VnReview
Hà Nội

95% startup xe điện của Trung Quốc đối diện nguy cơ xoá xổ

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc với hơn 200 công ty được hậu thuẫn bởi nhiều tỉ phú đang đối diện với một đợt chấn chỉnh lớn của Chính phủ nước này thông qua việc áp đặt các tiêu chuẩn công nghệ khắt khe hơn và hạn chế số lượng các doanh nghiệp trong ngành xuống chỉ còn 10.

xe-dien

Một chiếc xe điện trên đường phố Trung Quốc.

Theo hãng tin Bloomberg, một cán bộ cao cấp của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết đợt chấn chỉnh nhằm vào việc loại bỏ các công ty yếu kém và có thể khiến 95% các startup xe điện ở Trung Quốc sẽ biến mất. Đến nay, mới chỉ có hai dự án được phê duyệt đủ điều kiện để chế tạo xe điện, dựa trên tài liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Ngoài ra, ba dự án khác được cho biết là đang lên kế hoạch xin giấy phép. Tuy nhiên, con số vẫn còn rất nhỏ so với số startup hiện nay trong ngành xe điện.

Jack Ma, Terry Gou, Li Ka-sing và Jia Yueting, các tỉ phú và đồng thời cũng là những nhà đầu tư sừng sỏ đã đổ ít nhất 2 tỉ USD nhằm chế tạo ra các loại xe sử dụng năng lượng thay thế mới cho Trung Quốc như là một nỗ lực chống lại nạn ô nhiễm khói bụi ở các thành phố lớn. Các khoản đầu tư hào phóng đã biến ngành công nghiệp xe điện trở thành mỏ vàng và thu hút quá nhiều doanh nghiệp mới lao vào dù thiếu các kĩ thuật cần thiết để tạo ra những chiếc xe điện hay xe hybrid có thể sánh được với Tesla Motors hay General Motors.

"Có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào ngành này và một số trong đó chỉ là những kẻ đầu cơ", Yin Chengliang, giáo sư tới từ Viện kĩ thuật ôtô thuộc đại học Jiao Tong, Thượng Hải cho biết. "Chính phủ cần phải nâng cao ngưỡng tiêu chuẩn lên. Thật tệ khi phải nhìn các khoản đầu tư bất hợp lí vào các dự án công nghệ thấp".

Lo ngại dư thừa

Sự bùng nổ của các startup xe điện đem theo nỗi lo cho ngành công nghiệp ôtô lớn nhất thế giới của Trung Quốc phải đối mặt với nạn dư thừa công suất và tồn kho cao. Việc sản xuất ôtô chạy bằng xăng truyền thống sẽ ngày càng gặp khó khăn với sự xuất hiện của các mẫu xe điện giá rẻ, trong khi các quy định nghiêm ngặt về việc tiết kiệm nguyên liệu và lượng khí thải khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Năm ngoái, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mĩ để trở thành thị trường xe sử dụng năng lượng thay thế lớn nhất thế giới. Được biết, đã có 331.092 chiếc xe sử dụng năng lượng thay thế (xe điện, xe dùng điện kết hợp xăng) được bán ra trong năm 2015, theo tài liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe ôtô Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu bán ra 3 triệu chiếc xe sử dụng năng lượng thay thế vào năm 2025, tức là gấp 10 lần bây giờ. Để đạt được điều đó, họ đã cung cấp các khoản trợ cấp có giá trị có lúc lên tới 60% giá trị chiếc xe. Hiện tại, có khoảng 4000 mẫu xe sử dụng năng lượng mới đang được phát triển ở Trung Quốc.;

"Sự thật là chúng ta đang nhấn mạnh tới sự hỗ trợ phát triển các dòng xe sử dụng năng lượng mới. Tuy nhiên, chúng ta có nên cho phép tất cả mọi người đều được làm không?", Dong Yang, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội nói.

Chỉ có 10 giấy phép

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đang xem xét việc hạn chế số lượng các nhà sản xuất xe điện xuống chỉ còn tối đa 10 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số đó sẽ chỉ tập trung vào các startup mới chứ không tính tới các nhà sản xuất ôtô truyền thống hiện đang phát triển xe điện như tập đoàn SAIC Motor hay BYP. MIIT đã từ chối bình luận về động thái này của mình khi được hỏi.

Tuy nhiên, kể cả với những nhà sản xuất đã có giấy phép, họ vẫn có nhiều điều phải làm để đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt mới của Chính phủ trước khi cho vận hành dây chuyền sản xuất.

