VnReview
Hà Nội

Tại sao trẻ em cần vui chơi?

Đối với nhiều người, khung cảnh ngoài trời với trăm hoa đua nở, những con vật đi lang thang kiếm ăn và trẻ em chơi đùa thật là tuyệt vời. Tuy nhiên dường như giờ đây, việc nhìn thấy trẻ em vui chơi ngoài trời không còn phổ biến như trước nữa.

Trong năm 2002, đạo luật cải cách giáo dục "No Child Left Behind" (Tạm dịch: Không một trẻ em nào bị tụt hậu có hiệu lực và đến năm 2007, 20% hệ thống trường học tại Hoa Kỳ đã giảm hoặc cắt bỏ thời gian giải lao. Điều này được thực hiện để tăng thời gian rèn luyện và ôn tập cho học sinh trong môn Toán và Tiếng Anh để các em có thể vượt qua các bài kiểm tra trình độ thông thạo bắt buộc. Những lo ngại về việc giảm thời gian vui chơi của trẻ tại trường ngày càng tăng và nhiều người dự đoán rằng giờ giải lao sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.

Mặc dù dự đoán đó có thể là quá sớm nhưng có một vấn đề khác đang tồn tại là trẻ em thậm chí cũng không có nhiều thời gian vui chơi tại nhà. Thông thường, trẻ em được chơi đùa ngoài trời với bạn bè của chúng khi rảnh rỗi. Tuy nhiên một nghiên cứu xem xét thời gian vui chơi của trẻ em tại 16 quốc gia khác nhau cho thấy trẻ em ở tất cả các quốc gia được khảo sát dành hầu hết thời gian rảnh của chúng trong nhà, làm bài tập được giao ở trường và xem ti vi. Trên thực tế, tỷ lệ xem ti vi ở trẻ em tại các nước đang phát triển cao hơn so với các nước phát triển.

Việc vui chơi ở trẻ em là bẩm sinh và cũng là bản năng mà loài người có thể dễ dàng nhận thấy ở tổ tiên động vật của mình. Những loài động vật có vú khác như tinh tinh và khỉ không đuôi có một thôi thúc tự nhiên để chơi đùa. Điều này cho thấy rằng việc chơi đùa xảy ra trước khi loài người chúng ta tiến hóa.

Người tiền sử từ lúc 2 tuổi đã sáng tạo những hình vẽ trên vách hang nơi mình sống. Trẻ em Hy Lạp cổ đại đã chơi các trò chơi như "knucklebones", một phiên bản cổ của trò Jack ngày nay. Trong thời Trung cổ, những cô cậu bé đã làm đồ chơi từ gỗ hoặc đá cho riêng mình. Ngay cả trẻ em trong các trại tập trung của Đức Quốc xã cũng tham gia vào các trò chơi. Việc chơi đùa luôn luôn hiện diện trong lịch sử của nhân loại, dù có khác nhau về nền văn hóa và điều kiện sống.

Nếu bạn kể với những đứa con của mình rằng ngày trước, bạn được vui chơi ở ngoài nhiều hơn chúng bây giờ thì bạn đang nói sự thật: Trong một cuộc khảo sát khác, 70% các bà mẹ Mỹ cho biết mình thường ra ngoài vui chơi mỗi ngày khi họ còn là những đứa trẻ, trong khi tỷ lệ này ở con cái của họ chỉ là 31%. Và trẻ em khi chơi đùa thường có người lớn giám sát chứ không phải là vui chơi tự do thỏa thích.

Mặc dù bản chất của việc chơi đùa đã thay đổi nhưng vai trò của nó trong sự phát triển của trẻ em đã thu hút các nhà nghiên cứu trong nhiều thế kỷ.

Các lý thuyết về việc vui chơi

Đã là cuối ngày và bạn cảm thấy kiệt sức, nhưng với trẻ em, chỉ cần ngủ qua đêm, khi thức dậy chúng vẫn chạy nhảy rất nhiệt tình. Bạn sẽ tự hỏi: Tại sao chúng vẫn tiếp tục vui chơi? Tại sao chúng lại có nhiều năng lượng đến vậy?

