VnReview
Hà Nội

Ý kiến khác nhau về vệt nước đỏ dọc bờ biển Quảng Bình

Một số nhà khoa học trong nước đã lên tiếng về vệt nước đỏ dài khoảng 1,5 km xuất hiện ở bờ biển Quảng Bình ngày 4/5/2016, có người cho rằng đó là tảo nở hoa, tức thuỷ triều đỏ, có ý kiến lại nói không phải.

Vệt nước đỏ ở biển Quảng Bình

Vệt nước đỏ đục dài 1,5km xuất hiện ở bãi biển xã Nhân Trạch sáng 4/5. Ảnh: TTO

 

Như tin đã đưa, sáng ngày 4/5, biển ở khu vực xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xuất hiện một vệt nước màu đỏ đục dài khoảng 1,5 km. Đến khoảng 11g trưa cùng ngày, màu đỏ này nhạt dần. Người dân ở đây còn phản ánh trong hai ngày 3 - 4/5, trên bờ biển đoạn qua xã Nhân Trạch lại xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ. Tuy số lượng cá chết không nhiều như hai lần trước nhưng đây đã là đợt cá chết dạt vào bờ thứ ba kể từ khi xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt cách đây một tháng.

Ngay sau đó, các chuyên gia trong nước đã nêu ý kiến của mình về hiện tượng này. Trả lời trên phóng sự phát trên VTV chiều 4/5, GS.TS khoa học Dương Đức Tiến, việc xuất hiện những dải nước có màu đục ngầu như hiện tượng thủy triều đỏ. (Đọc thêm về thuỷ triều đỏ tại đây).

GS.TS khoa học Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nói: "Tôi thấy cả một vùng nước có màu hồng, khác với màu nước biển và trải dài trên diện tích khá rộng. Hiện tượng này như hiện tượng nở hoa của nước. Thực ra không phải lúc nào cũng màu đỏ, có thể có nhiều màu khác nhau. Khi có hiện tượng thủy triều đỏ có thể xuất hiện tảo độc gây tác hại cho môi trường nuôi trồng thủy sản".

"Không nghi ngờ gì, đây là hiện tượng bất bình thường của vùng biển có thể gọi đó là một dạng thủy triều đỏ. Hiện tượng thủy triều đỏ thường do một số tảo độc gây nên nhưng là loài gì cần có sự xác định nghiêm túc của các nhà khoa học".

Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Huân, trưởng phòng sinh thái biển Viện Hải dương học (Nha Trang), trả lời trên báo Tuổi trẻ rằng ông không nghĩ nhiều đó là hiện tượng do "thủy triều đỏ" gây ra. Bởi nếu là "thủy triều đỏ" thì thường trong nước biển có độ nhớt cao và có những mảng xác tảo kết dính với nhau nổi bập bềnh trên mặt nước. ;Ông Huân cho rằng các chất thải, phù sa hoặc các thành phần vật chất khác ven bờ ở khu vực cửa sông, cửa biển đổ ra đều có thể làm cho nước biển bị đổi màu.

Cũng trên báo Tuổi trẻ, TS. khoa học Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang) cần phải lấy mẫu nước để xét nghiệm đầy đủ. Nếu là do hiện tượng "thủy triều đỏ" thì hàm lượng sắc tố trong nước rất cao, đồng thời nước có mùi hôi, tanh rất khó chịu.

Hiện tại, các cơ quan chức năng và chuyên gia đã lấy mẫu nước trong vệt đỏ nói trên để xét nghiệm. Một mẫu nước và cá chết đã được đưa về Đại học Tokyo (Nhật Bản) để phân tích. Các chuyên gia Nhật cho biết khi nào có kết quả mới có câu trả lời chính thức.

Trường An

Chủ đề khác