VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta lại cắn móng tay?

Vì sao chúng ta lại cắn móng tay? Câu trả lời phức tạp hơn bạn nghĩ nhiều.

Theo trang công nghệ The Verge, thực ra, các nhà khoa học vẫn đang cố tìm hiểu chính xác tại sao mọi người lại cắn móng tay. Đó là một thói quen của nhiều người: khoảng 20-30% dân số cắn móng tay, trong đó có tới 45% là các thanh thiếu niên. Chúng ta nghĩ rằng cắn móng tay là một dấu hiệu cho thấy người đó đang lo lắng, nhưng nghiên cứu lại chỉ ra đó không hẳn là sự thật. Mọi người cũng cắn móng tay khi buồn chán, đói, giận dữ hoặc đang làm những nhiệm vụ khó. Và tất nhiên, cả khi họ xấu hổ.

Tracy Foose, phụ tá giáo sư tâm thần học tại trường UCSF School of Medicine, nói rằng cô cũng là một người hay cắn móng tay, và cô nói vì cô thích. "Tôi cảm thấy thư giãn khi cắn móng tay", Foose nói.

Cắn móng tay là một cái gì đó liên quan đến sự thư giãn, đó là lý thuyết được một số nghiên cứu trên động vật đưa ra. Vì thế, nó có thể giải thích tại sao mọi người lại cắn móng tay trong những tình huống căng thẳng hoặc khi làm các nhiệm vụ khó khăn: chúng ta cắn móng tay để cảm thấy thoải mái hơn. Lý thuyết này cũng được những nghiên cứu gần đây giữa việc cắn móng tay và chủ nghĩa cầu toàn ủng hộ. Theo đó, những người cắn móng tay là những người cầu toàn, họ lên kế hoạch kỹ lưỡng và dễ thất vọng nếu cảm giác không hiệu quả.

Một số nghiên cứu còn cho thấy những người cắn móng tay có thể là do di truyền. 1/3 những người cắn móng tay nói họ có một thành viên gia đình nào đó cũng cắn móng tay. Và khi nhìn vào các cặp sinh đôi, Shari Lipner, một giáo sư trợ giảng khoa bệnh ngoài da của trường Weill Cornell Medicine, người nghiên cứu về thói quen cắn móng tay, nói rằng trường hợp rất dễ xảy ra là cả hai trẻ đều cắn móng tay.

Vẫn chưa rõ tại sao cắn móng tay lại xuất phát từ khi chúng ta còn bé. Nhưng có thể là vì trẻ em dễ nhiễm thói quen xấu do một phần của bộ não chịu trách nhiệm đưa ra quyết định, gọi là phần vỏ não trước trán, vẫn đang phát triển. Vì thế, vỏ não trước trán chưa phát triển đầy đủ nghĩa là trẻ em dễ bốc đồng hơn người lớn. Chúng làm tất cả các việc vớ vẩn mà người lớn không làm nữa. Bởi vì, chúng ta có một bộ não phát triển đầy đủ, có thể ngăn chúng ta không làm những việc trẻ con.

Năm 2012, Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã quyết định đưa cắn móng tay và các hành vi khác như cấu da, kéo tóc kéo vào danh sách những hành vi rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay còn gọi là OCD. OCD bao gồm những người liên tục rửa tay, hoặc liên tục xếp lại giày. Nhưng một số nhà tâm thần học không đồng ý với quyết định của Hiệp hội Tâm thần Mỹ. Mặc dù sự thật là những người cắn móng tay đôi khi cũng có những rối loạn tâm thần khác như ADHD (bệnh thiếu chú ý và quá hiệu động) và rối loạn lo âu chia ly, song họ cho rằng OCD là dạng ám ảnh do lo lắng, trong khi cắn móng tay không phải thế.

Dù định nghĩa y tế về cắn móng tay là như thế nào, song có một điều là cắn móng tay có thể gây ra nhiều hậu quả sức khỏe không mong muốn. Đầu tiên, nó không tốt cho răng và thậm chí cho hàm của bạn. Thứ hai, cắn móng tay rất mất vệ sinh. Khu vực xung quanh móng tay có "đầy vi khuẩn", bao gồm cả vi khuẩn E.coli. Khi bạn cắn móng tay, các vi khuẩn sẽ thâm nhập vào cơ thể và có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa, như buồn nôn, tiêu chảy.

Miệng của chúng ta cũng là nơi ẩn chứa của nhiều vi khuẩn, mà một số trường hợp có thể gây nhiễm trùng móng tay. Mụn cóc và herpes (bệnh mụn giộp) cũng có thể truyền từ miệng đến ngón tay và ngược lại.

Hoàng Lan

Chủ đề khác