Trong một tài liệu về dự thảo chính sách được đăng lên vào tháng trước để lấy ý kiến, MIIT đã liệt kê ra 17 công nghệ mà mọi công ty muốn bán xe điện đều phải có để đảm bảo sự phát triển "khỏe mạnh" của ngành công nghiệp này. Có thể kể tới các công nghệ tiêu biểu như hệ thống điều khiển có thể xác định được hiệu suất và sự ổn định của xe, xây dựng một hệ thống thông tin nhằm theo dõi nguồn gốc cũng như tiêu chuẩn của các linh kiện và chi tiết quá trình tái chế hoặc tái sử dụng pin.

Quá ít công ty đủ tiêu chuẩn

Theo báo Economic Daily, tờ báo chính thống được điều hành bởi Quốc vụ viện Trung Quốc, sẽ có ít nhất 90% công ty đang phát triển xe điện hiện nay không đáp ứng được các tiêu chuẩn mới trong vòng hai năm tới. Con số này được báo cáo bởi một nhà phân tích công nghiệp giấu tên.

Hiện nay, mới chỉ có hai công ty đủ điều kiện để xin giấy phép. Một là Công ty xe điện Bắc Kinh, được điều hành bởi BAIC GROUP, một tập đoàn nhà nước chuyên sản xuất linh kiện và lắp ráp cho Hyundai Motor và mẫu Mercedes-Benz của Daimler. Công ty này sẽ xây dựng một nhà máy ở Bắc Kinh đủ sức cung cấp 70.000 xe điện mỗi năm.

xe-dien

 eCool, một thương hiệu xe điện của công ty xe lữ hành Hàng Châu Trường Giang.

Công ty còn lại là công ty xe lữ hành Hàng Châu Trường Giang, với một cổ đông lớn là công ty xe điện FDG của HongKong. Được biết, một trong những nhà đầu tư của FDG là tỉ phú nổi tiếng Li Ka-sing với khối tài sản khoảng 31,2 tỉ USD.

Vấn đề lớn

"Tốc độ cấp phép thật đáng lo ngại", Zang Zhiyong, một nhà phân tích độc lập tại Bắc Kinh cho biết, "Nhiều công ty đang xây dựng cơ sở sản xuất và giờ đây, họ bị chặn từ khâu xin giấy phép. Đó thật sự là một vấn đề lớn".

Các công ty đang lên kế hoạch xin giấy phép hiện giờ mới chỉ có ba. Đầu tiên, phải kể tới tập đoàn Wanxiang Group với dự định chế tạo một chiếc xe hybrid chạy năng lượng mặt trời có giá 115.000 USD. Được biết, tập đoàn đã cho khởi công xây dựng một nhà máy trị giá 375 triệu USD tại Hàng Châu.

Tiếp theo là công ty LeEco của tỉ phú Jia Yueting. Dự kiến, LeEco sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy trị giá 6 tỉ nhân dân tệ với công suất 200.000 xe mỗi năm.

Cuối cùng là WM Motor, startup được biết tới với việc gây quỹ thành công hơn 1 tỉ USD để chế tạo mẫu xe điện đầy tiềm năng trong năm 2017. Được biết, công ty này được thành lập bởi Freeman Shen, một cựu giám đốc điều hành của Volvo Cars.

Tình hình hỗn loạn

"Đó chính xác là tín hiệu MIIT gửi đi rằng không phải ai cũng được quyền nhận giấy phép", giám đốc Shen của WM Motors cho biết, "Tình hình hiện nay có một chút hỗn loạn khi có quá nhiều công ty không đủ điều kiện, chẳng hạn như các nhà sản xuất xe điện tốc độ thấp hay các công ty phụ tùng ôtô đã lỡ tham gia vào thị trường".

Tình hình còn xấu hơn khi Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ loại bỏ hoàn toàn mọi khoản trợ cấp vào năm 2020 để các công ty phải tự dựa vào bản thân để tìm kiếm lợi nhuận. Năm ngoái, một nhà sản xuất chỉ tạo ra được trung bình 3000 chiếc xe điện mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với mức sản xuất để có thể đạt được lợi nhuận. Việc này phần nhiều tới từ sự ỷ lại vào các khoản trợ cấp rất lớn từ Chính phủ cũng như các tỉ phú.

Ngoài ra, một số công ty và thậm chí là cả chính quyền một số địa phương đã sản xuất xe điện và pin mặc dù thiếu các công nghệ cần thiết. Điều này gây nên sự dư thừa cho thị trường và mất an toàn khi sử dụng cho người dùng.

"Đó như là một trái bong bóng vậy", Yale Zhang, giám đốc điều hành tại công ty nghiên cứu Autoforesight Thượng Hải cho biết, "Nếu bạn không có các công nghệ cốt lõi và không thể xây dựng được thương hiệu, trò chơi sẽ kết thúc rất nhanh khi bạn bắt đầu đốt tiền vào ngành công nghiệp này".

Nguyễn Long

Chủ đề khác