cơ sở.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới yếu và trung bình có xu thế giảm nhẹ hoặc ít thay đổi, nhưng bão mạnh đến rất mạnh có xu thế gia tăng.

Gió mùa mùa hè khu vực Đông Á trong đó có Việt Nam bắt đầu sớm hơn, ngày kết thúc muộn hơn hoặc ít thay đổi. Mưa cực đoan trong thời kỳ hoạt động của gió mùa mùa hè có khả năng tăng.

Số ngày rét đậm, rét hại các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đều giảm. Số ngày nắng nóng (số ngày nhiệt độ cao nhất Tx ≥ 35oC) có xu thế tăng trên phần lớn diện tích cả nước, lớn nhất là ở Bắc Trung Bộ. Hạn hán có thể trở nên khắc nghiệt hơn ở một số vùng do nhiệt độ tăng và khả năng giảm lượng mưa trong mùa khô.

Theo kịch bản RCP4.5, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 58cm (36cm÷80cm) và 57cm (33cm÷83cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu và Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 53cm (32cm ÷75cm). Theo kịch bản RCP8.5 mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với giá trị tương ứng là 78cm (52cm÷107cm) và 77cm (50cm÷107cm); các khu vực Móng Cái - Hòn Dáu, Hòn Dáu - Đèo Ngang có mực nước biển dâng thấp nhất là 72cm (49cm÷101cm).

Nếu nước biển dâng 1m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích Tp. Hồ Chí Minh, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập. Cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo và Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Nguy cơ ngập đối với quần đảo Trường Sa là không lớn. Cụm đảo Hoàng Sa có nguy cơ ngập lớn hơn, nhất là cụm đảo Lưỡi Liềm và Tri Tôn.

Theo Báo TNMT

Chủ đề khác