VnReview
Hà Nội

Tháng 9/2016 "nóng nhất trong vòng 136 năm"

Tháng 9/2016 vừa được NASA công nhận là tháng nắng nóng kỷ lục liên tiếp thứ 11 kể từ hồi tháng 10/2015. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại nếu không muốn nói là "trầm trọng" đối với sức khỏe của Trái Đất.

Dữ liệu được công bố từ NASA hôm thứ Hai (17/10) cho thấy, tháng Chín vừa qua đã thiết lập mức nhiệt cao kỷ lục và là tháng nóng nhất trong vòng 136 năm qua theo dữ liệu quan sát của cơ quan này. Tuy nhiên xét tổng thể, mức nhiệt kỷ lục của tháng 9/2016 chỉ cao hơn so với tháng 9 kỷ lục gần đây nhất vào năm 2014 khoảng 0,004 °C.

Nhiệt độ Trái Đất trong tháng Chín nóng nhất dồn về phía Bắc Cực, Bắc Mỹ và Đông Á.

Dữ liệu nhiệt độ được thu thập từ Viện nghiên cứu Không gian Goddard (GISS) tại New York, Mỹ. Nhờ bộ dữ liệu nhiệt độ mới thu thập được từ Nam Cực, GISS khẳng định, tháng Sáu năm nay không còn là tháng nóng nhất trong lịch sử quan trắc, thay vào đó là tháng 6/2015 và tháng 6/1998. Nói cách khác, tháng 6/2016 chỉ là tháng nóng thứ ba kỷ lục trong lịch sử khí tượng.

Nguyên nhân của sự thay đổi do dữ liệu mới cập nhật không hề cho thấy sự bất thường nào. Kết quả so sánh dữ liệu khẳng định nền nhiệt độ của tháng 6/2016 nhìn chung còn giảm đi 0,05 °C.

Nguồn dữ liệu quan trắc của NASA được thu thập từ hơn 6.300 trạm khí tượng dải khắp trên toàn cầu, trong đó có Nam Cực.

NASA theo dõi nhiệt độ và băng biển để tìm hiểu quy trình vận hành của Trái Đất. Ngoài việc duy trì 19 sứ mệnh ngoài không gian để tiếp tục theo dõi Trái Đất, NASA cũng gửi nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đi điều tra hiện trạng môi trường. Hiện NASA đang tập trung nghiên cứu Bắc Cực để tìm hiểu quy trình thúc đẩy băng tan và sự ảnh hưởng của tình trạng gia tăng nhiệt độ lên hệ sinh thái Bắc Cực.

Mức độ băng biển Bắc Cực tại thời điểm diễn ra quá trình băng tan mạnh nhất ;thường giảm đi 40% so với giai đoạn cuối 1970 và đầu những năm 1980. Theo đó vào tháng Chín, thời điểm băng tan thấp nhất theo đúng chu kỳ, đã ghi nhận mức giảm quy mô băng biển tại Bắc Cực lên tới 13,4%.

Quy mô băng Bắc Cực đang ngày càng sụt giảm nghiêm trọng

Công bố đồng thời với NASA, Cơ quan khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cũng ghi nhận nhiều điểm tương đồng. Dựa vào bộ dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ (NCEI), NOAA khẳng định tháng 9/2016 nóng hơn 0,07 °C so với tháng 9/2015, nguyên nhân chủ yếu do sự tăng cường của hiện tượng El Nino trong thời gian qua.

Trong đó, nhiệt độ toàn cầu bao gồm đất liền và biển đã cao hơn 1,6 °C so với nền nhiệt độ trung bình của thế kỷ 20. Tháng Chín này cũng đánh dấu chu kỳ 9 tháng (Tháng 1 > Tháng 9) có mức nhiệt độ cao nhất kể từ khi dữ liệu được ghi chép bắt đầu vào năm 1880, đồng thời vượt kỷ lục năm ngoái 0,23 °C.

Theo biểu đồ nhiệt độ, Bắc Mỹ và Châu Phi là hai lục địa có nền nhiệt độ ấm thứ 3 và thứ 2 lần lượt trong tháng Chín. Riêng Châu Á và Châu Âu đã trải qua một tháng Chín tồi tệ nhất với nền nhiệt độ gay gắt.

Nhiệt độ bề mặt toàn cầu giai đoạn từ T1 - T6/2016 đang gia tăng và ngày càng biến thiên cao hơn qua từng năm

Được biết, sự khác biệt giữa dữ liệu công bố bởi NASA và NOAA chủ yếu do cách tính toán nhiệt độ giữa các khu vực trên thế giới không thể quan trắc bằng máy móc.

Nhà khoa học nghiên cứu khí hậu Jessica Blunden đến từ NCEI khẳng định: "Điều quan trọng cần ghi nhớ lúc này, đó là dù tháng nào có lập kỷ lục về nóng nhất, cao nhất đi chăng nữa, mọi thứ đã trở thành một xu hướng tăng nhiệt trên toàn cầu. Cả NOAA và NASA đều đồng quan điểm rằng, tính tới nay, năm 2016 là một năm nóng kỷ lục và sẽ tiệm cận rất gần với nền nhiệt độ cao nhất trong dữ liệu ghi nhận hiện nay".

Có thể khẳng định ngay lập tức, tương lai của Trái Đất và loài người đang rất mờ mịt. Nếu như không kịp thời vạch ra được hướng phát triển đúng đắn trong thời gian tới, những thế hệ tương lai có thể sẽ phải chịu những hậu quả vô cùng to lớn để lại từ thế hệ đi trước.

Mai Huyền

Chủ đề khác