VnReview
Hà Nội

Xây dựng hẳn một ngọn núi vì thiếu mưa

Chỉ có lượng mưa khoảng vài inch mỗi năm, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang tìm ra cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Đất nước này muốn tạo ra mưa - theo đúng nghĩa đen - và đã có một kế hoạch đầy tham vọng để thực hiện điều đó: xây dựng một ngọn núi!

Trong số các phương pháp tiếp cận mà UAE đang xem xét để làm tăng lượng mưa, nước này đã chi 400.000 USD cho Trung tâm Quốc gia về Nghiên cứu Khí quyển (NCAR), một viện nghiên cứu của Mỹ được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Quốc gia, để nghiên cứu việc xây dựng một ngọn núi nhân tạo có thể ảnh hưởng đến thời tiết như thế nào. Theo những tin tức của một trang web kinh doanh mới, có trụ sở tại Dubai, các nhà nghiên cứu hiện đang trong giai đoạn "Nghiên cứu xây dựng mô hình chi tiết" của dự án.

Ý tưởng này có vẻ như bất khả thi và chỉ xuất hiện trong khoa học viễn tưởng, tuy nhiên nó lại được dựa trên một khái niệm khí tượng rất thực tế. Khi không khí ẩm tăng lên ở một mặt của ngọn núi, nó sẽ nguội đi và tạo thành những đám mây. Những đám mây sau đó ngưng tụ và tạo ra mưa ở sườn núi đón gió. (Những khu vực ở phía bên kia ngọn núi gọi là "vùng không mưa", nơi nhận rất ít mưa bởi không khí khô giảm).

Với một quốc gia được xếp hạng là một trong những nơi khô cằn nhất trên Trái đất thì mỗi giọt mưa đều trở nên vô cùng quý giá. Tính trung bình, lượng mưa ở UAE chỉ khoảng 3 inch một năm, theo báo The National của Abu Dhabi (thủ đô UAE). Sự thiếu hụt lượng mưa, kết hợp với nhiệt độ có thể lên đến hơn 100 độ F (khoảng 37 độ C) và tỷ lệ tiêu thụ nước ở mức cao có nghĩa là dự trữ nước tự nhiên của UAE sẽ sớm cạn kiệt. Ở những nơi như Abu Dhabi, một người tiêu thụ trung bình 145 gallon nước mỗi ngày, gấp 2 đến 3 lần so với trung bình của thế giới và nước ngầm dự trữ dự kiến sẽ cạn kiệt trong vòng 50 năm tới. Đó là một vấn đề không phải chỉ của riêng khu vực đô thị mà còn là vấn đề của cả khu vực nông thôn.

UAE đã đặt việc bảo tồn nguồn nước lên hàng đầu và đưa ra các biện pháp thực hiện để cắt giảm sử dụng nước nông nghiệp và sử dụng nước thải đã được xử lý. Abu Dhabi gần đây đã tăng phí sử dụng điện và nước để khuyến khích người dân hạn chế và sử dụng tiết kiệm hơn.

Quốc gia này cũng tìm đến khoa học để giải quyết vấn đề thiếu nước của mình, đó là tạo ra mưa nhân tạo theo nhu cầu. UAE đã đầu tư gần 560.000 USD trong năm ngoái vào 186 dự án "gieo mây", theo báo;Arabian Business. Các công nghệ biến đổi thời tiết đã có từ những năm 1940 và giúp tăng cường khả năng tạo ra mưa bằng cách tiêm các hạt ngưng tụ nước và tạo mưa. Một nhà khí tượng học của UAE cho biết việc "gieo mây" đóng góp một phần trong lượng mưa kỷ lục hồi tháng Ba của nước này, theo đó, lượng mưa trong một ngày lên đến 11 inch, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự hiểu rõ tại sao công nghệ này lại hiệu quả đến vậy.

Xây dựng một ngọn núi có thể là một trong những đề xuất đầy tham vọng và tốn kém để tăng lượng mưa của UAE: Kế hoạch xây một ngọn núi nhân tạo ở Hà Lan đã được ước tính chi phí lên đến 432 tỉ USD, theo Business Insider. "Nếu dự án này quá tốn kém đối với chính phủ, theo logic tự nhiên nó sẽ không được thông qua, tuy nhiên điều này mang lại cho họ một ý tưởng về những lựa chọn thay thế cho tương lai lâu dài", Roelof Bruintjes, nhà khoa học thuộc NCAR chuyên về lĩnh vực thay đổi thời tiết cho biết. "Nếu được thông qua, giai đoạn thứ hai sẽ là đi đến một công ty kỹ thuật và quyết định xem điều này có khả thi hay không".

Nhưng tất cả những điều đó có thể được cho là không hiệu quả nếu các thông điệp về việc bảo tồn bị lu mờ bởi lối sống phù phiếm mà một bộ phận cư dân của UAE đã quen bấy lâu nay. Những người nông dân cũng là một phần của vấn đề này, Reuters đưa tin, bởi một vài trong số họ vẫn dựa trên các phương pháp tưới tiêu hàng ngàn năm nay và đang làm khô cạn giếng trữ nước của quốc gia. Một số đang tìm kiếm các phương pháp mới, bền vững hơn, trong khi những người còn lại lại thờ ơ với vấn đề này.

"Tốn rất nhiều nước để trồng cây chà là" - loại cây trồng chủ yếu và phổ biến của người dân địa phương, một người nông dân cho biết. "Nhưng giống cây này là do tổ tiên của chúng tôi để lại, nó là di sản của chúng tôi. Nếu chúng tôi ngừng trồng cây chà là, việc đó sẽ giống như bỏ rơi con của chính mình".

Nông Thanh Huyền

Theo Citylab

Chủ đề khác