VnReview
Hà Nội

Pin mặt trời: Việt Nam sản xuất được nhưng chi phí cao

TS Nguyễn Trần Thuật - Trung tâm Nano và Năng lượng, Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết, vấn đề sản xuất pin mặt trời ở Việt Nam hiện nay không phải là bài toán nghiên cứu hay kỹ thuật mà là bài toán đầu tư.

Trong bài viết về mô hình pin mặt trời ở công viên Trần Hưng Đạo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên báo Khoa học và Phát triển số 37, các chuyên gia cho biết mô hình này giúp tiết kiệm 90% tiền điện lưới, thân thiện môi trường nhưng có nhược điểm là phải nhập khẩu pin giá cao, khiến điện mặt trời có giá 18.000 đồng/kWh, đắt hơn nhiều so với giá điện lưới.

Pin mặt trời có chi phí đầu tư ban đầu cao.

Theo TS Thuật, Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất pin mặt trời. Với một hệ thống điện mặt trời "cô lập" dùng cho chiếu sáng, chi phí đầu tư gồm: Pin mặt trời, ắcquy, bộ sạc ắcquy, bộ đôi điện một chiều, xoay chiều (không bắt buộc) và giá đỡ.

Hiện giá pin mặt trời trên thế giới đang rất thấp, khoảng 0,428USD/Wp. Nếu dùng 4 bóng đèn 40W như hệ thống chiếu sáng công viên Trần Hưng Đạo, cần khoảng 400Wp (gấp 2,5 lần công suất sử dụng) .

Với giá cả hiện nay, TS Thuật tính toán, chi phí cho hệ thống này hoạt động trong 20 năm khoảng gần 120 triệu đồng, với giá trung bình là hơn 16.000 đồng/kWh điện (lượng điện tiêu thụ là 7.008kWh). Trong đó, chi phí cao nhất là phần thay thế ắcquy với giá khoảng 70 triệu đồng. Về cơ bản, nếu công nghệ ắcquy tốt hơn (tuổi thọ lâu hơn như tuyên bố của Công ty Testla rằng ắcquy họ sản xuất có tuổi thọ 10 năm, hiệu suất phóng nạp không đổi) thì hệ thống điện mặt trời sẽ được sử dụng rộng rãi hơn.

"Có một cách để loại ắcquy khỏi hệ thống điện, đó là nối với lưới điện quốc gia. Ban ngày, hệ thống pin mặt trời sản xuất điện, bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ban đêm dùng như bình thường. Cách làm này giúp loại phần có chi phí cao nhất" - TS Thuật nói.

Ông cũng cho biết, về mặt kinh tế, nếu sản xuất pin mặt trời trong nước thì sản phẩm phải bán theo giá thị trường, cao nhất là bằng giá xuất xưởng tại nước ngoài cộng thêm phí vận chuyển và thuế. Nếu sản xuất tại Việt Nam, khâu đóng module pin mặt trời có thể giảm chi phí nhiều nhất - khoảng 10%, các khâu còn lại rất khó giảm.

TS Thuật cho biết, nhà máy pin mặt trời do Trung Quốc đầu tư tại Thái Nguyên đã bán sản phẩm ra nước ngoài. Muốn họ bán cho mình thì Việt Nam phải có dự án điện mặt trời đủ lớn, bởi công suất sản xuất của nhà máy này là 260MW/năm.

Ông Thuật cũng nói thêm về việc nhân rộng mô hình pin mặt trời: "Cần có cơ chế giảm thiểu phần có chi phí lớn nhất, cũng là phần ô nhiễm nhất - ắcquy. Cơ chế này có thể bao gồm: Mua theo giá điện mặt trời tại nhà nhờ sử dụng côngtơ có khả năng đếm 2 chiều (chiều thuận là EVN bán điện, chiều ngược là EVN mua điện); hỗ trợ giá điện mặt trời sản xuất từ các trạng trại điện (chi phí đầu tư cho trang trại điện hiện đang là <2 USD/Wp)".

Theo Khoa Học Phát Triển

Chủ đề khác