VnReview
Hà Nội

Châu Úc đang dịch chuyển liên tục qua mỗi mùa

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy, Châu Úc đang dần di chuyển khoảng vài mm mỗi năm do sự thay đổi của tâm khối Trái Đất. Điều này có thể góp phần thay đổi rất nhiều vị trí của Châu Úc trong những thập kỷ tới.

Trong thực tế, tâm khối của Trái Đất thay đổi mỗi mùa liên tục, do đó, vị trí của Châu Úc đang di chuyển hai lần/năm.

Đầu năm nay, các nhà nghiên cứu khẳng định, Châu Úc đã dịch chuyển 1,5 mét về phía Bắc trong 22 năm qua do sự thay đổi về kiến tạo địa tầng Trái Đất, và nước Úc cũng đã chính thức cập nhật lại vĩ độ, kinh độ của nước này để đảm bảo sự chính xác trên bản đồ. Cũng vào tháng 8/2016, BBC đưa tin, Châu Úc thậm chí có thể dịch thêm về phía Bắc khoảng 1,8m vào đầu năm 2017, tuy nhiên số liệu đo lường tọa độ chính xác sẽ chỉ được công bố vào đầu năm 2017 tới.

Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Úc, ngoài việc trôi dạt dần về phía Bắc, Châu Úc cũng đang thường xuyên lắc lư và chuyển dịch qua lại trong suốt năm qua do những thay đổi liên quan đến tâm khối Trái Đất. Tâm khối là;điểm trung bình theo phân bố khối lượng của vật thể. Đối với Trái Đất, tâm khối chính là phần trung tâm của hành tinh, là lớp lõi nóng chảy có độ sâu lên tới 6.000km dưới bề mặt đất.

Nhưng tâm khối luôn không bao giờ nằm tại một vị trí cố định. Khi có sự thay đổi liên quan đến phân bố nguồn nước trên bề mặt Trái Đất từ mùa hè sang mùa đông, tâm khối của Trái Đất sẽ dịch chuyển khoảng vài mm theo nhiều hướng khác nhau. Sự thay đổi trong tâm khối ảnh hưởng tới các lục địa rất ít, nhưng do vị trí của tâm khối nằm giữa Châu Âu và Nam Thái Bình Dương, do vậy Châu Úc trở thành lục địa di chuyển nhiều nhất.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Shin-Chan Han thuộc ĐH. Newcastle, Úc cho hay, sự di chuyển của dòng nước mỗi mùa tạo nên sự biến dạng về kích thước của Châu Úc rất dễ nhận thấy.

Nhưng để tìm hiểu rõ Châu Úc đã di chuyển được bao xa, Han và nhóm nghiên cứu đã theo dõi những thay đổi trong vị trí của Châu Úc tại 14 trạm GPS trên đất liền. Những trạm theo dõi GPS này có khả năng ghi nhận được những thay đổi về vị trí mặt đất với mức độ nhỏ hơn 1 mm.

Các nhà nghiên cứu sau đó cũng so sánh kết quả thu được với dữ liệu vệ tinh đo lực hấp dẫn của Trái Đất trong suốt một năm, nhờ đó họ có thể đo được vị trí của nước phân bố trên khắp hành tinh.

Và phát hiện không quá bất ngờ…

Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy tại Bán cầu Bắc vào mùa đông (thời điểm đó Châu Úc đang vào mùa hè), trọng lượng của băng tuyết dường như trở thành một lực kéo vô hình, kéo tâm khối của Trái Đất di chuyển gần hơn vài mm về phía Châu Âu.

Điều này dẫn tới Châu Úc bị kéo lệch về phía Tây Bắc khoảng 1 mm, và phía Tây Bắc của Châu Úc nghiêng xuống khoảng 2-3 mm, trong khi rìa đông nam lại được nâng lên với cùng một mức độ tương tự. Và tới mùa đông tại Nam Bán Cầu, mọi thứ lại thay đổi theo chiều ngược lại.

Sự thay đổi là khá nhỏ và khó có thể cảm nhận nếu không sử dụng những công cụ đo đạc chuyên dụng. Tuy vậy sự thay đổi dù là khá nhỏ này cũng có thể ảnh hưởng đến việc đo đạc qua vệ tinh, theo dõi mực nước biển dâng và dẫn tới định vị sai.

Nhóm nghiên cứu đang hy vọng, nghiên cứu này có thể góp phần cung cấp chính xác vị trí của Châu Úc theo thời gian. Kết quả nghiên cứu hiện cũng đã được công bố trên tạp chí Geophysical Research.

Tiến Thanh

http://www.sciencealert.com/the-australian-continent-is-shifting-position-every-single-season

Chủ đề khác