VnReview
Hà Nội

Hầm trú bom biến thành trang trại rau sạch ở London

Tận dụng hầm trú bom bỏ hoang dưới lòng đất, hai doanh nhân người Anh xây dựng thành công mô hình trang trại trồng rau thủy canh nhiều tầng.

Trang trại Growing Underground nằm bên dưới những đường phố ở khu Clapham, Anh.

Ra đời trong một hầm trú bom bỏ hoang từ thời Thế chiến II, cơ sở trồng rau này chuyên sản xuất rau thơm và xà lách phục vụ các nhà hàng trong thành phố. "Ý tưởng ra đời từ niềm quan tâm đối với phát triển bền vững của tôi. Đó là tương lai của các thành phố", CNN hôm qua dẫn lời Richard Ballard, người đồng sáng lập trang trại, chia sẻ.

Với giá nhà đất ngày càng tăng cao ở London, trang trại trồng rau kiểu truyền thống từ lâu không còn hiện diện trong thành phố. Tuy nhiên, Ballard và đối tác Steven Dring đã nghĩ ra ý tưởng chuyển vườn rau xuống hầm trú ẩn Clapham được họ phát hiện trong lúc quay phim.

Nằm ở độ sâu 33 m dưới mặt đất, hầm trú ẩn nhiều tầng được xây trong khoảng thời gian 1940-1942 để bảo vệ 8.000 người dân London trước những đợt ném bom của phát xít Đức trong Thế chiến II.

Hầm trú bom này bị bỏ hoang sau chiến tranh. Ballard và Dring bắt đầu vận hành trang trại sau khi nhận được sự đồng ý của Sở Vận tải London với số vốn khởi nghiệp hơn một triệu USD vào năm 2014.

Rau được trồng trên những tấm thảm tái chế bằng kỹ thuật thủy canh không cần đất (hydroponics). Hệ thống đèn LED cung cấp ánh sáng và nhiệt lượng cần thiết để rau phát triển. Những giá rau xà lách và rau thơm mọc rất tốt nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà hàng địa phương.

Trong tương lai, rau trồng dưới lòng đất có thể xuất hiện ở các siêu thị và đến tay những người dân bình thường. "Những chiếc giường tầng bên trong đường hầm được sử dụng vào thời chiến tranh khi London bị bom đạn phá hủy. Giờ đây, chúng tôi đang dùng hệ thống giá 3-4 tầng tương tự để cung cấp thực phẩm cho London", Ballard cho biết.

Trang trại Growing Underground cũng giúp truyền cảm hướng cho những nông dân đang tìm kiếm giải pháp tiên tiến để sản xuất lương thực ở nơi khan hiếm đất canh tác.

Theo VnExpress

Chủ đề khác