VnReview
Hà Nội

Biến cà chua thành điện năng như thế nào?

Hàng năm, tiểu bang Florida vứt bỏ gần 400.000 tấn cà chua. Chúng là những quả cà chua bị hư hỏng, bị sâu ăn hoặc chỉ đơn giản là những quả xấu mã. Chúng bị vứt vào các bãi rác – nơi chúng tạo ra khí metan nguy hiểm, hoặc chúng cũng có bị thể trộn lẫn rồi biến mất cùng những dòng nước thải.

Có thể nhìn nhận rằng, đây là một sự lãng phí về thực phẩm vô cùng lớn, không chỉ cho tiểu bang Florida mà còn cho toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cảm thấy tiếc nuối hơn nữa nếu biết rằng, cà chua chính là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng, khi những nguồn năng lượng hiện tại đang dần cạn kiệt và trở nên đắt đỏ.

Một nhóm các nhà nghiên cứu của trường đại học Mỏ & Công Nghệ miền nam Dakota đã tìm ra cách xử lý những quả cà chua hỏng đó và biến chúng thành thứ vô cùng hữu dụng: Điện năng.

Biến quả cà chua có thể trở thành năng lượng điện bằng cách nào?

Các nhà nghiên cứu đã phát triển một tế bào lượng vi sinh vật đặc biệt để xử lý các chất trong quả cà chua thành năng lượng điện. Tế bào này sử dụng vi khuẩn để phân hủy các chất hữu cơ trong những quả cà chua bị vứt đi đó, oxy hóa chúng và từ đó tạo ra điện năng. Quá trình xử lý này cũng sẽ giúp trung hòa các chất khác, khiến cho chúng không tạo ra khí độc hại cho môi trường.

Biến cà chua thành điện năng – một điều tưởng chừng như không thể giờ lại trong tầm tay. Nếu làm được việc này, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Mỏ & Công Nghệ miền nam Dakota đã giải quyết được xuất sắc hai vấn đề lớn của môi trường và nền kinh tế: Xử lý chất thải độc hại và tạo ra nguồn năng lượng thay thế tiềm năng. Đối với các cá nhân, phát hiện này có vẻ không hấp dẫn cho lắm, nhưng đối với các nông trại lớn thì điều này vô cùng có ý nghĩa, nhất là khi hàng năm họ sản xuất và loại bỏ một số lượng lớn cà chua.

Nghiên cứu này đang được tiến hành bởi Namita Shrestha và các nhà khoa học khác dưới sự hướng dẫn của giáo sư Venkataramana Gadhamshetty. Họ đã trình bày về nghiên cứu mới nhất của họ tại hội nghị quốc gia Hiệp hội Hóa học Mỹ tại San Diego. Toàn bộ quá trình xử lý diễn ra trong vài tuần, và lượng điện được tạo ra từ cà chua có thể sử dụng trong vòng 10 đến 14 ngày.

Có thể rằng việc xử lý lượng cà chua thải này sẽ rất tốn kém, tuy nhiên việc tạo ra nguồn điện năng sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế lớn. Và nghiên cứu này chắc chắn sẽ được đón nhận bởi các thành phố lớn, nơi mà nhu cầu điện năng cao và cũng là nơi phải gánh trách nhiệm xử lý các chất thải nông nghiệp.

Nghiên cứu này cũng có thể áp dụng cho các loại chất thải thực phẩm khác, nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cà chua có chứa một số vi dưỡng chất đặc biệt giúp tối ưu hóa việc chuyển thành lượng điện năng.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, 400.000 tấn cà chua phải đổ bỏ mỗi năm có thể tạo ra lượng điện năng đủ để cung cấp cho Disney World trong 90 ngày. Hiện tại đây vẫn chỉ là nỗ lực trên quy mô nhỏ. Thiết kế hiện tại của nhóm nghiên cứu mới chỉ tạo ra được 0,3 watt điện từ mỗi 10 milligrams cà chua. Họ đang nỗ lực để cải thiện và nhanh chóng mở rộng quy mô.

Biến các thực phẩm nông nghiệp bị thải thành nguồn năng lượng dù không phải là điều lớn lao như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió, nhưng việc có thể quyết hai vấn đề lớn của nền kinh tế và môi trường đã khiến cho nghiên cứu này có ý nghĩa và có tiềm năng phát triển hơn nữa trong thập kỷ tới.

Điều đặc biệt là sau toàn bộ quá trình, cà chua vẫn là cà chua. Tức là trong mắt của con người, những quả cà chua bị thải đã qua xử lý không khác gì lúc chưa được xử lý. Nhưng thật ra chúng đã thay đổi hoàn toàn. Các thành phần hóa học của cà chua bị phân hủy và xử lý để không tạo ra các khí độc. Những thứ còn lại của cà chua chỉ là một chất thải màu đỏ vô hại trong khi năng lượng của nó có thể đang thắp sáng một chiếc bong đèn ở đâu đó trên trái đất.

Cao Thị Thế Anh

Chủ đề khác