Bạn không phải là người duy nhất đưa ra câu hỏi này. Các nhà tâm lý học và triết học đã cân nhắc những lý do mà trẻ em có thể chơi đùa trong nhiều năm (và có thể là chúng đã có nhiều đêm không ngủ). Triết gia Karl Groos lập luận rằng thiên hướng của chúng ta khi chơi đuổi bắt, trèo cây hay nhảy dây được phát triển bởi sự chọn lọc tự nhiên để dạy cho chúng ta những kỹ năng thể chất và tinh thần cần thiết nhằm sống sót và phát triển. Vì vậy, con người dường như được sinh ra là để học hỏi và vui chơi tại cùng một thời điểm.

Các nghiên cứu về lý do trẻ em vui chơi đã dẫn đến nhiều kết luận khác nhau. Các lý thuyết cổ điển dưới đây phần lớn là triết học và xuất hiện vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

•;       Lý thuyết năng lượng dư thừa (Friedreich Schiller) – Con người tích lũy năng lượng dư thừa và chúng phải được giải phóng thông qua hoạt động vui chơi.

•        Lý thuyết giải trí hay thư giãn (Moritz Lazarus) – Việc vui chơi giúp phục hồi năng lượng đã mất từ các hoạt động liên quan đến công việc.

•        Lý thuyết thu gọn (G. Stanley Hall) – Vui chơi là một loại hoạt động giúp loại bỏ những bản năng nguyên thủy không phù hợp được truyền lại qua di truyền.

•        Lý thuyết thực hành (Karl Groos) – Vui chơi cho phép trẻ em thực hành những vai trò của người lớn và giúp chúng có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này.

Lý thuyết hiện đại của việc vui chơi phát triển sau năm 1920 và được xác nhận bởi những nghiên cứu thực nghiệm. Lý thuyết hiện đại bao gồm:

•        Lý thuyết phân tâm học (Sigmund Freud) – Vui chơi cho phép trẻ em bày tỏ cảm xúc của mình và xua tan những cảm xúc tiêu cực đồng thời thay thế chúng bằng những cảm xúc tích cực.

•        Lý thuyết điều chỉnh kích thích (Daniel Berlyne) – Trẻ em chơi đùa để điều chỉnh mức độ kích thích trong hệ thống thần kinh trung ương.

•        Lý thuyết giao tiếp (Gregory Bateson) – Trẻ em vui chơi để học hỏi về tính xác thực của cuộc sống và mục đích của các đối tượng và hành động.

•        Lý thuyết nhận thức (Jean Piaget và Lev S. Vygotsky) – Piaget tin rằng trẻ em sử dụng khả năng tinh thần hiện tại của chúng để giải quyết vấn đề bởi chúng nhìn thế giới theo một cách khác. Và Vygotsky cho rằng việc chơi đùa giúp phát triển nhận thức và khuyến khích tư duy trừu tượng ở trẻ.

Như các bạn có thể thấy, không có sự đồng thuận về các lý do mà trẻ em chơi đùa – và đây vẫn chưa phải là danh sách đầy đủ của các lý thuyết về vấn đề này.

Mặc dù vậy, điểm chung của tất cả các lý thuyết trên là: Vui chơi rất có lợi và cần thiết cho sự phát triển của một đứa trẻ. Thông qua các trò chơi, trẻ em sẽ học cách đưa ra quyết định, thực hiện quyền tự kiểm soát, ứng phó với những tình huống khó khăn và tuân theo các quy tắc. Vui chơi ngoài xã hội giúp trẻ em kết bạn và điều đó khiến chúng vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Nhưng những lợi ích của việc vui chơi đã không thể ngăn nó trở thành "nạn nhân" của xã hội kỹ thuật số đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay.

Tương lai của việc vui chơi

Khi thời gian vui chơi giảm xuống, trẻ em có ít cơ hội hòa nhập với xã hội và liên hệ với thế giới xung quanh. Một số chuyên gia cho rằng trẻ em đang trở nên ít thông cảm và tự mãn hơn. Nhiều thập kỷ qua, tỷ lệ trầm cảm ở những người trẻ tuổi đã tăng lên rất nhiều kéo theo đó là tỷ lệ tự tử nhiều gấp hai lần so với những năm 50. Sự phổ biến của bệnh rối loạn tâm thần cũng tăng lên đáng kể. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy việc giảm thời gian vui chơi gây ra những vấn đề này nhưng chắc chắn nó đã không thể giúp cải thiện tình hình.

