VnReview
Hà Nội

Tại sao bạn khó nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện?

Một nghiên cứu mới đây tiết lộ về lý do tại sao một số người cảm thấy khó khăn trong việc nhìn thẳng vào mắt của ai đó trong khi vẫn có thể giữ cuộc trò chuyện tiếp tục.

Hoá ra chúng ta không chỉ vụng về khi giao tiếp bằng mắt, mà thực sự bộ não không thể xử lý cùng lúc việc vừa suy nghĩ lựa chọn những từ ngữ đúng trong lúc nói chuyện vừa tập trung vào khuôn mặt của ai đó. Thực tế này thể hiện rõ rệt hơn khi ai đó phải cố gắng suy nghĩ về những từ ngữ ít quen thuộc, do việc này đòi hỏi cùng một nguồn "tài nguyên" não như khi phải giữ giao tiếp bằng mắt với người đối diện.

Theo ScienceAlert, hai nhà khoa học Shogo Kajimura và Michio Nomura đến từ ĐH. Kyoto, Nhật Bản đã tiến hành thử nghiệm trên 26 tình nguyện viên với trò chơi kết hợp chữ. Trong khi chơi, họ bắt buộc phải nhìn vào khuôn mặt trên màn hình máy tính.

Các tình nguyện viên được thử nghiệm với hai khuôn mặt khác nhau, một đang giao tiếp bằng mắt với họ và một đang nhìn đi chỗ khác. Tiếp đó, họ được yêu cầu phải suy nghĩ về liên kết giữa các từ dễ và khó. Khi giao tiếp bằng mắt, những người tham gia cảm thấy khá khó khăn khi phải liên kết các từ trong trò chơi.

Theo nhóm nghiên cứu cho biết: "Mặc dù giao tiếp bằng mắt và việc xử lý ngôn từ xảy ra độc lập nhưng hầu hết mọi người luôn cố gắng tránh nhìn mắt của người đối thoại. Điều này cho thấy đã có một sự ngắt quãng xen vào quá trình giao tiếp của chúng ta".

Ví dụ, khi họ suy nghĩ về những động từ có thể áp dụng cho danh từ Con dao, những liên kết khá dễ suy luận như hành động cắt, đâm, chém,… Nhưng khi liên kết từ với những danh từ khó như Thư mục, nhiều tình nguyện viên cảm thấy khó suy luận trong lúc phải nhìn vào khuôn mặt trên màn hình.

Dựa theo nhận định cho rằng, các tình nguyện viên mất nhiều thời gian để suy nghĩ về lời nói khi họ phải nhìn vào người đối diện, đặc biệt đối với những câu từ phức tạp, các nhà nghiên cứu nghi ngờ, sự ngập ngừng của tình nguyện viên có nguồn gốc do não bộ đang phải xử lý quá nhiều thông tin cùng lúc.

Như vậy, khả năng giao tiếp bằng mắt và duy trì cuộc nói chuyện là hoàn toàn có thể, tuy nhiên lại không hề dễ dàng như chúng ta tưởng.

Tuy quy mô nghiên cứu còn khá nhỏ nhưng đây là một giả thuyết khá thú vị và đầy sức thuyết phục. Mặc dù vậy, đây không phải là nghiên cứu duy nhất cho thấy, bộ não thực sự bị "bối rối" khi chúng ta giao tiếp bằng mắt với nhau.

Năm ngoái, nhà tâm lý học người Ý Giovanni Caputo đã chứng minh rằng, việc nhìn chằm chằm vào mắt của một ai đó khoảng 10 phút có thể tạo nên sự thay đổi về trạng thái ý thức. Những người trong thử nghiệm của Caputo đã nhìn thấy ảo giác về những con quái vật, người thân hay thậm chí là chính gương mặt của họ trong đó.

Các tình nguyện viên trong nghiên cứu lần này đều đã giao tiếp bằng mắt, và việc phải vừa giao tiếp bằng mắt vừa phải liên kết từ đã đem tới cho họ những trải nghiệm thực sự khác biệt. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về mối liên kết giữa giao tiếp có ngôn từ và phi ngôn từ.

Nghiên cứu hiện cũng đã được công bố trên tạp chí Cognition. Có lẽ trong lúc đợi các nhà nghiên cứu tìm ra câu trả lời chính xác, bạn đừng cho rằng, người đối thoại với bạn đang tỏ ra không tôn trọng cuộc trò chuyện nhé.

Tiến Thanh

Chủ đề khác