VnReview
Hà Nội

Đeo kính áp tròng khi ngủ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mắt gấp 6-8 lần

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, những người có thói quen không tốt khi sử dụng kính áp tròng, đặc biệt đeo khi ngủ có thể tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn mắt từ 6-8 lần.

Tờ Science World Report vừa trích dẫn báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) về tác hại của kính áp tròng với sự tổn thương của mắt. Theo đó, cứ năm người đeo kính áp tròng lại có một người xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng mắt và dẫn tới tổn thương mắt nghiêm trọng.

Giám đốc Chương trình Nước sạch cho sức khỏe của CDC, ông Michael Beach cho biết, kính áp tròng vẫn là một dụng cụ an toàn và hiệu quả trong việc điều chỉnh thị giác nếu được chăm sóc kỹ càng theo chỉ dẫn của các chuyên gia nhãn khoa. Trường hợp ngược lại nếu người đeo không tuân thủ những chỉ dẫn đó, nguy cơ nhiễm trùng mắt và nặng hơn là tổn thương mắt vĩnh viễn là rất cao.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích hơn 1.000 trường hợp nhiễm trùng mắt liên quan đến sử dụng kính áp tròng do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cung cấp trong giai đoạn từ năm 2005 - 2015. Các bệnh nhân trong nghiên cứu gặp phải tình trạng giác mạc bị sẹo, cần ghép giác mạc sớm hoặc có trường hợp bị tổn thương do nhiễm trùng. Trong đó có hơn 10% bệnh nhân gặp các triệu chứng trên đã tới các bệnh viện hoặc phòng khám để điều trị khẩn cấp.

Thực tế, các chất liệu làm kính áp tròng hiện nay chưa thể đảm bảo lượng oxy cho giác mạc khi ngủ. Thậm chí, các loại kính áp tròng có công suất cao (cận hoặc viễn nặng) hoặc kính loạn thị đôi khi có thể làm giảm lượng oxy vào mắt nhiều hơn so với thông thường. Điều này dẫn tới tình trạng giác mạc bị thiếu oxy gây khô mắt, khó chịu.

Nhiều biến chứng khác cũng nguy hiểm không kém nếu người dùng đeo kính áp tròng khi ngủ như tân mạch giác mạc, biến đổi độ cong giác mạc gây nên tình trạng nhìn mờ khi đeo gọng kính sau đó hoặc viêm kết mạc và viêm giác mạc khá trầm trọng.

Nghiên cứu cho thấy, có khoảng hơn 1/4 số người bị nhiễm trùng mắt do đeo kính áp tròng khi ngủ, hoặc đeo lâu hơn so với khuyến cáo của bác sỹ nhãn khoa. Để phần nào làm giảm tình trạng trên, CDC đã kêu gọi mọi người ngừng đeo kính áp tròng khi ngủ. Cùng với đó CDC cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ nhiễm trùng mắt lên tới 6-8 lần nếu người dùng vẫn cố tình đeo kính áp tròng khi ngủ. Ngoài ra, người dùng kính áp tròng cũng nên thay thế kính thường xuyên nhằm tránh các nguy cơ lây nhiễm và bệnh tật cho mắt.

Kết quả nghiên cứu trên hiện đã được công bố trên tạp chí Morbidity and Mortality Weekly Report của CDC.

Tiến Thanh

Chủ đề khác