VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu cho thấy bác sĩ chẩn đoán tốt hơn nhiều Google

Một số người có thói quen lên Google gõ thông tin về triệu chứng bệnh để tự tìm cách chữa trị. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy, các bác sĩ ngoài đời thật luôn đưa ra các chẩn đoán chính xác hơn nhiều so với các chương trình máy tính được làm ra ra để chẩn đoán bệnh.

Theo Huffington Post, những nhà nghiên cứu tới từ đại học Boston (Mĩ) đã thử so sánh khả năng chẩn đoán của các bác sĩ với các chương trình chẩn đoán online phổ biến hiện nay và được cung cấp thông qua các website hay ứng dụng như Google, WebMD, Mayo Clinic hay Isabel Symton Checker. Kết quả cho thấy tỉ lệ chẩn đoán đúng của các bác sĩ là 72%, trong khi các chương trình chẩn đoán chỉ đúng được 24%.

"Với các chương trình chẩn đoán hiện nay, tôi không có gì ngạc nhiên khi chúng không thể vượt qua các bác sĩ", tiến sĩ Ateev Mehrotra ở đại học Boston, tác giả của nghiên cứu cho biết, "Dù vậy, trong thực tế, bác sĩ và máy tính sẽ hợp tác với nhau để cùng chẩn đoán chứ không phải là đối đầu".

Được biết, các nhà nghiên cứu đã dùng một nền tảng web có tên là Human Dx để đưa 45 đoạn mô tả lâm sàng ngắn về các bệnh án, bao gồm cả lịch sử chữa bệnh và thông tin triệu chứng, tới 234 bác sĩ. Các bác sĩ không được khám trực tiếp trên cơ sở bệnh nhân, họ chỉ được dùng các thông tin được cung cấp để chẩn đoán.

Trong 45 bệnh án kể trên, có 15 trường hợp cực kì nghiêm trọng, 15 trường hợp có mức độ nghiêm trọng vừa phải và 15 trường hợp có mức độ nghiêm trọng thấp. Ngoài ra, trong đó còn có 19 tình trạng bệnh án ít gặp. Các bác sĩ sẽ gửi câu trả lời của họ cho mỗi bệnh án với số thứ tự mức độ tiềm năng của các chẩn đoán từ cao xuống thấp.

Kết quả cho thấy ở hầu hết mọi trường hợp, các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn các chương trình máy tính nhiều.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng chẩn đoán chính xác hơn cho các tình trạng bệnh án nghiêm trọng cũng như triệu chứng hiếm gặp. Trong khi đó, các chương trình chẩn đoán tốt hơn cho các tình trạng bệnh án ít nghiêm trọng cũng như các triệu chứng phổ biến. Điều đó có nghĩa là các chương trình thường chỉ chẩn đoán đúng cho các bệnh đơn giản và thường gặp. Khả năng chẩn đoán của các chương trình cũng có giới hạn vì phụ thuộc vào lượng thông tin được lập trình chứ không được nâng cao qua kinh nghiệm như các bác sĩ.

"Ở trường Y, chúng tôi được dạy để quan sát nhiều triệu chứng khác nhau trong đó có cả những triệu chứng khó gặp hoặc dễ đe dọa tới tính mạng", Andrew M.Fine, bác sĩ tới từ bệnh viện Boston cho biết, "Các kì thi tay nghề cấp quốc gia cũng giúp chúng tôi nhận biết được các triệu chứng hiếm và "không thể quên được", có lẽ nhờ vậy mà các bác sĩ luôn đưa ra các chẩn đoán tốt hơn".

"Bác sĩ có tỉ lệ chẩn đoán sai khoảng 10 tới 15%, tuy nhiên, nếu có sự trợ giúp từ máy tính, kết quả sẽ tốt hơn", tiến sĩ Mehrotra cho biết, "Các chương trình trên máy tính có lẽ nên được dùng để sửa đổi cũng như sắp xếp lại các chẩn đoán trong một số trường hợp nhất định như trong phòng cấp cứu chẳng hạn".

"Người bệnh cần phải biết rằng các "bác sĩ mạng" như Google có độ giới hạn chính xác nhất định và bạn không nên coi chúng là phương pháp thay thế việc tới chỗ một bác sĩ ngoài đời thật để đi khám", bác sĩ Leslise J Bisson tới từ New York cho biết.

Nguyễn Long

Chủ đề khác