VnReview
Hà Nội

Các nhà khoa học đã phát hiện cách xoá ký ức không mong muốn

Bạn có ký ức nào muốn xoá vĩnh viễn khỏi tâm trí mình không?

Hoặc có thể nào chỉnh sửa những kỷ niệm không vui để chúng không còn làm phiền mình nữa? Hoặc tạo ra những ký ức mới về những sự kiện không bao giờ xảy ra?

Những điều này nghe như khoa học viễn tưởng, nhưng theo một phim tài liệu công chiếu ở Mỹ tuần này, các nhà khoa học đã phát hiện cách làm được tất cả những điều đó – và hơn thế nữa.

Jake Hausler

Cậu bé Jake Hausler trong phim tài liệu Memory Hackers

Theo trang Telegraph vừa đưa tin, bộ phim tài liệu "Memory Hackers" từ chuỗi phim tài liệu NOVA của PBS tập trung vào nghiên cứu bản chất của trí nhớ và cách có thể thao tác, điều khiển chúng phục vụ cho lợi ích của con người. Các nhà làm phim cho biết trong lịch sử loài người, trí nhớ được xem như là máy thu âm trung thực và phát lại nguyên vẹn những thông tin đã thu nhận được:

"Nhưng nay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trí nhớ dễ uốn nắn hơn nhiều, luôn luôn có thể được viết và viết lại, không chỉ bởi chúng ta mà bởi những người khác. Chúng tôi phát hiện những cơ chế chính xác có thể giải thích và thậm chí có thể kiểm soát trí nhớ của chúng ta".

Trong số các đối tượng của bộ phim tài liệu có Jake Hausler, một cậu bé 12 tuổi người St. Louis, người có thể nhớ chi tiết những gì đã trải qua từ năm lên 8 tuổi.

Jake là một người ít tuổi nhất được chẩn đoán siêu trí nhớ về bản thân (Highly Superior Autobiographical Memory – HSAM), có nghĩa là cậu rất khó phân biệt giữa các sự kiện bình thường và quan trọng trong quá khứ của mình.

"Quên có thể là một trong những thứ quan trọng nhất mà bộ não sẽ làm", nhà thần kinh học nổi tiếng André Fenton nói. Ông hiện đang nghiên cứu kỹ thuật xoá những ký ức đau buồn. "Chúng ta chỉ hiểu bề mặt của tảng băng trôi khi nói đến trí nhớ của con người".

Những người khác được phỏng vấn trong phim gồm có giáo sư tâm lý học Julia Shaw ở đại học London South Bank University, người đã thiết kế một hệ thống cấy những ký ức giả và thành công trong thuyết phục những đối tượng thừa nhận tội ác mà nó chưa bao giờ xảy ra.

Các nhà làm phim cũng nói chuyện với nhà tâm lý học lâm sàng Merel Kindt, người đã phát hiện rằng có thể sử dụng thuốc để xoá những thành phần tiêu cực của trí nhớ mà qua đó bà đã cố gắng "điều trị" được cho các bệnh nhân có hội chứng sợ nhện.

Bộ phim tài liệu Memory Hackers đã phát sóng lần đầu tiên ở Mỹ tối thứ Tư vừa qua, và chúng tôi sẽ có bài viết chi tiết về vấn đề này trong thời gian tới.

Minh Hương

Chủ đề khác