VnReview
Hà Nội

Những bí ẩn của Sao Mộc sắp được giải đáp

Hôm 4/7 (giờ Mỹ), tàu vũ trụ thám hiểm không người lái Juno của NASA đã trượt vào quỹ đạo quanh Sao Mộc – hành tinh lớn nhất, cổ nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Theo tạp chí khoa học NatGeo, hành trình này kéo dài 5 năm và phủ 1,7 tỷ dặm (2,7 tỷ km). Nhưng phần khó khăn nhất chính là đoạn cuối của cuộc hành trình, khi động cơ của con tàu không gian đang quay cần phải khởi động với độ chính xác như laser để làm chậm tốc độ của Juno xuống để nó trở thành vệ tinh mới nhất – mặc dù là tạm thời – của Sao Mộc. (Juno phải hạ tốc độ để có thể chịu được lực hấp dẫn của Sao Mộc và bị hút vào quỹ đạo của hành tinh này).

"Sao Mộc là hành tinh lớn nhất, có môi trường bất lợi nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó có từ trường lớn hơn, cực quang lớn hơn, vành đai bức xạ lớn hơn, trọng lực lớn hơn. Tất cả mọi thứ về nó thực sự là lớn hơn", nhà khoa học Steve Levin tham gia dự án Juno nói. Để vào được quỹ đạo của Sao Mộc, Juno phải "rơi" vào vành đai nguy hiểm đó. Sao Mộc có kích thước đủ để chứa 1.300 Trái Đất, quay quanh Mặt Trời ở khoảng cách lớn hơn Trái Đất 5 lần.

Theo NatGeo, tàu vũ trụ Juno ngủ trong suốt hầu hết phần nguy hiểm của hành trình đến Sao Mộc.

Tàu vũ trụ Juno đã bay vào quỹ đạo của Sao Mộc

Tàu vũ trụ Juno đã bay vào quỹ đạo của Sao Mộc. Ảnh: NASA

Hành trình đến Sao Mộc

Tàu vũ trụ Juno do hãng Lockheed Martin sản xuất. Juno được đặt theo tên một nữ thần trong thần thoại La Mã có thể nhìn xuyên qua những đám mây. NASA cho biết sứ mạng này – có giá trị 1 tỷ USD - sẽ hé lộ những bí ẩn của Sao Mộc và lý giải hệ mặt trời của chúng ta được hình thành ra sao.

Khởi hành hồi tháng 8/2011 từ Mũi Canaveral thuộc bang Florida (Mỹ), tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng mặt trời Juno trang bị một loạt thiết bị được thiết kế để giải đáp các bí ẩn của hành tinh khổng lồ nhất Hệ Mặt Trời và sự tiến hoá của nó.

Nhưng chỉ một vài ngày trước khi tiến vào vành đại bức xạ của Mộc Tinh - một cấu trúc khổng lồ trung bình 4,8 triệu km rộng – thiết bị duy nhất tỉnh dậy trong suốt quá trình tiếp cận là một máy theo dõi sao (star tracker) giúp cho Juno đi đúng hành trình.

Các camera của Juno và thiết bị khoa học khác được tắt đi và khi Juno tiến gần mục tiêu, thiết bị theo dõi sao đó cũng phải cho chợp mắt. Lúc này, tàu vũ trụ thăm dò bay mù hoàn toàn.

Nghịch lý thay, đó là cách duy nhất để giữ Juno an toàn.

Sứ mệnh Juno

Các nhà khoa học NASA chờ đợi tín hiệu từ Juno báo về ngày 4/7 vừa qua

Các nhà khoa học có mặt tại Phòng Thí nghiệm Lực đẩy Phản lực của NASA khi dó ngồi quanh các màn hình máy tính, lo lắng chờ để nghe thấy một vài âm thanh như nốt nhạc. Các thiết bị của Juno hầu như đã bị tắt đi để chuẩn bị cho khởi động động cơ giúp làm giảm tốc độ đủ để tiếp cận gần với Sao Mộc. Juno được lập trình để gửi về Trái Đất một loạt các tín hiệu 10 giây để cho các chuyên gia kiểm soát hành trình biết nó đã thành công.

