VnReview
Hà Nội

Tại sao con người thích nghe những bản nhạc buồn?

Kết quả của một nghiên cứu gần đây cho biết sự đồng cảm đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta phản hồi với những giai điệu buồn.

Bài hát 'Someone Like You' của nữ ca sỹ Adele ngay từ khi mới ra mắt đã đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc uy tín hay bản nhạc cổ điển Requiem của Mozart đã lay động biết bao trái tim người yêu âm nhạc trong nhiều thế kỷ qua. Một trong những nguyên nhân khiến hai tác phẩm này trở nên nổi tiếng là vì chúng đã miêu tả một cách sinh động sự mất mát và nỗi buồn.

Tuy nhiên, theo trang Greater Good, một nghịch lý tồn tại là chúng ta luôn tìm mọi cách để tránh những nỗi buồn trong cuộc sống hàng ngày nhưng lại thích nghe những bản nhạc buồn. Tại sao trong nghệ thuật, chủ đề về sự mất mát lại được yêu thích đến vậy?

Từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu về hiện tượng này và mới đây nhất, họ đã có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách chúng ta thưởng thức âm nhạc. Một nghiên cứu mới đã phát hiện ra lý do tại sao một số người trong chúng ta lại thích nghe nhạc buồn nhiều hơn những người khác và điều này có mối liên hệ mật thiết với sự đồng cảm.

Theo đó, những người cởi mở thường có sự tinh tế trong thưởng thức âm nhạc trong khi những người có phần cứng nhắc và quan tâm tới luật lệ, quy tắc lại có xu hướng thích các thể loại nhạc nhạc mạnh mẽ như rock và punk.

Vậy những bản nhạc buồn thì sao? Dựa trên nhiều cuộc khảo sát ở quy mô lớn về trải nghiệm của người tham gia khi nghe nhạc buồn, các nhà khoa học đã chia những trải nghiệm này thành nhiều loại khác nhau.

Trong một số trường hợp, nhạc buồn thực sự khuếch đại những cảm xúc về nỗi buồn và sự mất mát có liên quan đến các sự kiện và kỷ niệm cá nhân. Một vài người khác lại cảm thấy u uất khi nghe những bản nhạc buồn. Do đó, điều này không giúp chúng ta giải thích cho nghịch lý trên.

Loại cảm xúc đáng chú ý; nhất của khảo sát là sự cảm động. Các nhà khoa học cho rằng đây chính là cơ sở của niềm đam mê của chúng ta với nhạc buồn. Trải nghiệm này rất khó để mô tả bằng lời nhưng nó thường mang lại cho người nghe cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều trải qua cảm giác này bởi dường như những người hay đồng cảm với người khác thường dễ cảm động hơn.

Để kiểm tra giả thuyết này, các nhà khoa học đã quyết định sử dụng nhạc không lời để chắc chắn rằng phản ứng cảm xúc của người tham gia được mang lại bởi âm nhạc đơn thuần chứ không phải từ lời bài hát.

Nghiên cứu đã tập trung khoảng 100 người tham gia đến từ nhiều nước khác nhau trong một thí nghiệm nghe nhạc. Họ đã bật một bản nhạc buồn mang tên "Discovery of the Camp" của Michael Kamen được phát trong serie phim 'Band of Brothers'.

Bên cạnh đó, những người tham gia cũng được yêu cầu tiết lộ một số thông tin cơ bản như tâm trạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống hiện tại. Nghiên cứu cũng định hình sở thích âm nhạc của họ và sử dụng thước đo tiêu chuẩn của sự đồng cảm cũng như "chỉ số phản ứng giữa các cá nhân" để đánh giá sự đồng cảm của họ.

Kết quả thu được bao gồm cảm giác thư giãn hoặc cảm động, thậm chí là cả lo lắng và căng thẳng. Những người tham gia cảm thấy xúc động cho biết họ có những cảm xúc như mãnh liệt, buồn và thư giãn tại cùng một thời điểm. Điều quan trọng hơn, nghiên cứu nhận thấy rằng những người bị xúc động bởi bản nhạc được nghe có sự đồng cảm ở mức tương đối cao. Và ngược lại, những người ít đồng cảm hầu như không có cảm xúc này.

Nghiên cứu cho biết thêm là sự thưởng thức âm nhạc có liên quan đến nhận thức xã hội. Những người nhạy cảm và sẵn sàng cảm thông với sự bất hạnh của người khác (trong trường hợp này là bản nhạc buồn) bằng một cách nào đó sẽ cảm thấy mình được đền đáp.

"Phần thưởng" ở đây là cảm giác nhẹ nhõm và thanh thản sau khi khóc. Một giả thuyết cho rằng ngay cả một nỗi buồn trong phim ảnh hay sách truyện cũng đủ để đánh lừa cơ thể chúng ta có những phản ứng nội tiết như khóc để xoa dịu nối đau về tinh thần. Phản ứng này được điều khiển bởi các hormone như oxytocin và prolactin. Trên thực tế, chúng có khả năng tạo ra cảm giác thoải mái và ấm áp.

Âm nhạc còn hay được so sánh với một liều thuốc có tác dụng mạnh. Nếu "liều thuốc" này có khả năng chuyển hóa sự đồng cảm thành niềm vui hay nỗi buồn thì liệu bản thân âm nhạc có thể được sử dụng để "huấn luyện" con người trở nên đồng cảm hơn hay không?

Đến nay chúng ta vẫn chưa khẳng định được điều này mặc dù phương pháp trị liệu bằng âm nhạc thường được sử dụng để phục hồi cảm xúc cho những người bị trầm cảm hoặc tự kỷ. Hiểu được biến đổi cảm xúc gây ra bởi những bản nhạc buồn chắc chắn có thể giúp chúng ta tìm ra được cách can thiệp bằng âm nhạc đúng đắn để giúp những người bị rối loạn cảm xúc.

Mặc dù nghiên cứu trên mới đang ở giai đoạn đầu nhưng các nhà khoa học chia sẻ rằng việc đôi khi cho phép bản thân đắm mình trong những bản nhạc buồn có thể giúp chúng ta cân bằng cảm xúc trong cuộc sống!

Huyền Thanh

Chủ đề khác