VnReview
Hà Nội

Thiếu những phụ nữ này thì còn lâu mới tìm ra Sao Hỏa

Họ phải xinh đẹp như một cô gái, hành động như một phụ nữ, suy nghĩ như một người đàn ông và làm việc như một... con chó. Đó là "những cô gái tên lửa" của NASA.

Tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở Pasadena, California, phụ nữ được tuyển dụng để trở thành "máy tính", họ chịu trách nhiệm tất cả các loại tính toán trong phòng thí nghiệm, để đưa tên lửa vào vũ trụ. Họ là ai, họ làm việc như thế nào, họ đã cân bằng cuộc sống và sự nghiệp ra sao… Tóm lại, làm thế nào họ trở thành "cô gái tên lửa" trong một ngành khoa học gần như là độc quyền của nam giới?

Sau đây là bài phỏng vấn của trang National Geographic với Nathalia Holt, một nhà nghiên cứu và là một người viết về khoa học ở Boston, Massachussetts (Mỹ). Holt đã trực tiếp gặp gỡ và phỏng vấn các nữ khoa học tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion Lab (JPL) của NASA. Dưới đây, VnReview xin phép lược dịch lại bài phỏng vấn để độc giả hiểu phần nào về cuộc sống, công việc của các nữ kỹ sư, những người góp phần đưa tên lửa vào vũ trụ và giúp NASA khám phá Sao Hỏa.

Tim Berners Lee, Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk, Joel Oppenheimer, Linus Torvalds – và có thể còn nhiều người khác nữa – có điểm gì chung?

Họ đều là nam giới.

Tất nhiên, cũng có những người phụ nữ có ảnh hưởng trong giới khoa học và công nghệ, nhưng rất ít. Điều này đúng với cả ngành khám phá không gian, vũ trụ. Cả thế giới biết tên của Buzz Aldrin (là một phi công và là phi hành gia người Mỹ). Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta biết Bonnie Dunbar (nữ du hành vũ trụ người Mỹ) hay Joan Higginbotham (nhà khoa học nữ của NASA)?

Nhưng "đàn ông" sẽ không bao giờ lên được mặt trăng nếu không có nhóm các nhà nữ toán học xuất sắc và ngoan cường tại the Jet Propulsion Lab ở Pasadena, California. Họ được gọi là "những cô gái tên lửa".

Có vẻ như Elton John cần thay đổi lời bài hát "Rocket Man" của ông. Ai là "rocket girls"?

Các "cô gái tên lửa" bắt đầu như là những chiếc "máy tính" tại Jet Propulsion Lab. Trước khi có mọi thiết bị số như ngày nay, con người thực sự phải tự làm các phép tính. Họ được gọi là "các cô gái máy tính" vì họ chịu trách nhiệm cho mọi tính toán ở phòng thí nghiệm.; Từ những "cô gái máy tính", họ trở thành những lập trình viên máy tính, những kỹ sư đầu tiên của phòng thí nghiệm, và như một sự tất yếu, họ có sức ảnh hưởng lớn tại NASA. Họ phải đảm đương mọi nhiệm vụ dù là nhỏ nhất.

Vì sao chúng ta không bao giờ biết đến họ?

Điều này thực sự đáng buồn. Lần đầu tiên khi tôi nghiên cứu, tôi phát hiện ra có những bức ảnh rất đẹp về những phụ nữ đã làm việc tại phòng thí nghiệm hồi những năm 1950. Nhưng trong đó hầu như không ghi tên họ và không có thông tin liên lạc. Vì thế, nó thôi thúc tôi tìm hiểu về họ và những câu chuyện của họ.

Thông báo tuyển dụng vào vị trí này ghi rõ là tuyển gấp những chiếc "máy tính". Xin hãy giải thích cho chúng tôi biết về bí mật của việc ứng tuyển vào làm máy tính trong NASA – và những chiếc máy tính này là ai?

Thông báo tuyển dụng này thật tuyệt vời (cười). Nhiều phụ nữ không hiểu chính xác máy tính là gì, nhưng họ rất giỏi toán học và lúc đó không có nhiều cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học. Phụ nữ lúc đó thường chỉ làm giáo viên, y tá hoặc thư ký. Vì thế khi họ có cơ hội làm việc tại Jet Propulsion Laboratory (JPL) thì khiến họ rất phấn khích.

Sở dĩ nhóm này chỉ toàn "gái" là vì một người phụ nữ tên Macie Roberts. Bà là giám sát vào năm 1962 và bà quyết định rất khó tuyển dụng nam giới. Bà cảm thấy họ sẽ phá vỡ sự gắn kết trong nhóm của bà. Tại thời điểm đó, bà cũng lo ngại nam giới sẽ khó chấp nhận việc có một người phụ nữ làm sếp.

Vì Macie Roberts đã khơi mào nền văn hóa đó từ rất sớm, và nó được duy trì hàng thập kỷ. Khi những phụ nữ khác trở thành giám sát, họ giữ quan điểm này khi tuyển dụng phụ nữ. Điều  này rất rõ ràng với Helen Ling, người đã làm việc rất lâu tại JPL. Bà đã đưa nhiều phụ nữ khát khao làm kỹ sư nhưng không có trình độ cần thiết. Bà khuyến khích họ đi học vào ban đêm và nộp đơn vào phòng thí nghiệm, trở thành các nữ kỹ sư.

Janez Lawson là một  người đặc biệt ở JPL, nổi tiếng với suy nghĩ "không cần thiết phải xét nét về trình độ để khám phá các bí ẩn với những phụ nữ có thể nộp đơn xin việc vào khoa học". Hãy kể với chúng tôi về Janez.

