VnReview
Hà Nội

Khác biệt nhất giữa iOS 10 và Android N

Tại cuộc giới thiệu các tính năng mới nhất, tuyệt nhất của iOS 10, mặc dù Apple không nhắc đến tên Google nhưng ai cũng biết họ đang so sánh iOS 10 trực tiếp với Android N.

Theo Slashgear, nghe Apple giới thiệu một số tính năng của iOS 10 thật khó có thể không liên tưởng đến những gì mà Google đã vừa mới đưa ra tại hội nghị nhà phát triển của họ vừa mới diễn ra cách đây vài tuần.

Chẳng hạn như Messages với nhiều kích cỡ text khác nhau cùng với các biểu tượng biểu cảm emoji lớn hơn, linh hoạt hơn; Photos với nhận diện khuôn mặt và tìm kiếm thông minh; Khả năng phân tích hội thoại và tự động điền vào những khoảng trống trong mục lịch.

Chắc chắn, đó là những tính năng rất cần thiết nếu iOS muốn duy trì sức cạnh tranh. Rốt cuộc, Google có lợi thế về máy học, một thứ mà họ đã xây dựng rốt ráo với trợ lý Google Assistant sẽ trang bị cho các ứng dụng chat, Google Home và nhiều ứng dụng khác.

Google Photos từ lâu đã nhận diện và lọc theo khuôn mặt, ngoài ra tag vị trí cũng như trộn các video và ảnh liên quan đến nhau – cùng với hiệu ứng và nhạc nền – thành những tác phẩm vui nhộn nổi bật.

Vậy thì có phải Apple đang chơi trò đuổi bắt không? Không hoàn toàn như vậy. Mặc dù về mặt chức năng nhìn có vẻ rất giống nhau nhưng cách hai hệ điều hành này thực hiện là khác nhau.

Để xử lý, Google dựa vào dữ liệu của bạn – dù nó là ảnh, video hoặc nội dung khác – được lưu trữ trên đám mây. Hãng có nhiều máy chủ rất mạnh có thể lọc, tách những bức ảnh được phân nhóm theo sự kiện/ địa điểm hoặc lịch được chỉ mục của bạn.

Ngược lại, Apple đang xử lý tất cả trên thiết bị. Đó là một minh chứng cho sức mạnh của bộ xử lý của Apple. Với việc không phải tải ảnh của mình lên đám mây nên bạn không có gì phải lo lắng tin tặc có thể chôm được chúng. "Ở mỗi tính năng mà chúng tôi phát triển, chúng tôi rất thận trọng cân nhắc làm thế nào bảo vệ sự riêng tư của bạn", ông Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao của Apple nói tại lễ ra mắt iOS 10 rạng sáng nay (14/6) theo giờ Việt Nam.

Không nghi ngờ gì nữa, một số người dùng nay đặt trọng tâm vào tính năng hơn là chú ý đến nơi sẽ lưu trữ dữ liệu của mình. Apple cũng không sợ đám mây: trong các cập nhật tới hệ thống đám mây của hãng hôm nay, Apple đã cải thiện việc đồng bộ dữ liệu cho người dùng với nhiều thiết bị, đảm bảo duy trì tiến độ công việc bạn lưu trữ tạm thời trên MacBook cũng sẵn có trên iMac, iPhone hay iPad Pro.

Tuy nhiên, mức độ thoải mái mà Apple có với ưu tiên đám mây trước hết (cloud-first) rõ ràng là khác nhau: Hãng nhấn mạnh không chỉ "sự thông minh trên thiết bị" mà còn tránh xử lý từ xa (nhưng ;phụ thuộc vào mã hoá đầu cuối end-to-end) và không lưu trữ môi trường làm việc riêng của người dùng (user profiling) – là việc theo dõi sử dụng để xây dựng các profile có giá trị mà một số nhà hoạt động vì quyền riêng tư đã chỉ trích vì nó lưu trữ quá nhiều dữ liệu cá nhân.

"Tích hợp sự riêng tư khác biệt vào công nghệ của Apple là một sự nhìn xa trông rộng và đặt Apple vào vị trí là người đứng đầu về sự riêng tư trong số các hãng công nghệ ngày nay", Apple trích dẫn lời giáo sư Aaron Roth, một nhà nghiên cứu ở Đại học Pennsylvania tại buổi ra mắt iOS 10.

Gần đây Apple đã bị chỉ trích vì bỏ lơ các dịch vụ đám mây của mình trong khi các đối thủ như Google và Microsoft lại đang thúc đẩy lĩnh vực này. Tại phát biểu trước các nhà phát triển hôm nay Apple cho thấy đây là một hành động có chủ đích: Cách để sống trong một thế giới đa thiết bị mà không phải dựa vào lưu trữ mọi thứ từ xa trong quá trình xử lý.

Trong xử lý, việc chuyển trung tâm dữ liệu của chúng ta từ một hệ thống ‘trục bánh xe và nan hoa' với trung tâm là đám mây so với một mô hình trung tâm là thiết bị với các đường kết nối interlink được mã hoá có thể là sự khác biệt lớn nhất giữa iOS 10 và Android N.

Minh Hương

Chủ đề khác