VnReview
Hà Nội

Mỹ phát triển công nghệ smartphone tự động lắp ráp

Dù mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống của chúng ta nhưng những chiếc điện thoại di động vẫn cần phải dựa vào con người và máy móc để lắp ráp và đưa chúng vào hoạt động.

Theo CNN, mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts MIT, Mỹ đã nghiên cứu và thiết kế một công nghệ mới cho phép điện thoại di động có thể tự lắp ráp mà không cần đến bàn tay của con người. Cũng cần phân biệt rằng, đây không phải là smartphone hoạt động theo nguyên lý "xếp hình" như dự án Project Ara của Motorola trước đó.

Trong video mô tả quá trình tự lắp ráp, sáu phần nhỏ có cấu trúc đặc biệt gồm những thỏi nam châm được cho vào một chiếc lồng xoay có tốc độ xoay biến đổi. Các bộ phận của điện thoại được thiết kế giống như những "mảnh ghép" trong trò chơi xếp hình. Chính vì vậy, chỉ những mảnh phù hợp mới có thể kết nối với nhau tạo nên "đầu ra" cuối cùng là hai chiếc điện thoại sau khi quá trình xoay kết thúc.

Mất khoảng một vài phút để các mảnh ghép tự lắp ráp và tạo nên một chiếc điện thoại hoàn chỉnh. Tốc độ xoay được giới hạn ở mức độ an toàn để không gây ảnh hưởng đến phần cứng của điện thoại.

Mặc dù vậy, theo trang tin CNN, đây mới chỉ là một dự án nghiên cứu của MIT và "thành phẩm" mới chỉ dừng lại ở chiếc điện thoại cơ bản với bàn phím và màn hình nhỏ. Dự án này được thực hiện bởi sự hợp tác giữa kiến trúc sư Skylar Tibbits tại Phòng thí nghiệm lắp ráp tự động của MIT và Marcelo Coelho – một nghệ sĩ và cũng là một nhà nghiên cứu khoa học.

Phòng thí nghiệm lắp ráp tự động được thành lập vào năm 2011 và là nơi làm việc của các nhà khoa học, kỹ sư và cả các nhà thiết kế. Tại đây, họ tiến hành nghiên tác động của cơ chế tự lắp ráp đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Những thiết kế của họ có thể được sử dụng để cải thiện hoặc cắt giảm chi phí cho ngành công nghiệp sản xuất, robot và lĩnh vực xây dựng.

Một số dự án trước đây của họ bao gồm chiếc ghế tự lắp ráp trong môi trường nước và những chiếc giày có thể biến đổi thành nhiều hình dạng khác nhau.

Coelho cho biết: "Công nghệ này có khả năng thay đổi hoàn toàn lĩnh vực thiết kế sản phẩm bởi nó sẽ cho phép các công ty lớn nhanh chóng tạo ra nhiều phiên bản của một sản phẩm và điều chỉnh dựa trên phản hồi của khách hàng. Mặt khác, nó sẽ giúp các studio thiết kế quy mô nhỏ dễ dàng mở rộng việc sản xuất của mình, từ một vài cho đến hàng ngàn đơn vị với chi phí hoạt động thấp hơn mà không cần phải huy động vốn từ đám đông như trước".

Ở thời điểm hiện tại, dự án của MIT sẽ là cơ sở nền tảng mở đường cho nhiều thử nghiệm thiết kế điện thoại hơn nữa. Hy vọng rằng trong tương lai không xa công nghệ này có thể phát triển để áp dụng cho điện thoại thông minh, nhờ đó, giá thành sẽ phù hợp hơn với người tiêu dùng.

Huyền Thanh

Chủ đề khác