Câu chuyện về Janez rất lạ thường. Bà là một phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ, thông minh, đã có bằng kỹ sư hóa tại UCLA (trường Đại học California tại Los Angeles). Bà hiểu gần như không thể xin việc làm kỹ sư, vì thế bà nộp đơn vào JPL sau khi xem thông báo tuyển dụng, nhận thấy đây là cơ hội. Bà là người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm ở vị trí kỹ thuật tại phòng thí nghiệm. Và bà rất xuất sắc. Bà là một trong số 2 người duy nhất được cử đến trường đào tạo đặc biệt IBM và trở thành một phần trong nhiều nhiệm vụ quan trọng, rồi tiếp tục trở thành một kỹ sư hóa học và có sự nghiệp rất vang dội vào cuối đời.

Bà có tự mình phỏng vấn những phụ nữ này không? Họ là người như thế nào?

Tôi đã phỏng vấn họ và cảm thấy rất may mắn khi được dành nhiều thời gian với họ. Đó là những người thân thiện, ấm áp, rất cởi mở, thích nói về mọi thứ khoa học mà họ tham gia. Năm 2013, tôi đã tổ chức một cuộc họp thân mật và những người phụ nữ trên khắp nước Mỹ đã tham gia. Có một thực tế buồn là những người phụ nữ này không được nhìn nhận xứng đáng tại phòng thí nghiệm mà họ làm việc. Vì thế đó là một sự kiện thực sự buồn. Được vào phòng thí nghiệm với họ, đi thăm quan, lắng nghe kỷ niệm của họ, có ý nghĩa lớn với tôi.

Macie Roberts đã nói về công việc của các cô gái tên lửa như sau: "Họ phải xinh đẹp như một cô gái, hành động như một phụ nữ, suy nghĩ như một người đàn ông và làm việc như một con chó". Hãy nói cho chúng tôi làm thế nào Macie Roberts đã tạo ra được tình chị em kéo dài suốt mấy thập kỷ.

Câu nói đó bao hàm rất nhiều điều về những gì diễn ra trong những ngày đầu tiên tại JPL. Lúc đó, thái độ phân biệt giới tính còn rất cao. Nhưng vì những người phụ nữ này là một nhóm "chị em", và họ có thể dựa vào nhau, hoàn thành công việc rất tốt. Vào năm 1960, chỉ 25% các bà mẹ đi làm bên ngoài xã hội. Những gì diễn ra tại phòng thí nghiệm này, đó là những phụ nữ này luôn hỗ trợ cho nhau. Sau khi một trong những phụ nữ có con, Helen Ling, người giám sát sau Macie Roberts, sẽ gọi cho cô ấy và yêu cầu cô ấy quay lại làm việc. Họ tạo ra nền văn hóa riêng trong phòng thí nghiệm và điều này đã dẫn đến những phát triển kinh ngạc trong khám phá khoa học.

Làm thế nào các nữ kỹ sư này đã cân bằng giữa sự nghiệp, gia đình và con cái?

Họ có thể cân bằng cuộc sống nhờ nhiều yếu tố. Một số yếu tố đó là các chính sách của phòng thí nghiệm, như là họ có thể làm việc linh hoạt theo giờ. Ngay cả khi đang thực hiện nhiệm vụ, khi các nữ kỹ sư thường phải làm việc suốt cả đêm, họ vẫn có thể điều chỉnh lịch trình, bằng cách đến sớm hoặc làm việc trễ. Sự linh hoạt này giúp họ cân bằng được cuộc sống. Tại các trung tâm khác của NASA, mọi người làm việc 8 giờ mỗi ngày và nghỉ giải lao cố định. Ở một số nơi, họ thậm chí không thể nói chuyện cùng nhau. Họ phải làm việc trong im lặng! Nhưng tại JPL lại khác. Nhưng vẫn có những vấn đề nảy sinh. Lúc đó, thật không dễ dàng gì để các cặp vợ chồng giải quyết được, nhất là khi người vợ có sự nghiệp quan trọng.

Làm thế nào "các cô gái tên lửa" đã thay đổi được văn hóa tại NASA – và làm thế nào họ khơi nguồn cảm hứng cho các cô gái và phụ nữ trẻ ngày nay?

Có được một nhóm kỹ sư toàn nữ như thế này đã là một sự khác biệt. Quan điểm phân biệt giới tính càng gắt gao hơn trong những ngành công nghiệp mà chủ yếu là nam giới thống trị, và quan điểm này có thể dịu bớt bằng sự cân bằng giới tính. Nhóm các nữ kỹ sư tại JPL đã thay đổi cả một nền văn hóa vì họ thực sự tham gia vào rất nhiều hoạt động trong cuộc sống tại phòng thí nghiệm. Thậm chí các sự kiện xã hội, như là cuộc thi người đẹp, cũng mang lại ảnh hưởng tích cực cho sự nghiệp của họ, vì chúng giúp họ gần gũi hơn với các đồng nghiệp nam. Điều này có nghĩa các nữ kỹ sư cũng là các đồng tác giả trên các ấn phẩm của NASA, vào thời điểm đó, điều này không hề phổ biến với phụ nữ.

Ngày nay, chúng ta nhìn thấy một thực tế đáng buồn về số nhân lực nữ trong ngành công nghệ. Năm 1984, có khoảng 37% bằng khoa học máy tính được cấp cho phụ nữ. Ngày nay, con số đó chỉ còn 18%. Có rất nhiều lý do khác nhau, mà trong đó có cả quan điểm phân biệt giới tính trong ngành này. Vì vậy, đưa phụ nữ vào những vai trò chủ chốt trong ngành khoa học là điều rất quan trọng hiện nay. Nếu các cô gái tên lửa có thể làm điều kỳ diệu vào năm 1955, phụ nữ ngày nay chắc chắn cũng có thể làm được.

Hoàng Lan

Chủ đề khác