VnReview
Hà Nội

Google ‘làm mọi người nghĩ mình thông minh hơn’

Các chuyên gia tâm lý học tin rằng tìm kiếm thông tin trên Internet cung cấp cho chúng ta cái nhìn "sai hoàn toàn" về trí thông minh của chính mình.

Tìm kiếm Google

Bạn có thể tra cứu mọi thông tin trên Google, như làm phép nhân ở ảnh trên.

Google

Nhiều người khó có thể hình dung công việc của họ sẽ thế nào nếu thiếu sự hỗ trợ của Google

Báo Anh Telegraph đưa tin, các chuyên gia tâm lý học Đại học Yale của Mỹ vừa phát hiện các công cụ tìm kiếm như Google hay Bing làm cho mọi người nghĩ họ thông minh hơn thực tế, thậm chí tự tin thái quá bởi vì rất đơn giản: kho tàng kiến thức của nhân loại sẵn có ở ngay dưới đầu ngón tay của họ.

Trong một loạt thực nghiệm, những người tham gia đã từng tìm kiếm thông tin trên mạng tin rằng họ có hiểu biết hơn về một chủ đề so với những người đã biết được kiến thực qua các kênh thông thường, như đọc sách hoặc trao đổi với giáo viên, gia sư. Người dùng Internet cũng tin não bộ của họ sắc bén hơn.

"Internet là một môi trường mạnh mẽ, nơi bạn có thể nhập bất kỳ câu hỏi nào và cơ bản là bạn tiếp cận với kiến thức nhân loại ngay dưới ngón tay của mình", ông Matthew Fisher, một nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành tâm lý học ở Đại học Yale nói.

"Rất dễ để chúng ta nhầm lẫn kiến thức của mình với nguồn kiến thức bên ngoài này. Khi mọi người thực sự là chính mình [không có Internet], họ có thể sẽ sốc về mức độ hiểu biết của mình và sự phụ thuộc vào Internet đến mức độ nào", ông Fisher là người đứng đầu nghiên cứu này.

Có hơn 1.000 sinh viên tham gia vào loạt thực nghiệm nhằm đo tác động tâm lý của việc tìm kiếm thông tin trên mạng.

Trong một bài kiểm tra, nhóm tra cứu trên mạng được đưa cho một link website ở đó cho đáp án của câu hỏi "cái khoá phéc mơ tuya hoạt động ra sao?" trong khi một nhóm chỉ được đưa tài liệu trên giấy tương tự.

Khi cả hai nhóm sau đó bị vặn hỏi một câu chẳng liên quan – "tại sao những đêm có mây lại ấm hơn?", nhóm người đã tìm kiếm online tin rằng họ có hiểu biết hơn mặc dù họ không được phép tìm kiếm trên mạng câu trả lời chính xác.

Giáo sư tâm lý Frank Keil của Đại học Yale nói rằng nghiên cứu cho thấy những tác động nhận thức của việc "đang sống trong chế độ tìm kiếm" trên mạng là quá mạnh mẽ đến mức con người vẫn cảm thấy thông minh hơn thậm chí khi những tìm kiếm online của họ không giúp gì được.

Và sự gia tăng sử dụng smartphone có thể làm trầm trọng thêm vấn đề bởi vì tìm kiếm Internet luôn luôn trong tầm tay.

"Với Internet, những ranh giới giữa điều bạn biết và điều bạn nghĩ mình biết trở nên mờ nhạt", ông Fisher nói.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng cảm giác hiểu biết cao hơn khả năng thực tế cũng có thể nguy hiểm trong các lĩnh vực chính trị hoặc các lĩnh vực khác liên quan đến việc hoạch định chính sách, ra quyết định.

"Trong trường hợp mà các quyết định có hậu quả lớn thì điều quan trọng đối với người ra quyết định là phải phân biệt được kiến thức của chính bản thân và không cho rằng mình biết điều gì đó khi thực sự mình không biết", ông Fisher bổ sung.

"Internet là một nguồn lợi ích khổng lồ theo nhiều góc độ khác nhau nhưng có thể cũng sẽ có một số cái giá phải trả mà chúng ta không nhìn thấy ngay được, và đây có thể là một trong số chúng".

"Kiến thức cá nhân chính xác không dễ mà đạt được và Internet đang làm cho nhiệm vụ đó càng khó khăn hơn".

Nghiên cứu này đã được công bố trên Tạp chí nghiên cứu tâm lý học của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ.

Thanh Xuân

Chủ đề khác