VnReview
Hà Nội

Cho gia súc “ăn” rong biển giúp giảm phát thải tới 70% khí metan

Bằng việc bổ sung rong biển trong chế độ ăn cho gia súc, chúng ta có thể giảm tới 70% lượng khí thải metan xả vào không khí, con số này tương đương với lượng khí thải CO2 của riêng Ấn Độ mỗi năm.

Các nhà khoa học tại ĐH James Cook thuộc bang Queensland, Úc cho biết, nếu chúng ta thêm vào một lượng rong biển khô, khoảng 2% trong khẩu phần ăn của gia súc, chúng ta có thể giảm được lượng phát thải khí metan lên tới 70%.

Trang ScienceAlert cho biết, chăn nuôi là hoạt động thường ngày của con người nhưng lại đang đóng góp tới 44% tổng lượng khí thải metan xả vào bầu khí quyển. Điều đáng nói là metan gây nên tình trạng ấm lên của Trái Đất mạnh gấp 36 lần so với khí CO2.

Nhưng nếu nghiên cứu này của các nhà khoa học Úc được kiểm chứng và áp dụng thành công, con người có thể giảm được khoảng 3,4 tỷ tấn khí metan do các loài gia súc thải vào bầu khí quyền thông qua quá trình tiêu hóa (ợ và xì hơi).

Cũng cần phải xét rằng, tại sao metan lại được coi là chất khí có nguy cơ gây nên tình trạng Trái Đất ấm lên mạnh hơn CO2? Nguyên nhân nằm ở khả năng hấp thụ năng lượng từ bức xạ mặt trời và thời gian lưu trữ nguồn năng lượng đó trong bầu khí quyển.

CO2 có tiềm năng gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu (chỉ số GWP) là 1. Điều đó có nghĩa rằng, CO2 có thể giữ năng lượng trong bầu khí quyển lên tới hàng ngàn năm. Trong khi đó, metan có chỉ số GWP đạt khoảng 28-36 trong vòng 100 năm. Mặc dù có thời gian lưu trữ nhiệt trong bầu khí quyển không lâu như CO2 nhưng bù lại, metan lại có khả năng lưu trữ nhiệt lượng và bức xạ mặt trời cao hơn gấp 36 lần so với CO2.

Một báo cáo mới đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết, trong 20 năm đầu tiên lưu trữ trong bầu khí quyển, chỉ số GWP của metan là 86. Điều đó cũng có nghĩa trong ngắn hạn, metan có khả năng giữ nhiệt và làm Trái Đất nóng lên mạnh hơn 86 lần so với CO2.

Vậy là chúng ta mới chỉ giải đáp được một vế của bài toán liên quan đến nguyên nhân tại sao metan lại có hại đến vậy và cần phải triệt tiêu sớm. Tiếp đó phải làm sao để giảm lượng khí metan phát ra từ gia súc?

Quan điểm của nhiều người cho rằng, khí thải metan trong chăn nuôi gia súc đến chủ yếu từ việc "xì hơi" của gia súc. Nhưng thực tế, ợ hơi mới chính là nguyên nhân chiếm tới 90% lượng phát thải khí metan, 10% còn lại là xì hơi.

Mặc dù vậy, chưa có nhiều nhà khoa học tìm ra giải pháp hạn chế lượng khí metan này cho tới cuối năm 2015, khi một nhóm nghiên cứu đến từ Úc đã tìm ra được một loại rong biển địa phương có tên Asparagopsis taxiformis. Loại rong biển này được khẳng định có thể giảm sản sinh khí metan tới hơn 99% trong phòng thí nghiệm.

Đó là một con số ấn tượng nhưng không thực sự mang lại nhiều ý nghĩa nếu chưa được áp dụng vào thực tế chăn nuôi. Từ đó cho tới nay, một nhóm nghiên cứu khác đến từ ĐH. James Cook, bang Queensland, Úc mới bắt tay vào thử nghiệm loại rong biển đó trong thức ăn của gia súc. Hiệu quả khá bất ngờ khi chỉ với một lượng rong biển rất nhỏ, chỉ khoảng 2% được trộn trong thức ăn gia súc đã giúp giảm tới 70% khí thải metan.

Rocky De Nys, thành viên trong nhóm nghiên cứu trả lời đài ABC News cho biết: "Chúng tôi đã có kết quả từ việc thử nghiệm trên cừu, nếu đưa một lượng rong biển Asparagopsis khoảng 2% vào trong khẩu phần ăn của cừu, chúng có thể giúp giảm từ 50 – 70% lượng khí methan trong chu kỳ 72 ngày liên tục".

Giải thích hiệu quả thần kỳ của loại rong biển Asparagopsis, nhà nghiên cứu nông nghiệp Michael Battaglia đến từ Tổ chức nghiên cứu KH&CN của khối thịnh vượng chung (CSIRO) cho biết, rong biển Asparagopsis tạo ra một hợp chất có tên bromoform (CHBr3), hợp chất này có khả năng chặn sản sinh khí metan bằng cách tạo ra phản ứng với vitamin B12 ở khâu cuối cùng của quá trình tiêu hóa.

Phản ứng sẽ góp phần phá vỡ các enzym do vi khuẩn trong đường ruột sản sinh khí metan sử dụng để phân hủy chất thải trong quá trình tiêu hóa.

Battaglia cũng ước tính, lượng rong biển đủ để cung cấp cho số trang trại chăn nuôi tại Úc sẽ rất lớn, lên tới con số 6.000 ha trang trại nuôi rong biển.

Theo nhà nghiên cứu Rocky De Nysm, nghiên cứu thử nghiệm với rong biển trong khẩu phần ăn của gia súc sẽ tiếp tục được tiến hành tại tất cả trang trại trong tiểu bang Queensland từ nay tới giữa năm.

Nếu dự án nghiên cứu này thành công, đây sẽ là một bước ngoặt mới cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của loài người.

Mai Huyền

Chủ đề khác