VnReview
Hà Nội

Hãy quên con người đi, đây là cuộc chiến của máy móc

Đầu tháng tới, bảy chiếc máy tính hoàn toàn tự động sẽ đối mặt với nhau trong một trận chiến có một không hai ở Las Vegas. Theo đó, mỗi máy tính sẽ tìm mọi cách để "tự vệ" và chỉ ra những sai sót của đối thủ mà không có bất kỳ sự can thiệp nào của con người.

Theo Tech Insider, trận chung kết Cyber Grand Challenge do DARPA (Cục Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cấp cao Mỹ) tổ chức được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 4/8. Đây cũng là thời điểm diễn ra hai trong số những hội nghị lớn nhất trên thế giới về hacking là Blackhat và DEFCON. Cyber Grand Challenge (CGC) nhiều khả năng có thể chứng minh rằng máy móc và cụ thể là máy vi tính có thể "đánh bại" ngay cả những hacker giỏi nhất.

Mike Walker, Giám đốc chương trình của CGC phát biểu trong một cuộc hội nghị điện đàm hôm thứ Tư: "Chúng tôi hy vọng có thể thấy được bằng chứng chứng minh rằng toàn bộ vòng đời an ninh có thể được tự động hóa".

Walker giải thích, tính trung bình, các lỗ hổng phần mềm có thể không bị phát hiện trong khoảng 312 ngày và đó cũng là khoảng thời gian mà các hacker có thể sử dụng để khai thác trái phép. Sau đó khi những lỗ hổng được phát hiện ra bởi con người, chúng cần phải được tìm hiểu, khắc phục và thông báo cho cộng đồng những người sử dụng.

Cuộc thi CGC nhằm mục đích rút ngắn chu kỳ này, hay nói cách khác, thay vì phải mất gần 1 năm để phát hiện ra và khắc phục thì vấn đề giờ đây sẽ có thể được giải quyết chỉ trong vòng vài phút hoặc thậm chí là vài giây một cách hoàn toàn tự động.

Bảy đội lọt vào vòng chung kết – với những cái tên nổi bật như "Deep Red" và "Codejitsu" đã được trao cho một chiếc máy tính của DARPA. Nhiệm vụ của họ là; lập trình để máy tính của mình có thể nhận ra và hiểu được các phần mềm không được tiết lộ trước đó, tìm ra những lỗ hổng và sửa chữa chúng. Và khi cuộc thi chính thức bắt đầu, họ sẽ không được tham gia vào bất kỳ thao tác nào nữa và chỉ được phép ở bên cạnh theo dõi máy tính của mình hoạt động.

Walker cho biết: "Các máy tính phải hiểu được ngôn ngữ và tạo ra logic cho phần mềm. Tất nhiên là chúng phải tự mình tìm ra những lỗ hổng bảo mật mà không có sự can thiệp của con người".

Cuộc thi này chủ yếu nhằm mục đích phòng ngự: Các máy tính có thể tìm ra lỗ hổng phần mềm một cách nhanh chóng, vì vậy chúng sẽ không bị khai thác một cách trái phép trong tương lai. Tuy nhiên các đội tham gia sẽ được cộng thêm điểm nếu có những phương pháp để "tấn công" nhưng phải nằm trong tầm kiểm soát.

Walker chia sẻ với chuyên trang công nghệ Tech Insider: "Chúng có thể tiến xa hơn một vài bước nhưng không được xâm phạm đến những máy tính khác".

Các máy tính có thể vừa quét hệ thống của mình để tìm lỗ hổng bảo mật và vừa quét hệ thống của các đội khác nhưng lại không thể xâm nhập trái phép vào hệ thống của nhau.

Thay vào đó, chúng sẽ gửi tín hiệu đến trọng tài của DARPA.  Sau đó người này sẽ kiểm tra xem việc khai thác của các máy tính có hợp lệ không hay những điều đã được chỉ ra có thể phá hủy các máy còn lại.

Đội chiến thắng sẽ ra về với phần thưởng lên tới 2 triệu USD, trong khi đội ở vị trí thứ hai và thứ ba sẽ lần lượt nhận được 1 triệu USD và 750.000 USD.

Huyền Thanh

Chủ đề khác