VnReview
Hà Nội

Phi hành gia Apollo có nguy cơ tim mạch cao gấp 5 lần người thường

Một nghiên cứu mới đây cho biết những phi hành gia trở về từ sứ mệnh Apollo có tỉ lệ tử vong do mắc các bệnh tim mạch cao gấp 5 lần so với các phi hành gia khác, đồng nghĩa với việc các sứ mệnh dù là ngắn ngày ở ngoài từ trường của Trái Đất sẽ để lại hậu quả lâu dài tới sức khỏe.

Các nhà nghiên cứu so sánh nguyên nhân cái chết của 7 phi hành gia Apollo với 35 phi hành gia khác từng bay ở quỹ đạo thấp của Trái Đất và 35 người khác chưa từng bay vào quỹ đạo. Nghiên cứu có thể gây ảnh hưởng tới các nỗ lực nhằm đưa con người vào không gian. Tác giả cũng thực hiện các thí nghiệm trên chuột để phát hiện xem môi trường không trọng lực và bức xạ không gian ảnh hưởng thế nào tới hệ tim mạch. Dưới đây là cuộc trò chuyện của trang Researchgate.net với tác giả Michael Delp.

- Anh có thể cho biết về kết quả sau khám nghiệm các bệnh tim mạch trên các phi hành gia không?

Đây là nghiên cứu về tỉ lệ tử vong, do đó chúng tôi nhìn vào nguyên nhân gây ra cái chết trong ba nhóm riêng biệt: phi hành gia apollo, phi hành gia bay ở quỹ đạo thấp và những phi hành gia chưa từng được bay. Các phi hành gia Mặt trăng Apollo là những người duy nhất từng bay vào vũ trụ, ra khỏi ngoài từ trường của Trái Đất. Chúng tôi nhận thấy nhóm phi hành gia Apollo có tỉ lệ tử vong do các bệnh tim mạch cao hơn các nhóm còn lại.

- Nghiên cứu sức khỏe của các phi hành gia vốn chỉ có thể thực hiện trên một giới hạn nhỏ. Vậy nó ảnh hưởng thế nào tới kết quả của anh?

Kích cỡ nhỏ là một giới hạn của nghiên cứu này. Phải cực kỳ cẩn trọng trong việc đưa ra kết luận cuối cùng. Bất chấp giới hạn, chúng tôi nghĩ rằng việc xuất bản những nghiên cứu này lại rất quan trọng vì khó có thể phớt lờ khả năng các chuyến du hành vũ trụ, bao gồm bức xạ không gian, có thể mang lại các tác dụng xấu cho tim mạch nhiều hơn chúng tôi tính toán. Nhiều quốc gia và công ty (như SpaceX) đang tiến hành đưa con người vào vũ trụ trong khoảng 10 năm nữa, không còn nhiều thời gian để chỉ ra các hệ lụy từ kết quả của nghiên cứu, cũng như trả lời các câu hỏi xung quanh ảnh hưởng của bức xạ tới hệ tim mạch. Đơn giản là vì, mất hơn một năm để hoành thành các thí nghiệm lên chú chuột mà chúng tôi chọn ra. Và Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven lại là địa điểm duy nhất tại Mỹ mà bức xạ không gian có thể được mô phỏng.

- Anh có thể cho chúng tôi biết một chút về thí nghiệm trên chuột cũng như các khám phá của mình không?

Trong nghiên cứu trước xuất bản đầu năm, chúng tôi kiểm nghiệm các tác dụng phụ của môi trường không trọng lực, các bức xạ liên quan đến không gian và thử nghiệm cả 2 cùng lúc với chuột, tương tự với những điều đã làm trong nghiên cứu hiện tại. Chúng tôi tìm thấy nhóm không trọng lực có mạch máu bị tổn thương (thông qua nội mạc), có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, đồng thời bức xạ cũng sản sinh ra một loại tổn thương tương tự đối với các nội mạc mạch máu, và cuối cùng sự kết hợp giữa môi trường không trọng lực và bức xạ không gian gây ra tổn thương còn lớn hơn cả 2 loại kia. Hãy chú ý rằng những nghiên cứu được tiến hành ngay lúc kết thúc giai đoạn thử nghiệm với từng yếu tố. Kết quả cho thấy rằng môi trường không trọng lượng và bức xạ không gian có thể tương tác gây ra các tổn thương tới hệ tim mạch.

Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi không nhìn vào các tác dụng ban đầu mà các chuyến bay vào không gian gây ra tới hệ tim mạch của các phi hành gia, mà nhìn vào những gì xảy ra sau nhiều năm kể từ khi họ về Trái Đất. Vì vậy chúng tôi cũng chia nhóm như cũ và thực hiện nghiên cứu như trên, chỉ khác là thay vì làm trực tiếp thì chúng tôi đợi 6-7 tháng, tương đương 20 năm tuổi người. Kết quả là môi trường không trọng lực không gây ra tổn thương lâu dài cho nội mạc, mà chỉ có bức xạ. Hơn nữa, sự thay đổi của tim mạch khi ở môi trường không trọng lực không để lại ảnh hưởng lâu dài. Dễ chứng minh được quan điểm này do tỉ lệ tử vọng của các phi hành gia bay ở quỹ đạo thấp không khác biệt so với các phi hành gia chưa từng bay. Chỉ có bức xạ mới gây tổn thương lâu dài.

- Vậy nghiên cứu của anh có chỉ ra được bức xạ gây ra các bệnh tim mạch ở phi hành gia như thế nào không?

Bức xạ làm tổn thương các tế bào nội mạc mạch máu dẫn đến việc các bệnh tim mạch dần dần phát triển. Các tế bào nội mạc khỏe mạnh giúp ngăn chặn các mảng xơ vữa động mạch bám vào thành mạch máu – thường được biết đến là xơ cứng động mạch. Khi các tế bào này bị tổn thương, lâu dài trong động mạch sẽ hình thành xơ vữa. Nếu ở trong tim sẽ dẫn đến thiếu máu cục bộ (lưu lượng máu thấp) và bệnh mạch vành, còn ở trong não sẽ dẫn đến đột quỵ.

- Có những cách nào để bảo vệ các phi hành gia ngoài không gian khỏi các bệnh tim mạch trong tương lại không?

Tăng cường hiệu quả cho đồ bảo hộ cũng như liệu pháp chống oxy hóa là một vài cách nhằm giảm thiểu nguy cơ này.

Phương Nam

Chủ đề khác