VnReview
Hà Nội

Công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam: lạc hậu hàng chục năm

Theo báo cáo mới đây của VCCI, 75% doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay không thể thoát ra được những máy móc có công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ.

Hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới

Một vòng đời công nghệ vào khoảng 10 năm, nghĩa là sau khoảng một thập niên sẽ có một thế hệ công nghệ mới ra đời. Vậy mà chính Bộ KH-CN cũng phải thừa nhận, hầu hết máy móc thiết bị của Việt Nam có công nghệ lạc hậu hàng chục năm so với thế giới. Trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% thiết bị là đồ tân trang.

Nhưng đáng lo ngại hơn cả là các chỉ số liên quan đến đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đang thể hiện một sự tụt hậu không chỉ với thế giới mà ngay trong khu vực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, tỷ lệ đổi mới công nghệ trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 đặt ra là tăng bình quân mỗi năm 13%, nhưng kết quả chỉ tăng 10,68%/năm.

Mức độ sẵn sàng về công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin được coi là nền tảng của phương thức phát triển mới. Tuy nhiên, theo xếp hạng năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 102 thế giới, trong đó mức độ ứng dụng công nghệ là rất thấp. Trong giai đoạn 2008-2014, mức độ sẵn sàng trong áp dụng công nghệ mới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 71/134 xuống vị trí 134/148 quốc gia, thấp hơn rất nhiều so với ngay cả vị trí 82 của Campuchia. Khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp;Việt Nam còn "tụt dốc" nhanh hơn từ vị trí 54 xuống 135 trong 5 năm. Vị trị này cũng thấp hơn vị trí 82 của Campuchia.

Thực tế tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đặt lại mục tiêu "phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", thay vì mốc thời gian năm 2020 như trước. Theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, định hướng phát triển công nghiệp đang có vấn đề nghiêm trọng.

TS Thiên phân tích, cơ cấu công nghiệp hiện vẫn nặng về khai thác tài nguyên làm động lực phát triển kinh tế, gia công sản phẩm… Trong khi, lĩnh vực chế biến chế tạo được cho là cốt lõi của công nghiệp lại chỉ tăng 1,6%. Đó là lý do vì sao công nghiệp Việt Nam vẫn yếu, giậm chân tại chỗ, thậm chí đi thụt lùi tương đối so với thế giới. Tất cả là do tầm nhìn, chiến lược phát triển công nghiệp ít chú trọng vào lĩnh vực chế tạo, công nghệ.

Cấu trúc doanh nghiệp nói chung và trong công nghiệp nói riêng cũng đang gặp vấn đề. Công nghiệp muốn phát triển phải dựa vào DN tư nhân. Tuy nhiên, nhưng trước đây, mọi ưu tiên đều dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Thực tế, khu vực này vẫn nặng về cách phát triển theo chiều rộng, khai thác tài nguyên thiên nhiên. Về phía doanh nghiệp FDI, Việt Nam "quý khách quá" dẫn đến khối FDI phát triển mạnh, lấn át sản xuất trong nước

Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức được rằng, yếu tố đổi mới công nghệ trong sản xuất là một vấn đề sống còn. Tuy nhiên, họ vẫn "lực bất tòng tầm". Với nguồn vốn hạn hẹp phần lớn doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận nhập khẩu máy móc của Trung Quốc, Đài Loan để sản xuất hàng hóa theo kiểu "gia công", chất lượng thấp. May mắn hơn, họ có thể nhập máy móc cũ của Nhật Bản có công nghệ đi sau ít nhất khoảng 10 năm.

Theo enternews

Chủ đề khác