VnReview
Hà Nội

Thiên nhiên và niềm cảm hứng cho khoa học, công nghệ

Thế giới động vật là một nơi đa dạng và sôi động. Cách thức các động vật di chuyển, theo dõi mọi thứ xung quanh, và phát triển luôn đem đến cảm hứng cho các nhà nghiên cứu. Từ động vật bay nhanh nhất đến chú ốc sên siêu hiếm đi tìm tình yêu, các nhà khoa học đã cho thấy tầm ảnh hưởng của giới tự nhiên đến các công trình nghiên cứu của họ.

VnReview.vn xin được gửi tới bạn đọc những điều thú vị này thông qua bài chuyển ngữ từ tạp chí Wired danh tiếng.

Bó chân cho chim cánh cụt

Một trường học đã hợp tác với công ty in 3D địa phương và viện hải dương để tạo ra một chiếc chân giả giúp một chú chim cánh cụt bị thương có thể đi lại được. Chú chim này bị thương dây chằng nghiêm trọng ở chân trái trong một trận giao tranh với một chú chim khác. Các sinh viên đã mô phỏng bàn chân chim cánh cụt và sau đó sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra một phiên bản hoàn hảo.

Tìm tình yêu cho ốc sên

Tìm bạn tình không phải là điều dễ dàng cho tất cả các động vật và đôi khi cần phải có sự can thiệp từ bên ngoài. Chú ốc Jeremy là một trường hợp như vậy. Jeremy nằm trong diện cực hiếm do vỏ xoáy và bộ phận sinh dục bị đảo ngược và không thể tìm được bạn tình trong tự nhiên. Vì vậy các nhà di truyền đã nhờ Twitter tìm đối tác cho cậu. Thông qua chú ốc ‘triệu con có một' này, các nhà khoa học muốn tìm hiểu hiện tượng này có phải do di truyền hay không. Cuối cùng các nhà khoa học cũng tìm thấy những chú ốc sên ‘thuận bên trái' để nghiên cứu về tính di truyền của loài này.

Những chú chuột biết nhột

Chuột, giống như con người, cũng biết nhột. Các nhà khoa học đã cho chúng một thời gian thư giãn để tìm hiểu thêm về não bộ và tâm trạng của chúng. Bằng cách ghi lại và đo lường âm thanh phát ra khi nhột, các nhà nghiên cứu ở Đức có thể xác định cách thức các tế bào thần kinh trong não gắn với tình trạng nhột và tiếng cười trên loài chuột.

Loài dơi bay nhanh nhất thế giới

Với tốc độ 160 km/giờ, loài dơi không đuôi Brazilian là động vật bay nhanh nhất trong thế giới động vật – theo nghiên cứu của các nhà sinh học Đại học Tennessee, Knoxville. Cũng có những sinh vật khác bay nhanh hơn nhờ sử dụng lực hấp dẫn khi lao xuống như loài chim ưng Peregrine với tốc độ tới 300 km/giờ, nhưng khi bay theo chiều ngang, những chú dơi này không thể bị đánh bại. Hình dạng cơ thể và sải cánh có thể là nguyên nhân giúp loài dơi này bay với tốc độ khủng khiếp như vậy.

Nghiên cứu này sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu mối liên quan giữa cơ thể và tốc độ, từ đó có những nghiên cứu trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ tốt hơn.

Robot hóa trang

Lớp tế bào giúp một số tắc kè hoa thay đổi màu chóng vánh nhưng đó không phải là trường hợp với chú robot này. Viện nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán, Trung Quốc đã sử dụng trí thông minh nhân tạo để có được robot với khả năng ngụy trang. Robot được in 3D lấy cảm hứng từ phiên bản đời thực, nhưng thay vì được bao phủ bởi những màn hình tạo ra màu sắc thì chúng sử dụng tương tác giữa các cấu trúc nano và điện trường để làm điều này.

Trung Hiếu

Chủ đề khác