VnReview
Hà Nội

Mỹ lo đối phó với tên lửa siêu thanh Nga, Trung

Quốc hội Mỹ đang gây sức ép lên Cơ quan phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc (MDA) phải đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ các tên lửa đạn đạo tốc độ cao của Trung Quốc và Nga.

Theo trang tin Washington Free Beacon của Mỹ, dự luật uỷ quyền quốc phòng sửa đổi vừa được Ủy ban phụ trách công tác quốc phòng thuộc Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước yêu cầu Cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) phải tài trợ và phát triển một chương trình để đánh bại tên lửa siêu thanh.

Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi xây dựng một chương trình chuyên dụng để đối phó với "tên lửa đạn đạo siêu thanh" và chương trình này có thể bao gồm cả việc hợp tác với các cơ quan khác của Mỹ.

Động thái này của Mỹ đến sau khi Trung Quốc và Nga thực hiện các bài thử bay các phương tiện siêu thanh mang tính cách mạng. Các tên lửa đạn đạo công nghệ cao được phóng có tốc độ 7.500 dặm/giờ hoặc cao hơn. Sau đó đầu đạn trượt và được điều khiển hướng đến các mục tiêu trên mặt đất.

Phó đô đốc James Syring, giám đốc MDA tiết lộ trong một cuộc họp gần đây rằng Cơ quan này không có chương trình nào chuyên để đối phó với mối đe doạ tên lửa siêu thanh. Ông nói ngân sách quốc phòng hiện tại bao gồm 23 triệu USD để phát triển vũ khí laser có thể được sử dụng để chống lại tên lửa siêu thanh. Tuy nhiên, loại vũ khí laser tiết kiệm năng lượng sẽ chưa được thử nghiệm cho đến tận sau năm 2021.

Nga đã tiến hành một chuyến bay thử nghiệm chiếc U-71 trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N hôm 19/4. Ba ngày sau đó, Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thành công lần thứ 7 thiết bị siêu thanh mới DF-ZF trên một tên lửa bay từ miền Trung sang miền Tây nước này. Chuyên gia Mỹ nhận định tên lửa Trung Quốc có tốc độ khoảng gấp 9 lần tốc độ âm thanh.

Nghị sĩ Trent Franks nói ông lo ngại về sự phát triển vũ khí siêu thanh của cả Trung Quốc và Nga, coi đây là một sự chuyển dịch trong chiến tranh hiện đại.

"Kỷ nguyên siêu thanh đang đến", ông Frank nói trong một trả lời phỏng vấn. "Và điều bắt buộc là Mỹ không chỉ cạnh tranh mà còn phải vượt trội trong lĩnh vực này bởi kẻ thù của chúng ta chắc chắn đang rất coi trọng công nghệ và phát triển nó rất hiệu quả".

Ông Franks cho rằng cách nhanh nhất để Lầu Năm Góc đối phó với tên lửa Trung Quốc chắc chắn là phải phát triển một phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Sau đó, có thể phát triển các vũ khí laser có khả năng tấn công tên lửa đạn đạo.

Ông hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua dự trù 610,5 tỷ cho quốc phòng tính từ tháng 10 tới và Thượng viện sẽ ủng hộ kế hoạch đầu tư cho vũ khí đối phó với tên lửa đạn đạo siêu thanh. Tuy nhiên, chính quyền Obama hiện đã chặn các nỗ lực thúc đẩy các chương trình phòng thủ tên lửa của nghị sĩ này.

Cựu nhân viên tình báo quân sự Larry Wortzel chuyên phân tích về các vấn đề Trung Quốc nói cả Bắc Kinh và Mátxcơva đang dẫn đầu về các chương trình tên lửa tốc độ cao trong khi các chương trình vũ khí năng lượng định hướng của Mỹ lại tiến triển rất chậm. "Quốc hội và người dân Mỹ cần tập trung vào phòng vệ tên lửa đạn đạo và đối phó với mối đe doạ chiến lược nghiêm trọng này", ông nói.

Hồng Hà

Chủ đề khác