Ở khoảng cách xa Trái Đất 534 triệu dặm (khoảng 859,3 triệu km), Juno đã giao tiếp với những người khai sinh ra nó chậm trễ 48 phút - một khoảng thời gian mà các nhà khoa học gọi đó là 48 phút đau đớn. Các nhà khoa học thậm chí không biết 35 phút nổ động cơ đã bắt đầu như kế hoạch cho đến tận 13 phút sau khi nó hoàn thành. Ngay trước khi đồng hồ chuyển sang thời điểm nửa đêm, các nhà khoa học đã nghe thấy âm thanh họ chờ đợi: Động cơ đã nổ thành công. Quá trình này kéo dài 35 phút và khi đã đạt vận tốc mong muốn, Juno chỉ có 1,2 giây để lọt vào đúng một khoảng xác định chỉ rộng 10km.

"Nó giống như một giấc mơ trở thành hiện thực... Và nay những điều thú vị mới bắt đầu. Khoa học", ông Scott Bolton, nhà khoa học chỉ đứng đầu dự án Juno tại Viện nghiên cứu Southwest ở San Antonio nói ngắn gọn tại buổi họp báo hôm qua (ngày 6/7) "Tôi rất tò mò về những khám phá chúng tôi có thể phát hiện, và những gì Sao Mộc có thể cho chúng tôi biết về Hệ Mặt Trời đã được hình thành thế nào".

Tìm kiếm manh mối về nguồn gốc Hệ Mặt Trời

Mô phỏng bầu khí quyến Sao Mộc

Mô phỏng bầu khí quyến ỗn loạn của Sao Mộc. Ảnh: NASA

Theo VOA, Juno sẽ bay quanh Sao Mộc 37 lần theo quỹ đạo hình elip để lập bản đồ về bề mặt của hành tinh khổng lồ chứa đầy khí này. Nó cũng sẽ chụp những bức ảnh kỹ thuật cao, đo trọng lực và lực từ trường tại hành tinh này. Do đó, Juno sẽ phải chịu mức độ bức xạ mãnh liệt. Để bảo vệ khỏi những tác hại mà môi trường Sao Mộc có thể gây ra, NASA cho tất cả thiết bị điện tử nhạy cảm nhất vào trong một chiếc hộp titan nặng 180 kilogram che chắn mỗi khi tàu lại gần hành tinh.

Những thiết bị đó sẽ thăm dò bên dưới những đám mây dày đặc của Sao Mộc để nghiên cứu bầu không khí hỗn loạn, lực hấp dẫn và từ trường vốn được các nhà khoa học tính toán là mạnh hơn từ trường Trái Đất 20.000 lần.

Các nhà khoa học cho biết Sao Mộc có thành phần chủ yếu là hydro và heli, giống như Mặt Trời, và mức độ oxy và nước trong khí quyển có thể mang lại manh mối về sự hình thành của hành tinh. Ông Richard Thorne thuộc Đại học California - một trong những nhà khoa học làm việc về sứ mệnh này - giải thích: "Chúng tôi nghĩ rằng những vật chất mà chúng tôi sắp lấy mẫu... về cơ bản có tính nguyên thủy, cho chúng ta biết đôi điều về thuở ban đầu của Hệ Mặt Trời". Các nhà nghiên cứu cũng hy vọng biết được liệu Sao Mộc có lõi rắn hay không.

Không chỉ mang các thiết bị khoa học, con tàu còn có một máy ghi hình JunoCam. Nó đã gửi về các đoạn video về các mặt trăng lớn của Sao Mộc. NASA ch biết sẽ còn nhiều lần ghi hình được thực hiện trong những tháng tới và tất cả hình ảnh đều sẽ được công bố.

Juno sẽ bắt đầu gửi về các dữ liệu thu được từ những lần lại gần Sao Mộc nhất vào ngày 27/8 tới đây. Nhà khoa học thuộc dự án Juno Steve Levin cho biết các dữ liệu đó sẽ bắt đầu trả lời "những câu hỏi lớn" về Sao Mộc và hệ mặt trời.

Mọi người khắp thế giới có thể theo dõi sứ mạng của Juno trực tuyến bằng cách tải xuống phần mềm được gọi là Eyes on the Solar System từ website của NASA.

Minh Hương

Chủ đề khác