VnReview
Hà Nội

Việt Nam đã chế tạo được thủy lôi

"Tôi vẫn ước muốn Việt Nam sẽ tự sản xuất được loại vũ khí có thể vừa phòng ngự, vừa tấn công, giá rẻ, nhưng uy lực sát thương lớn", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Một thành tựu đáng ghi nhận

Những năm qua, nhà máy X-28 đã tập trung nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật dựa trên việc kế thừa những mẫu thiết kế của Nga trước đây để có thể nội địa hóa tự sản xuất được nhiều loại thủy lôi và đảm bảo được các tính năng tương đương so với sản phẩm của Nga chế tạo.

Các chi tiết, cụm chi tiết trong quá trình lắp ráp thủy lôi KPLMN-01 với những hệ thống điện tử rất tinh vi đều được tự sản xuất trong nước. Thân thủy lôi cũng là một chi tiết rất phức tạp đòi hỏi phải có khuôn dập với độ chính xác gần như tuyệt đối.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 1/12, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - nguyên Giám đốc Học viện Hải quân, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật và Kinh tế Biển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Thủy lôi là một vũ khí dưới nước rất lợi hại, nó có thể dùng để phỏng thủ, tấn công. Thủy lôi phòng thủ thì thường thả ở những bãi thủy lôi trước cửa ra vào cảng, kiểm soát đường đi phương tiện của ta, của địch".

Về cách dùng thủy lôi cũng có rất nhiều dạng, có cả một chiến thuật sử dụng thủy lôi đó là phòng ngự và tấn công.

Hải quân nhân dân Việt Nam vừa trưng bày và giới thiệu 2 loại thủy lôi mới do nhà máy X28 sản xuất.

Về chế tạo, thủy lôi cũng có nhiều dạng: thủy lôi chạm nổ là tàu của địch đụng vào thì sẽ gây nên nổ, cái này ta đã có từ lâu, Liên Xô giúp và bản thân chúng ta đã sản xuất được; thủy lôi không chạm nổ, nằm dưới đáy hoặc treo lơ lửng, nằm dưới đáy thì cũng dùng các tác dụng của nguồn vật lý như từ trường, âm thanh, áp suất, những loại thủy lôi đó ta đã sử dụng trong thời kháng chiến chống Mỹ, trong phương pháp phòng thủ của mình.

"Cho nên nói đến thủy lôi;đó là cả một công trình khoa học, ít cũng phải mất 3 năm mới học hết được, tôi cũng đã từng được học, đã đi thả thủy lôi ở trong chiến trưởng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cho hay.

Thủy lôi sử dụng khi này là cải tiến từ thủy lôi AMD2 của Liên Xô, hồi những năm 1960-1974, ta đã từng sản xuất loại thủy lôi ATS - thủy lôi áp suất, hồi đó khá thô sơ, dùng cái ruột quả bóng đá để gây lên nguồn tiếp thu áp suất.

Như thế để thấy về thủy lôi, lực lượng hải quân Việt Nam sử dụng khá có kinh nghiệm, từng đánh thành công nhiều trận ở chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đặc biệt sông Thạch Hãn, Cửa Việt, dọc ven biển cũng đã có chiến công của ta dùng thủy lôi AMD2 của Liên Xô không cải tiến, đánh trọng thương tàu khu trục của Mỹ.

Bây giờ, theo ông Lâm, công nghiệp quốc phòng Việt Nam mà sản xuất ra được các loại thủy lôi, thì đó là tin rất vui, rất đáng mừng. Xưa nay bản thân ông vẫn ước mơ, mình phải tự sản xuất được loại vũ khí có thể vừa phòng ngự, vừa tấn công, giá rẻ, nhưng uy lực sát thương với tàu chiến, tàu ngầm phải rất lớn.

Nên nhớ thủy lôi tiêu diệt cả tàu chiến lẫn tàu ngầm, chứ không phải chỉ có tàu nổi, tàu mặt nước, cho nên đó là vũ khí rất lợi hại, ta sản xuất được đó là cái đáng mừng, là sự cố gắng đáng ghi nhận của nền quốc phòng VN.

Nên biểu dương, vinh danh những kỹ sư, công nhân đã đầu tư, sản xuất ra được các thủy lôi "made in Việt Nam", điều này thật là tuyệt diệu.

Nên sản xuất thêm nhiều dạng khác

Ở góc độ khác, ông Lâm nói rõ: "Để đáp ứng được nhu cầu của hải quân Việt Nam bây giờ, thì cả thuyền cá, thuyền buôn, dân quân tự vệ đều phải sử dụng thủy lôi được, nên sản xuất một loại thủy lôi làm sao đó gọn nhẹ, mà lại có sức nổ mạnh, uy lực lớn, để có thể đánh chìm tàu vận tải vạn tấn, tàu chiến của kẻ thù, vào phong tỏa, vào xâm lược biển đảo của chúng ta.

Nghĩa là làm sao gọn nhẹ nhưng uy lực lớn cái đó là hay nhất, nên sản xuất nhiều dạng. Bởi vì, nó ứng dụng trường vật lý có từ trường, âm thanh, áp suất, ánh sáng, những trường vật lý đó đều có thể vận dụng vào tạo nên ngòi nổ cho quả thủy lôi.

Thuỷ lôi KMP

Bây giờ đã có những bảng điều khiển từ xa, chúng ta nên có những suy nghĩ đổi mới hơn, bổ sung thêm cho phong phú, đã có thì có thêm, hoàn thiện thêm những loại vũ khí thủy lôi, ta là một nước nghèo, sản xuất được nhiều thủy lôi, có vũ khí phòng thủ là rất tốt. Đồng thời có vũ khí đi tấn công kẻ thù gây chiến tranh với chúng ta".

Đánh giá thành tựu trên, theo ông Lâm, sự kiện này đã nâng sức mạnh của năng lực phòng thủ Việt Nam, ngày xưa ta không có vũ khí này để đánh địch, hoặc có thì nhờ nước bạn viện trợ thì phải cải tiến, thay đổi nó đi, để hợp với sức mang vác của ta. Còn giờ chúng ta đã sản xuất ra được thì có thể dùng phương tiện máy bay thả được, tàu ngầm, tàu mặt nước, thuyền đánh cá của ngư dân cũng có thể đi thả thủy lôi được.

Hơn nữa, khi đã có trong tay thì mình dùng lúc nào, dùng loại gì là quyền của mình, chiến thuật dùng cũng phong phú lên, đa dạng lên, kẻ thù phải rất khó khăn khi đối phó với thủy lôi của chúng ta. Năng lực quốc phòng của chúng ta cũng nâng lên, đặc biệt, quốc phòng dưới biển.

Trước đây khi chúng ta nhập khẩu từ nước ngoài thì họ sản xuất theo điều kiện của họ từ khí hậu, năng lực mang vác, trình độ khoa học kỹ thuật, cho nên khi về ta muốn sử dụng được thì lại phải tìm cách nghiên cứu, làm sao trong chiến thuật như thế nào, kỹ thuật thay đổi như thế nào, một bước đầu tư vào nữa.

"Giờ thì ngay từ đầu chúng ta sản xuất ra được một loại vũ khí bí mật dưới nước cái đó hết sức quan trọng, cần thiết cho quốc phòng", Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định.

Theo Đất Việt

Chủ đề khác