VnReview
Hà Nội

NASA: Tháng 4/2016 nóng nhất trong lịch sử

Dữ liệu phân tích của NASA cho biết tháng Tư năm nay là tháng nóng kỷ lục trong lịch sử nhân loại.

Tháng Tư năm nay là tháng nóng kỷ lục trong lịch sử

Nhiều người dân cho biết họ cảm giác rằng từ đầu năm đến nay, nhiệt độ môi trường ngày càng nóng hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân gây hạn hán nghiêm trọng tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê mới nhất của NASA thì tháng Tư vừa qua là tháng nóng kỷ lục từ trước đến nay.

Cụ thể, theo báo cáo của NASA thì tháng 4/2016 là tháng thứ sáu liên tiếp nhiệt độ cao hơn 1% mức trung bình của giai đoạn 1951-1980.

Tháng 4/2016 được đánh giá là một trong những tháng nóng bất thường nhất trong vòng 130 năm qua.

Một số chuyên gia tin rằng số liệu mới được phát hành bởi Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia (Hoa Kỳ) NOAA trong tuần tới sẽ cho thấy nhiệt độ trong 12 tháng qua đã liên tục phá vỡ các kỷ lục nắng nóng trong quá khứ.

Tháng Tư năm nay là tháng nóng kỷ lục trong lịch sử

Trên Independent, Eric Holthaus, một nhà khí tượng học đã cho;biết: "Thật đáng sợ. Tôi đang ở thời điểm mà không ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng ta biết hiện tượng El Nino sẽ tác động đến mọi thứ nhưng chắc chắn không ai hi vọng nhiệt độ sẽ tăng cao như thế này".

Ông cũng cho biết một thông tin rất đáng lo ngại rằng trong vòng một năm qua, nhiệt độ toàn cầu đã tăng 25% tổng mức tăng từ năm 1980 đến nay. Hiện tượng nhiệt độ tăng bất thường này đã có những tác động rõ rệt đến sự thay đổi của môi trường.

Nhà khoa học này cũng hi vọng tốc độ băng tan tại hai cực sẽ diễn ra chậm trong mùa hè năm nay. Trong vòng 18 tháng qua, khoảng ¼ các rặng san hô trên đại dương đã bị chết trắng do nước biển nóng lên và độ axit tăng cao. Trong hoàn cảnh sống như vậy, các rạn san hô sẽ đẩy các mô tảo ra khỏi bộ khung của nó và chỉ còn trơ lại phần san hô đã hóa đá. Tất nhiên san hô có thể hồi phục sau những thời điểm như vậy nhưng tốc độ sẽ rất chậm.

Tháng Tư năm nay là tháng nóng kỷ lục trong lịch sử

Holthaus cho biết nhiệt độ cao kỷ lục sẽ tiếp tục được duy trì trong khoảng 4 - 6 tháng nữa rồi mới bắt đầu giảm dần.

Phần lớn các chuyên gia tin rằng hoạt động của con người có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thay đổi của khí hậu trên hành tinh chúng ta. Báo cáo đánh giá lần thứ 5 về vấn đề biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014 cũng đã từng đưa ra các chứng cứ về sự ảnh hưởng của con người đến vấn đề này. Bản báo cáo đã chỉ rõ nhiệt độ của các đại dương đang ấm dần lên với một số dấu hiệu dễ nhận thấy như sự thay đổi mực nước biển kể từ năm 1950 với mức độ chưa từng có trong lịch sử.

Bạch Đằng

Chủ đề khác