Một nghiên cứu cho thấy trẻ em ở Hoa Kỳ vào năm 2011 đạt điểm số trong bài kiểm tra về sự sáng tạo thấp hơn 85% so với kết quả của trẻ em năm 1984. Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em ở Anh có thể chất yếu hơn so với trẻ em của một thập kỷ trước vì lối sống ít hoạt động của chúng. Thật không may, việc bảo những đứa trẻ "ra ngoài vui chơi" không hề dễ dàng trong thời đại hiện nay. Lý do một phần là ở những chiếc điện thoại thông minh, ti vi và trò chơi điện tử. Những sản phẩm công nghệ này đã khiến chúng nằm trong nhà và không muốn ra ngoài vận động.

Nhưng điều đó không có nghĩa là công nghệ là điềm báo trước về "sự lụi tàn" của việc vui chơi ngoài trời. Nếu những đứa trẻ dành nhiều thời gian sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số (hơn 6 giờ/ngày) hơn là tham gia vào các hoạt động khác ngoài việc ngủ thì tương lai của việc vui chơi sẽ liên quan rất nhiều đến giải trí công nghệ. Thực tế là sẽ rất khó để có thể kéo những người chơi điện tử ra khỏi bàn phím và trò chơi của họ. Vì vậy một số nhà nghiên cứu đã đề xuất những trò chơi mang tính vận động nhiều hơn để thay thế cho các trò chơi chỉ sử dụng màn hình máy tính hay điện thoại.

Trò chơi vận động, tiêu biểu là Wii Fit mô phỏng võ thuật và chuyển động của các bộ phận cơ thể của người chơi đã trở nên phổ biến trong nhiều năm qua. Wii Fit đòi hỏi nhiều năng lượng hơn và khuyến khích trẻ em hoạt động thể chất và vẫn có được niềm vui. Tuy nhiên, những trò chơi vận động không thể thay thế vui chơi truyền thống bởi các nghiên cứu cho thấy chúng chỉ tăng cường hoạt động thể chất ở mức vừa phải và giảm chỉ số BMI của cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng các trò chơi vận động sẽ có xu hướng giảm theo thời gian, điều không xảy ra với các trò chơi điện tử truyền thống. Mặc dù vậy, trò chơi vận động vẫn có thể trở thành bước đệm cho nhiều trò chơi ngoài trời trong tương lai.

Thêm vào đó, đã có một phong trào đấu tranh để đưa giờ nghỉ giải lao trở lại ở các trường công lập Mỹ. Năm 2006, 82% học sinh tiểu học trong hệ thống trường công lập Chicago không có giờ ra chơi. Nhưng nhờ có chiến dịch cơ sở do các bậc phụ huynh tổ chức mà tất cả các trường tiểu học đã phục hồi thời gian ra chơi cho học sinh vào năm 2012.

Các công ty như Peaceful Playgrounds cung cấp thiết bị sân chơi với chi phí thấp như các hình tròn và ô vuông đa dụng và mạng lưới chứa số và chữ cái. Chúng được thiết kế để giảng dạy những khái niệm giáo dục và làm giảm tình trạng lộn xộn của sân chơi. Điều này giúp làm cho giờ ra chơi trở nên dễ chấp nhận hơn với hiệu trưởng của các trường (Năm 2015, Peaceful Playgrounds đã hoạt động tại hơn 8.000 trường học ở Mỹ).

Việc đưa nhiều hơn các không gian vui chơi vào thành phố bằng cách như kết hợp trò chơi nhảy lò cò với vạch qua đường cho người đi bộ có thể làm cho môi trường đô thị và ngoại ô trở thành nơi chơi đùa tốt hơn cho trẻ em. Những ý tưởng này có thể là một phần của biện pháp thu hút trẻ em vào những trò chơi tự do ngoài trời.

Quan trọng hơn là các bậc phụ huynh cần giới hạn thời gian tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ và khuyến khích con cái tham gia nhiều hơn vào các trò chơi vận động.

Tạm kết

Các nhà khoa học không chỉ cố gắng tìm hiểu lý do trẻ em chơi đùa mà còn tìm hiểu cách chúng vui chơi ở những giai đoạn phát triển khác nhau. Các nhà tâm lý học Jean Piaget và Sara Smilansky đã đưa ra loại trò chơi mà trẻ em có thể phát triển từ trò chơi vận động cảm giác tới trò chơi tượng trưng với các quy tắc. Smilansky mở rộng nghiên cứu này để thêm chức năng vào trò chơi như khám phá vật thể bằng cách sử dụng cơ thể, trò chơi xây dựng (xây dựng vật thể sử dụng vật liệu) và đóng kịch (thay nhau đóng vai nhân vật).

Huyền Thanh

Theo How Stuff Works

Chủ đề khác